Khẩn trương, quyết liệt phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp cấp bách Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vào chiều 27-3.

Đồng chí Lê Đình Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt phòng chống dịch gia súc, gia cầm

Đồng chí Lê Đình Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt phòng chống dịch gia súc, gia cầm

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, cho đến thời điểm này, dịch tai xanh ở lợn tại xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) đã làm cho 366 con lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy của 30 hộ tại 2 thôn với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 15.000 kg; Tại xã Thạch Hội (Thạch Hà), đến ngày 26/3/2013 làm cho 23 con lợn thịt mắc bệnh của 2 hộ và xã Thạch Thắng có 4 con lợn ốm không rõ nguyên nhân, gia đình đã gọi lái buôn đến bán.

Dịch lở mồm long móng, tại phường Đậu Liêu (Thị xã Hồng Lĩnh) làm 130 con gia súc mắc bệnh của 44 hộ thuộc 7 thôn cơ bản đã được khống chế; tại xã Vượng Lộc (Can Lộc), tính đến ngày 25/3/2013, có 29 con trâu, bò mắc bệnh của 14 hộ và đã tiêu hủy 2 con bò mắc bệnh, chết.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã xẩy ra dịch cúm gia cầm H5N1 tại phường Nguyễn Du, xã Thạch Môn (TP.Hà Tĩnh) và xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) với tổng số gia cầm ốm chết, buộc phải tiêu hủy 1512 con của 28 hộ chăn nuôi.

Nguyên nhân dịch đều xuất phát từ các vùng có ổ dịch cũ với mật độ chăn nuôi cao. Người dân bổ sung đàn gia súc không rõ nguồn gốc.. Mặt khác, trong điều khí hậu thời tiết khắc nghiệt, chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của vật nuôi dễ phát sinh dịch.

Phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại ở Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại ở Cẩm Bình (Cẩm Xuyên)

Khi dịch xẩy ra, tỉnh cùng với ngành chuyên môn đã trực tiếp kiểm tra xác định ổ dịch và vùng khống chế, bị dịch uy hiếp để triển khai đồng bộ các giải pháp; tiến hành cấp phát trên 10.000 lít hóa chất và sử dụng trên 20 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực liên quan.

Các địa phương vùng có dịch tạm thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; lập các biển báo dịch và các chốt kiểm dịch để ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm khỏi vùng dịch; kiểm soát người và phương tiện ra vào vùng dịch....

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng: Dịch bệnh gia súc, gia cầm xẩy ra trên địa tỉnh trong thời gian vừa qua diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Mặc dù chúng ta đã có các giải pháp đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở về công tác phòng chống dịch nhưng tổ chức thực hiện của một số địa phương, đơn vị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, đó là giám sát dịch, theo dõi diễn biến dịch không kịp thời ; tổ chức tiêm phòng không đạt kế hoạch đề ra...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh ở gia súc bùng phát đang ở mức độ cao trên địa bàn toàn tỉnh. Vì vậy, yêu cầu các ngành, địa phương phải vào cuộc khẩn trương, kịp thời, quyết liệt tổ chức thực hiện theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT. Trước hết, phải kiện toàn lại BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm từ tỉnh xuống xã để tìm mọi cách khống chế dịch kịp thời; tập trung tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức của người dân, trách nhiệm của chính quyền, của ngành chuyên môn và cả hệ thống chính trị vào cuộc; bắt buộc tiêm phòng đối với các loại vắc xin lở mồm long móng, cúm gia cầm và tai xanh tại các vùng có dịch và vùng bao vây đảm bảo đúng kế hoạch.

Các địa phương phải thực hiện chốt chặn nghiêm ngặt 24/24h, đồng thời rải vôi theo và phun hóa chất tại các vùng dịch....

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast