Hồ đập "rệu rã", Hương Khê làm gì để bảo vệ tính mạng, tài sản người dân?

(Baohatinh.vn) - Chủ động trước mùa mưa lũ, huyện Hương Khê – Hà Tĩnh cùng với các đơn vị quản lý chủ động xây dựng các phương án đối phó với "giặc nước" nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du.

Hồ đập “rệu rã”, Hương Khê làm gì để bảo vệ tính mạng, tài sản người dân?

Đập Làng ở Hương Thủy hiện đã xuống cấp phải được bảo vệ trong mùa mưa lũ.

Đập Làng ở xã Hương Thủy được xây dựng cách đây hơn 40 năm. Công trình do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh quản lý. Đến nay, đập Làng đã hư hỏng nghiêm trọng do hàng năm chịu tác động của mưa lũ. Mặc dù năm 2018, công trình đã được gia cố tạm thời, nhưng khả năng thoát lũ không đảm bảo yêu cầu thực tế. Mặt khác, hệ thống đóng mở cống quá cũ, khi kiểm tra quan trắc gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm cho người quản lý, nhất là trong mùa mưa lũ.

Theo ông Trịnh Xuân Cần – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, ngoài chủ động bố trí vật tư, phương tiện, nhân lực hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”, công ty đặc biệt coi trọng đến phương án sơ tán các hộ dân ở vùng hạ du. Khi mực nước lòng hồ vượt trên chiều cao an toàn cho phép, đơn vị sẽ phối hợp với xã Hương Thủy thực hiện phương án di dời tài sản và 15 hộ dân (96 khẩu) ở các xóm 1 và 2; trong đó, 4 hộ dân ở nhà tạm, 11 hộ dân nhà kiên cố.

Hồ đập “rệu rã”, Hương Khê làm gì để bảo vệ tính mạng, tài sản người dân?

Cầu vận hành đập Khe Ruộng (Hương Đô) bị hư hỏng nghiêm trọng, khó khăn cho quan trắc trong mùa mưa lũ.

Xã Hương Vĩnh có 4 đập thuộc loại công trình trọng yếu như: đập Nhà Vân, đập Miệu, đập Nhà Quan và đập Thấn. Hàng năm, dù được duy tu, bão dưỡng, nâng cấp nhưng mức độ an toàn hồ đập chưa đảm bảo, nguy cơ sụt lở, vỡ đập vẫn có thể xẩy ra.

Ông Phạm Xuân Bình – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Hương Vĩnh cho biết: "Để bảo vệ an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ, HTX đã chủ động ký hợp đồng với các chủ phương tiện, huy động nhân lực của các thôn xóm nhằm đảm bảo an toàn đập và tài sản nhân dân khi có sự cố xảy ra."

Đồng thời, xây dựng phương án kỹ thuật, bố trí lực lượng tuần tra, canh gác để phát hiện kịp thời và xử lý tình huống phức tạp. Khi có sự cố xẩy ra, HTX sẽ huy động toàn bộ thành viên đội xung kích và 150 người của xã và các xóm lân cận tập trung ứng cứu. Hiện, HTX đã bố trí tại đầu mối công trình mỗi đập 30 m3 đá hộc, 100 m2 bạt giấy dầu, 100 bao tải và 50 thân cây tràm...

Hồ đập “rệu rã”, Hương Khê làm gì để bảo vệ tính mạng, tài sản người dân?

Đập Đá Bàn (Hương Đô) đang được huyện đầu tư nâng cấp sửa chữa

Hương Khê được xem là địa phương có nhiều hồ đập nhất tỉnh với 157 công trình. Trong đó, có 42 hồ đập đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều hồ chứa đỉnh đập chỉ cao hơn cao trình tràn xã lũ từ 0,5 đến 1,0m nên khi xảy ra mưa lũ là nước đã tràn qua đỉnh, nguy cơ vỡ đập là rất lớn.

Điển hình như: Đập Ông Vờm (Lộc Yên), đập Ma Ka (Hương Giang), đập Nhà Tàu (Hương Trạch), đập Khe Cáo (Phúc Đồng), đập Khe Trẹ (Phú Gia). Ngoài ra, tràn xã lũ, cống lấy nước chủ yếu bằng đất, cống bị hư hỏng phần bê tông, khớp nối không đảm bảo an toàn.

Hồ đập “rệu rã”, Hương Khê làm gì để bảo vệ tính mạng, tài sản người dân?

Trước mùa mưa lũ, huyện Hương Khê cũng đã tổ chức đi kiểm tra, rà soát lại các hồ đập trên địa bàn để xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho các công trình và người dân vùng hạ du.

Ông Lê Quang Vinh – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho rằng: Để đảm bảo an toàn cho các hồ đập trong mùa mưa lũ, nhất là các hồ chứa nguy cơ mất an toàn cao thì trước mắt, cần kiểm tra, có phương án cụ thể; mở rộng, hạ thấp tràn hoặc mở thêm tràn xả phụ để tăng khả năng thoát lũ.

Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát nhân lực, vật tư dự phòng, chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” để kịp ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Mặt khác, đối với các công trình phía hạ du, các địa phương phải có phương án cụ thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và công trình trong mọi trường hợp.

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast