Làm đất muộn vô tình “tiếp tay” sâu bệnh trên lúa vụ xuân

(Baohatinh.vn) - Năm nay, khung lịch gieo cấy lúa vụ xuân dồn vào trà xuân muộn. Thế nên, dù thời tiết đầu vụ khá thuận lợi nhưng bà con nông dân vẫn giữ thói quen “ung dung” với công đoạn làm đất...

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa hàng loạt giống lúa thuộc cơ cấu bộ giống chủ lực của tỉnh sẽ bắt đầu bước vào thời vụ gieo cấy (gồm: BTE1, nhị ưu 838, N87, N98, HT1, bắc thơm 7). Trong hơn 1 mẫu ruộng của chị Nguyễn Thị Thủy (Thạch Tân, Thạch Hà) thì có đến 1/2 diện tích sử dụng nhóm giống gieo cấy từ ngày 25 - 30/1. Thế nhưng, đến nay, gia đình chị vẫn chưa thể hoàn thành công đoạn làm đất.

Làm đất muộn vô tình “tiếp tay” sâu bệnh trên lúa vụ xuân ảnh 1
Làm đất sớm, cày kỹ là giải pháp tối ưu để phòng trừ sâu bệnh.

Chị Thủy cho biết: “Gần thời điểm gieo cấy, chúng tôi mới bắt đầu làm đất. Những nơi có nước, chúng tôi cho máy vào cày phay luôn; những đồng cao do ruộng bỏ không mấy tháng bị cỏ “ăn”, bình thường các năm có nước về mới làm”.

Tâm lý này xuất phát từ bài toán kinh tế của người nông dân, nếu cày đi, cày lại nhiều lần sẽ tốn kém chi phí thuê máy móc, nhân công. Phần lớn, bà con chờ gần vụ cấy mới cho máy vào một thể, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm sức lao động.

Năm nay, dự báo vụ xuân ấm, huyện Cẩm Xuyên đã tuyên truyền đến tận các địa phương khuyến cáo bà con sớm đắp bờ giữ nước, cày lật khi có điều kiện thuận lợi, vừa tiết kiệm nguồn nước tưới, vừa phòng trừ sâu bệnh. Tuy so với mọi năm, một số địa phương đã chủ động hơn, ra quân làm đất sớm nhưng tỷ lệ này còn khá khiêm tốn. Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Mấy ngày qua có mưa, do vậy, một số vùng cao tranh thủ được nước mặt để đẩy nhanh tiến độ làm đất. Ngoài việc hỗ trợ theo Nghị quyết 90 của tỉnh, huyện trích thêm 20 triệu đồng hỗ trợ bà con đầu tư máy cày xuất xứ từ Nhật Bản với công suất lớn. Nhờ vậy, chất lượng làm đất tăng đáng kể. Tuy nhiên, tập quán làm đất muộn vẫn tồn tại ở không ít nông dân”.

Trên thực tế, bà con không chú trọng công tác làm đất xảy ra ở hầu khắp các địa phương. Mặc dù trong đề án sản xuất, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con làm đất sớm, cày lật gốc rạ trước cấy từ 30-40 ngày; cày sâu, bừa kỹ và tuân thủ quy trình kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu thâm canh. Thế nhưng, không ít năm, các đơn vị quản lý thủy nông phải “kêu trời” vì nước đổ về đầy mặt ruộng nhưng nông dân vẫn không làm đất. Đến sát lịch gieo, người dân mới ồ ạt xuống đồng cày. Và, người nông dân phải gánh lấy hậu quả khi không tuân thủ quy trình chăm sóc. Cách đây chưa lâu, hàng nghìn ha lúa bị sâu cuốn lá ăn trụi; rồi đến nạn rầy nâu khiến bao gia đình không còn gì để thu hoạch.

Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Theo dự báo thì hiện tượng El Nino còn kéo dài đến hết tháng 4. Trong thời gian này, nền nhiệt cao, thời gian kéo dài là điều kiện cho các đối tượng dịch hại sinh trưởng và gây hại. Trong đó, cỏ, cây bụi là những nơi trú ẩn lý tưởng của sâu bệnh, đến thời điểm nhất định, các đối tượng này sẽ di chuyển từ ký chủ phụ sang ruộng lúa và phá hại mùa màng. Đối với vụ xuân ấm thì làm vệ sinh đồng ruộng, đắp bờ giữ nước và cày lật gốc rạ là biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp hữu hiệu nhất, đặc biệt là các đối tượng nguy hiểm số 1 trên đồng ruộng Hà Tĩnh như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân…”.

Hiện nay, trên đồng ruộng đã bắt đầu xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh như: đạo ôn, ruồi đục nõn và chuột gây hại các trà mạ xuân. Phần lớn diện tích rơi vào bộ giống nhiễm là X (Xi 23, XT 28 và NX 30). Tuy tỷ lệ gây hại thấp, diện tích chỉ mang tính cục bộ nhưng đó là dấu hiệu của nguy cơ “đổ bộ” sớm của sâu bệnh trong vụ xuân năm nay.

Cơ quan chuyên môn đã ban hành các công văn thông báo, đồng thời, khuyến cáo các địa phương nêu cao tinh thần điều tra, phát hiện, bám sát đồng ruộng để chủ động phương án xử lý; tuân thủ quy trình chăm bón nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây trồng phát triển cũng như tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast