Mở “cánh cửa” thoát nghèo

(Baohatinh.vn) - Hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu, Quỹ Tín dụng tiết kiệm (TDTK) huyện Hương Khê thuộc dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP) đã góp phần mở “cánh cửa” thoát nghèo ở 4 xã miền sơn cước.

Với số vốn 30 triệu đồng vay từ Quỹ TDTK Hương Khê, gia đình bà Phan Thị Vân (thôn 3, xã Phúc Đồng) bắt tay xây dựng chuồng trại nuôi lợn, trồng cây ăn quả trên diện tích 9 sào đất. “Đàn lợn đang thời kỳ sinh trưởng, nhưng chắc chắn, trước tết, tôi sẽ “giải ngân” xong. Tết năm nay, gia đình tôi sẽ “xôm” hơn năm cũ là cái chắc” - bà Vân dí dỏm cho hay. Cũng như bà Vân, chị Trần Thị Hưởng (thôn 1, xã Hương Đô) được vay 30 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng cam và 48 triệu đồng là số tiền được vay tối đa Quỹ TDTK của chị Đinh Thị Ngọc (thôn 6, xã Hương Đô) để mở rộng trang trại chăn nuôi lợn.

Từ tháng 5 đến nay, Quỹ TDTK Hương Khê đã giải ngân trên 2,5 tỷ đồng cho 124 thành viên thuộc các đối tượng nghèo, cận nghèo ở 4 xã: Hương Đô, Hương Xuân, Phúc Đồng, Phương Mỹ. Dự kiến, trong năm 2015, Quỹ TDTK huyện sẽ được “rót” hơn 1,2 tỷ đồng để “phủ sóng” 3 xã còn lại của dự án gồm: Hương Lâm, Gia Phố, Phương Điền. Từ đây, “cánh cửa” thoát nghèo của người dân 7 xã thuộc vùng dự án bắt đầu mở ra. Quỹ TDTK Hương Khê được dự án SRDP thành lập, thực hiện cho vay vốn đầu tư phát triển SXKD các mô hình, tổ hợp tác, HTX, nhóm sản xuất, doanh nghiệp nữ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân vùng dự án.

Mở “cánh cửa” thoát nghèo ảnh 1

Chuồng trại nuôi lợn của bà Phan Thị Vân ở xã Phúc Đồng (Hương Khê).

Trong đó, ưu tiên các hộ có nhu cầu vay vốn, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực đã được xác định trên địa bàn. Đồng thời, qua đó, nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh, ý thức tiết kiệm nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay cho thành viên tham gia tổ TDTK; góp phần nâng cao trình độ quản lý điều hành cho đội ngũ cán bộ hội các cấp theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu hoạt động của tài chính vi mô ở Việt Nam.

Khác với nhiều quỹ tín dụng thông thường, các hội viên vùng dự án có ý thức tiết kiệm ngay từ khi được vay vốn. Bởi, với nguồn vốn được vay, hội viên bắt buộc phải nộp vào quỹ 100.000 đồng, sau đó, hàng tháng, nộp 20.000 đồng (được tính lãi). Cùng với đó, hàng tháng, các hội viên phải trả dần số tiền vay nên áp lực về vốn vay không đáng kể. Hội viên được vay từ 6-48 triệu đồng với thời hạn tối đa 30 tháng, lãi suất 0,54%/năm và 24 tháng với lãi suất 0,53%.

Tuy nhiên, theo Phó ban Quản lý Quỹ TDTK Nguyễn Thị Mai: “Không phải đối tượng nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn này. Trong số hơn 400 đối tượng tham gia các lớp tập huấn, chỉ có 124 người được vay. Người vay vốn phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, từ xác nhận của các nhóm, tổ hợp tác, HTX đến sự đồng thuận từ phía chính quyền địa phương, rồi của Hội LHPN huyện, tỉnh và cuối cùng là thẩm định của Bộ Tài chính”.

Tuy nhiên, thuận lợi rất lớn đối với người được phê duyệt là nhận tiền ngay tại xã, thủ tục không rườm rà. Đặc biệt, “sự hiện diện của Quỹ TDTK là cơ hội để các hội viên giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị; đồng thời, tạo sự gắn kết hội viên với các hoạt động, phong trào do Huyện hội tổ chức”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hương Khê - Trương Thị Hằng nhấn mạnh.

Hiệu quả hoạt động của Quỹ TDTK là rất lớn, tuy nhiên, nguồn chi phí trong công tác giải ngân cán bộ quỹ phải tự trang trải. Ngoài việc thiếu phòng làm việc, công tác lập hồ sơ thủ tục đang được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Bên cạnh đó, “hồ sơ chờ phê duyệt ở Bộ Tài chính mất khá nhiều thời gian nên các đối tượng rất dễ bị mất cơ hội đầu tư. Mặt khác, nguồn vốn cho vay hạn chế, trong khi nhu cầu vay rất lớn, đối tượng còn bó hẹp... là những khó khăn mà Giám đốc Quỹ TDTK Hương Khê chia sẻ và mong muốn dự án xem xét, điều chỉnh trong thời gian tới.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast