Khi “lợn chuồng nhà họa dịch”

Chuyện con lợn nhiễm bệnh tai xanh kể ra không còn mới, nhưng mầm bệnh lan truyền từ đâu thì người dân Cẩm Bình và cả huyện Cẩm Xuyên chưa ai hiểu nổi. Tháng 3 vừa qua, “bóng ma” tai xanh quay đầu lại, khiến cả xã mất ăn, mất ngủ...

Dịch lan nhanh

Khi anh cán bộ nông nghiệp xã Cẩm Bình dẫn tôi tới tìm hiểu nguyên cớ dịch lợn tai xanh ở nhà bác Trần Viết Duyên (thôn Đông Trung), không khí cả nhà buồn tênh. Đôi mắt tư lự, ông Duyên thành thật: “Tiếng là chủ nhà, nhưng mọi chuyện chăn nuôi, tui đều phó thác cho con dâu…”.

Chưa đầy 10 phút sau, chị Dương Thị Bông con dâu ông Duyên tuềnh toàng trong bộ đồ che nắng, 2 tay xách 2 đôi gà về đặt phốc xuống sân, rồi kể: Cách đó khoảng 1 tuần, 1 gã “tể lô” tại chợ TP Hà Tĩnh vào nhà chị mua tới 10 con lợn. 10 chiếc rọ sắt lần lượt được đặt vào nền chuồng và chỉ trong khoảnh khắc, cả đàn lợn đã nằm gọn trên xe…

Thu gom lợn bị bệnh tai xanh tại thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình đưa đi tiêu hủy
Thu gom lợn bị bệnh tai xanh tại thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình đưa đi tiêu hủy

Căn nguyên có phải “mầm” dịch tai xanh theo vào từ chiếc rọ ấy, thì khó mà quy kết được. Chỉ biết rằng, vào ngày 11/3, khi cho đàn lợn ăn, chị Bông phát hiện da phía mông của 2 con lợn đỏ rận, bước đi chậm chạp và biếng ăn. Sau khi mời cán bộ thú y về điều trị không khỏi, ông Duyên mới hốt hoảng thông báo cho chính quyền địa phương.

Chính quyền xã Cẩm Bình lập tức mời cán bộ Trạm Thú y Cẩm Xuyên xuống xem xét. 2 con lợn ốm nặng của ông Trần Viết Duyên được tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm. Tới 11h trưa 20/3, Trung tâm Thú y vùng 3 đã kịp thời thông báo 2 mẫu bệnh đều “dương tính với vi-rút tai xanh”.

Thôn Đông Trung hiện có 80 hộ, người dân ở đây vốn thuần phác và chịu khó làm nghề trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài thâm canh 3 vụ lúa nước trên diện tích 30 ha, cả thôn đều có truyền thống chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mũi chủ lực của các gia đình vẫn là nuôi lợn. Trưởng thôn Nguyễn Văn Dũng nói: “Vợ tôi mấy ngày buồn đứt ruột đứt gan... Cũng đúng thôi, cả đàn lợn 15 con to béo, phàm ăn, bỗng dưng đổ bệnh, phải tiêu hủy. Bà Thanh, bà Sinh thuộc diện mát tay nuôi lợn nhất vùng, tháng nào trong chuồng cũng có vài ba chục con, nhưng bây giờ cũng nằm trong cảnh “chuồng nhà vắng lợn”.

Đến ngày 1/4, toàn xã đã phải tiêu hủy 442 con lợn (trong đó có 31 con lợn nái) với trọng lượng 17.649 kg của 48 hộ chăn nuôi.

Quyết liệt trừ họa tai xanh

Chủ tịch UBND xã Đặng Quốc Hải tâm sự: “Từ khi lợn các nhà dân bị dịch, anh em chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Rút được kinh nghiệm, năm nay, khống chế điểm bùng phát dịch nhanh, nhờ vậy, gần 6.000 con còn lại của hàng trăm chủ hộ chăn nuôi có khả năng không nhiễm bệnh... Tuy nhiên, chúng tôi không thể lơ là, chủ quan mà vẫn coi dịch tai xanh là “giặc” của mọi nhà...”.

Trên các trục đường lớn ở Cẩm Bình đâu đâu cũng có sào chắn và tấm biển “Vùng đang có dịch lợn tai xanh”.
Trên các trục đường lớn ở Cẩm Bình đâu đâu cũng có sào chắn và tấm biển “Vùng đang có dịch lợn tai xanh”.

Trở lại xã Cẩm Bình trong những ngày này, trên các trục đường lớn, đâu đâu cũng có sào chắn và tấm biển “Vùng đang có dịch lợn tai xanh”. Một đội quân trong đó không ít những thanh niên trẻ tình nguyện tham gia chống dịch. Từ trên ngọn cây cao, tiếng loa phóng thanh tại thôn Nam Đường được phát đi bằng giọng nam trầm chậm rãi, nhắc nhở bà con các biện pháp chống dịch. Chương trình truyền thanh trên loa đã cập nhật hàng ngày những thông tin trong thôn, trong xã về diễn biến dịch bệnh hiện tại ở từng chủ hộ.

Sau 1 ngày đi thị sát cùng anh cán bộ nông nghiệp xã, tôi quay lại trụ sở làm việc gặp Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thiên Toàn và có cuộc trao đổi khá kỹ về công tác triển khai chống dịch tại đây.

Anh Toàn cho tôi biết những thông tin vừa cập nhật: “Việc tiêu hủy lợn bị dịch tai xanh được nhân dân chấp hành rất nghiêm túc, công tác tiêu hủy khoa học, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Chính quyền địa phương đã cấp 384 lít hóa chất tiêu độc khử trùng và 13,5 tấn vôi để nhân dân phun rắc tại chuồng trại và phục vụ công tác tiêu hủy. Xã đã lập 5 chốt gác, đội thú y xuống tận từng thôn, từng nhà vận động nhân dân tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch tai xanh cho lợn. Đến đầu tháng 4, các chủ hộ chăn nuôi trên địa bàn đã tiêm được 6.175 liều vắc-xin”.

Bài học về ý thức chăn nuôi

Khi chúng tôi hỏi “Vì sao xã Cẩm Bình lại luôn có dịch lợn tai xanh?”, lãnh đạo chính quyền địa phương cho hay: “Mật độ chăn nuôi trong thôn quá cao, trong khi môi trường chưa đảm bảo. Công tác vệ sinh thú y, vệ sinh chuồng trại ở nhiều chủ hộ chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi mới. Mặt khác, việc tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác mua lợn giống nhập đàn bổ sung ở từng thôn, từng gia đình chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc trao đổi buôn bán giữa các thương lái với các hộ dân chưa được các cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt. Điều này dẫn đến lợn giống mua về và lợn thịt bán không rõ nguồn gốc vẫn đang tái diễn”.

Qua các vụ dịch tai xanh ở Cẩm Bình cho thấy, người chăn nuôi muốn kinh doanh lớn, thu lãi cao cần phải nâng cao hơn nữa ý thức tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại, gìn giữ môi trường cộng đồng, cẩn trọng hơn nữa khi mua bán với khách hàng.

Một vấn đề không thể không nhắc tới là chính quyền địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa sự nguy hiểm của dịch tai xanh để người dân chủ động bảo vệ đàn lợn. Làm sao mỗi cán bộ thú y huyện, xã không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn là một tuyên truyền viên giỏi của mọi nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast