Hợp tác xã nông nghiệp - “Cánh tay” nối dài của SRDP

(Baohatinh.vn) - Từ khi triển khai đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 52 mô hình tổ hợp tác (THT), HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA). Đây là những trung tâm đầu mối quan trọng kết nối giữa dự án Phát triển kinh tế bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP) với các hộ nghèo.

Phó Trưởng phòng Phát triển chuỗi giá trị thị trường SRDP Phan Tuyết Mai nhấn mạnh: “Quá trình “tiếp sức” của SRDP đến các hộ dân chỉ đạt hiệu quả cao khi thông qua các THT, HTX, còn nếu đơn lẻ từng hộ sẽ rất khó thực hiện. Trong số 52 THT, HTX chỉ có khoảng 1/3 thành lập trước, số còn lại hình thành từ khi SRDP vào cuộc”. Với tổng nguồn đầu tư không lớn (trên 200 triệu đồng/THT, HTX) nhưng mục tiêu đặt ra lại rất lớn, trong đó, đảm bảo tăng thu nhập, giải quyết việc làm, đặc biệt là tạo chuỗi sản phẩm khép kín từ đầu vào đến đầu ra nên việc hoàn tất dự án CSA mất nhiều công sức và thời gian.

hop tac xa nong nghiep canh tay noi dai cua srdp

Nhờ CSA, tổ hợp tác trồng chanh leo Tân Lộc (Tân Hương - Đức Thọ) đạt hiệu quả ngoài tầm mong đợi.

Thời gian thực hiện CSA chỉ kéo dài tối đa 18 tháng nhưng việc điều tra khảo sát hoặc lựa chọn sản phẩm chủ lực của từng địa phương thực hiện một cách bài bản. Quan điểm xuyên suốt của SRDP là chỉ phê duyệt đầu tư những sản phẩm chủ lực (cây, con) khi tính toán có hiệu quả cao ít nhất là gấp 2 lần so với trước khi đầu tư. Đến nay, những cơ sở như: THT Sản xuất chế biến thủy, hải sản Phú Khang (Kỳ Xuân - Kỳ Anh), HTX Nông nghiệp Phúc Lĩnh (Kim Lộc - Can Lộc), HTX Chăn nuôi kinh doanh tổng hợp Đức Hương (Vũ Quang) là những minh chứng rõ nét về hiệu quả doanh thu tăng 3-5 lần so với trước khi SRDP tham gia.

Anh Đậu Khắc Tuyết - Tổ tưởng Tổ hợp tác trồng cây dược liệu Thạch Vĩnh (Thạch Hà) cho biết: “Mặc dù mới trồng thử nghiệm kim tiền thảo trên diện tích gần 2 ha nhưng vụ thu hoạch đầu tiên sản lượng đạt 6 tấn. Mỗi năm 3 vụ, ước tính thu nhập không dưới 200 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa, hiệu quả trồng kim tiền thảo cao hơn xấp xỉ 4 lần”.

Trong khi đó, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Kinh doanh thương mại tổng hợp Hương Giang Nguyễn Quang Tiệp (Đức Hương - Vũ Quang) triển khai mô hình CSA trồng cây chanh leo khẳng định: “Hiệu quả trồng chanh leo cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây trồng khác”.

Lợi ích cốt lõi dễ nhận thấy là khi tham gia các THT, HTX, các thành viên sẽ có cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thông qua các buổi tập huấn, hội họp do SRDP tổ chức. Bên cạnh đó, những hộ có điều kiện kinh tế sẽ đảm nhận giúp đỡ các hộ cận nghèo, hộ nghèo nguồn vốn đối ứng để thực hiện dự án (những hộ này sẽ phải hoàn lại số tiền vay đối ứng).

Tham gia THT, HTX, các thành viên sẽ cùng nhau góp sức để hoàn thành công trình của từng thành viên, không phải thuê, mướn nhân công và quan trọng hơn là chủ động được công việc. Thêm nữa, trong mục chi phí tiêu hao (chiếm 40% tổng số tiền dự án như tổ chức hội thảo, tập huấn…), THT, HTX còn trích ra nguồn quỹ dự trữ để quay vòng nên rất thuận lợi cho việc đầu tư của các hội viên cũng như kết nạp thêm hội viên mới. Đặc biệt, thành lập các THT, HTX là yếu tố tiên quyết và là điều kiện lý tưởng để hình thành các mối liên kết với doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng vững chắc để THT, HTX phát triển ổn định và bền vững, vì doanh nghiệp đảm nhận các khâu quan trọng như cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Cũng chính vì những lợi thế trên nên từ khi triển khai CSA (tháng 4/2015), đã có 52 mô hình THT, HTX được thành lập (2/3 trong số này thành lập từ khi SRDP thực hiện). CSA đã tạo việc làm cho 892 hộ gia đình (chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng nữ) có việc làm thường xuyên với mức thu nhập cao hơn hẳn so với những năm trước. Cá biệt, một số THT, HTX còn kết nạp thêm nhiều hội viên mới như: HTX Chăn nuôi bò Phương Điền (Hương Khê), HTX Chăn nuôi gà Thạch Văn (Thạch Hà). Từ tháng 4/2015 lại nay, tổng số vốn dành cho CSA đạt trên 21,4 tỷ đồng, trong đó, nguồn SRDP xấp xỉ 9 tỷ đồng, còn lại là đóng góp của người hưởng lợi. SRDP đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2016 sẽ thành lập thêm 40 mô hình, nâng tổng số lên 92 THT, HTX. Đây chính là những “cánh tay” nối dài đạt hiệu quả trông thấy giữa SRDP với những hộ nghèo.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast