Khi âu thuyền không còn là chốn về an toàn

(Baohatinh.vn) - Bắt đầu bị bồi lắng từ cuối năm 2012, các luồng lạch vào 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền Cảng cá Cửa Sót, Thạch Kim (Lộc Hà) mỗi ngày chỉ sử dụng được 1-3 tiếng đồng hồ. Không như kỳ vọng, 2 âu thuyền này đang trở thành nỗi ám ảnh của ngư dân trước cảnh vượt cạn sau mỗi chuyến ra khơi trở về...

Chờ nửa ngày để đi 1 hải lý

Cập bến Cửa Sót từ 22h đêm hôm trước mà mãi đến 5h chiều hôm sau, chiếc tàu đánh cá 30 CV của ông Nguyễn Chức (Đà Nẵng) mới vào được khu neo đậu chỉ cách chưa đầy 2 km (khoảng 1 hải lý). Ấy vậy mà, theo ông, như thế vẫn còn may vì đây không phải là lần đầu tiên phải “thi gan” với luồng cạn khô và dải đá ngầm ở cảng cá này nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm… chờ đợi.

Chỉ có những chiếc thuyền nhỏ mới có thể vào được điểm gần với âu thuyền.
Chỉ có những chiếc thuyền nhỏ mới có thể vào được điểm gần với âu thuyền.

Ông Chức cho biết: “Thuyền của tôi chủ yếu là câu mực ở vùng biển Quảng Nam - Hà Tĩnh, đã rất nhiều lần vào ra Cửa Sót nên khá thông thuộc luồng lạch ở đây. Phải chờ thủy triều lên “đỉnh” mới cho thuyền vào nhưng cũng phải vững tay lái lắm mới không bị mắc cạn hoặc vướng vào dải đá ngầm”.

Để có được những kinh nghiệm này, tàu của ông Chức đã phải trả giá bằng mấy lần gãy chân vịt. Còn những “lính mới” như anh Đặng Văn Thành (Đà Nẵng) thì phải vã mồ hôi mới vào bến an toàn. “Khoảng 6h thủy triều lên, vậy mà loay hoay cả tiếng vẫn không vào được bờ nên đành phải nhờ thuyền lai dắt” - anh Thành chia sẻ.

Kể từ ngày luồng chính “chết hẳn” (cuối năm 2010) thì mọi tàu, thuyền muốn vào cảng đều chọn tuyến phụ ở phía bên kia núi Nam Giới. Có điều, sự lựa chọn này cũng là bất khả kháng vì dưới con lạch này, dải đá ngầm có thể “bẫy” bất cứ con thuyền nào đi qua kể cả những tay lái chuyên nghiệp khi nước xuống. Và, hằng ngày, hình ảnh người đẩy, kẻ chèo vượt cạn trên dòng lạch cát nổi lên phần nhiều đã trở nên quen thuộc với người dân vùng biển. Ông Phan Văn Tiến (xóm Long Hải - Thạch Kim) cho biết: “Vào khoảng 8h sáng thì kể cả tàu công suất 16 CV cũng không vào ra được. Mùa này còn có thể chờ chứ mùa bão lo lắm, chậm vào khu neo đậu thì chỉ có bị đánh tan. Mùa bão năm nào chúng tôi cũng phải tăng bo tàu ra biển lai dắt tàu bạn về nơi trú ẩn!”.

Thuyền lớn “né” âu thuyền…

Hà Tĩnh hiện có 2 khu neo đậu tránh trú bão, so với Cửa Nhượng thì Cửa Sót có phần tấp nập hơn bởi đây vừa là khu neo đậu tránh trú bão, vừa là cảng cá duy nhất của tỉnh. Được đưa vào sử dụng cuối năm 2009, khu neo đậu có sức chứa thiết kế 300 tàu với công suất tối đa 300 CV vào neo đậu tránh trú bão và buôn bán thủy, hải sản. Tuy nhiên, sự bồi lắng liên tục trong mấy năm đã khiến cho nó chỉ hoạt động khoảng 1-3 tiếng mỗi ngày (thường chập tối và sáng sớm - PV). Thậm chí, đối với những con tàu đánh cá 90 CV trở lên thì âu thuyền không còn là chốn về an toàn trong mùa mưa bão.

Ông Bùi Tuấn Sơn - Trưởng BQL các cảng cá cho biết: “Nhiều năm qua, các chủ tàu có công suất lớn không dám vào cảng Cửa Sót mà chọn các cảng ở Nghệ An, Quảng Bình. Vì vậy, sản lượng thủy, hải sản liên tục giảm sút, từ thu hút trên 11.000 lượt tàu thuyền năm 2010, đến nay, giỏi lắm mỗi năm chỉ có khoảng 8.000-9.000 lượt vào neo đậu. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thủy sản và giảm nguồn thu của BQL cảng”. Thực tế, có đến hàng trăm tàu lớn đã chịu thiệt hại lớn về tài sản khi cố vào khu neo đậu, thậm chí, có những con tàu bị lật, bị đánh chìm trong lòng biển sâu.

Mùa mưa bão chưa về, khu neo đậu chủ yếu là hoạt động kinh doanh thủy sản. Có điều, trong khu neo đậu chỉ khoảng mươi ba cái thuyền 16-30 CV nằm lặng lẽ, không giống với bức tranh tấp nập, sôi động của một cảng cá mùa đánh bắt. Chị Nguyễn Thị Hoa - chủ kinh doanh thủy sản ở Thạch Kim cho biết: “Thuyền lớn đang mắc cạn ngoài luồng o chú tề. Cá về là chúng tôi phải thuê thuyền nhỏ của dân ra tăng bo hàng vào, cứ mỗi tấn cá, riêng tiền chuyên chở là 100 nghìn đồng cộng với trăm thứ chi phí khác làm giá thành sản phẩm tăng cao. Nếu không gặp ngày thuận buồm xuôi gió, thuyền nhỏ này ra cũng cả tiếng đồng hồ mới vào được, toàn lo chậm chợ phiên”. Nhìn theo tay chị chỉ, mấy con tàu đang treo mình trên cát nằm rải rác ở tuyến lạch. Mỗi ngày, những chuyến thuyền tăng bo không chỉ thồ cá vào bờ mà còn chuyển nước, thức ăn, xăng dầu ra cho những thuyền lớn có công suất 90-160 CV vì không vào được.

Được biết, Sở NN&PTNT đã có dự án nạo vét các luồng lạch ra vào cảng và khu neo đậu Cửa Sót, tuy nhiên để có hiệu quả lại cần nguồn lực rất lớn. Trong lúc chờ đợi thì những ngư dân vùng biển vẫn phải đánh cược số mạng, tài sản của mình vào sự may mắn và niềm tin “có bão thì chắc có triều cường”!?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast