Hồ, đập Hà Tĩnh thiếu nước nghiêm trọng!

Năm nay, khí hậu biến đổi thất thường, lượng mưa ít nên nước tích trữ tại các hồ đập đạt thấp so với các năm. Mặc dù đã hết mùa mưa nhưng dung tích nước trên 345 hồ đập thủy lợi lớn nhỏ ở trên địa bàn mới chỉ đạt 507,7/785,5 triệu m3 so với mức thiết kế. Hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp vụ xuân và đặc biệt là hè thu năm 2013 sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước.

Toàn tỉnh hiện nay có 345 hồ đập thuỷ lợi lớn nhỏ, trong đó 2 hồ chứa lớn có dung tích từ 200 đến gần 350 triệu m3 là Kẻ Gỗ và Sông Rác, 7 hồ dung tích từ 10 đến dưới 100 triệu m3, 10 hồ từ 3 đến dưới 10 triệu m3, còn lại là hồ dung tích dưới 3 triệu m3… Tính đến hết tháng 12 này, tổng dung tích nước toàn tỉnh mới chỉ đạt 507,7/785,5 triệu m3, bằng 64,6%, thiếu hẳn 277,8 triệu m3.

Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi Hà Tĩnh lo lắng: “Các năm, đến thời điểm này, tất cả các hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn đều đã đầy căng nước, thậm chí một số hồ đã phải xả lũ, nhưng năm nay, hầu hết 100% hồ đập đều phải chắt chịu tích trữ từng giọt mà vẫn không đạt kế hoạch. Đây là năm thuỷ lợi Hà Tĩnh “đói” nước nhất trong nhiều năm qua. Nếu thời gian gian tới đây không có mưa bổ sung đủ, chắc chắn một số diện tích lúa đông xuân 2013 sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là vụ hè thu sẽ nhiều vùng hạn nặng”.

Mặc dù đã hết mùa mưa nhưng nước hồ Kẻ Gỗ chỉ đạt 44,6% so với cùng kỳ các năm trước.

Mặc dù đã hết mùa mưa nhưng nước hồ Kẻ Gỗ chỉ đạt 44,6% so với cùng kỳ các năm trước.

Cũng theo ông Hợi, lượng mưa từ đầu năm đến nay so với trung bình nhiều năm nơi đạt cao nhất là Hương Khê cũng chỉ ở mức 75%, tiếp đến là Chu Lễ 71%, Nghèn (Can Lộc) 67%. Lượng mưa thấp nhất là TP Hà Tĩnh và Sông Rác ở mức 53%. Một số hồ đập lớn như Kẻ Gỗ hiện nay mực nước chỉ đạt 24,72/52,5 mét, tương ứng với dung tích chỉ đạt 154/345 triệu m3 (thiết kế) đạt 44,6%; hồ chứa nước Sông Rác, mực nước đạt 18,69/23,2 mét tương ứng với dung tích 63,64/124,5 triệu m3, đạt 51,1%; hồ chứa nước Thượng Tuy dung tích chỉ đạt 9,4/18,9 triệu m3, bằng 49,7%…

Riêng 2 hồ chứa trọng điểm là Kẻ Gỗ và Sông Rác, ngoài cung cấp nước tưới cho hơn hàng nghìn ha đất sản nông nghiệp, còn phục vụ nước sinh hoạt cho hàng vạn hộ dân các huyện Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Thạch Hà và huyện Kỳ Anh.

Ông Phạm Đăng Nhật, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh nói: “Hiện nay các hồ chứa do công ty chúng tôi quản lý đều đang nằm ở tình trạng báo động đỏ. Từ trước tới nay ở Hà Tĩnh chưa bao giờ xảy ra hiện tượng nắng nóng vào mùa đông như năm nay, có những ngày nhiệt độ lên đến 35-360C. Cả tháng mùa mưa mà không có một hạt mưa nào, nên thiếu nước là điều dễ hiểu. Rồi đây, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn cho sản xuất”.

Theo nhận định của ông Ngô Đức Hợi, đến nay mùa mưa đã hết, nên lượng nước bổ sung vào các hồ đập, gần như là không còn. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn nước tưới cho hàng chục nghìn ha vụ sản xuất Đông xuân và Hè thu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, vụ Hè thu ở một số vùng sẽ không thể sản xuất được!

Để tích góp từng giọt nước “vàng” quý hiếm, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc tổ chức ra quân làm thuỷ lợi phục vụ dân sinh và sản xuất năm 2013. Theo đó, từ 15/11-31/12 các địa phương, đơn vị thuỷ lợi trên địa bàn toàn tỉnh chủ động phát động phong trào làm thuỷ lợi, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, xuống cấp; huy động toàn dân nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tưới, kênh dẫn các trạm bơm, kiên cố hoá kênh mương. Đối với các công ty vận hành công trình thuỷ lợi, hồ chứa lớn, tổ chức đắp bờ, giữ nước trên các mặt ruộng nhằm tiết kiệm cho đợt tưới xuống đồng làm đất. Đồng thời, đắp chặn các lạch khe, suối hạn chế nước chảy ra biển; sử dụng các trạm bơm dã chiến giữ nước trong lòng hồ, cân đối nguồn nước tại các hồ đập để điều chỉnh kế hoạch sản xuất; bố trí cây trồng hợp lý; tưới tiết kiệm trong vụ đông xuân, chắt chiu nước cho vụ hè thu…

Với thực tế này, nguy cơ cuối vụ xuân, nhất là vụ hè thu 2013 sẽ đối mặt với hạn hán đang dần hiện hữu. Việc vận hành hợp lý, tiết kiệm nước đến mức tối đa là giải pháp hữu hiệu nhất, nhằm đảm bảo giành thắng lợi cho sản xuất nông nghiệp năm 2013.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast