Mùa vàng ở huyện mới Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Trời tháng 5, nắng cháy trên đầu. Người dân từ miền thượng xa xôi Kỳ Thượng, Kỳ Hợp đến đồng bằng Kỳ Phú, Kỳ Tiến, Kỳ Khang... (Kỳ Anh) đang tất bật vào vụ thu hoạch lúa xuân. Từng “ghi điểm” là một trong những địa phương có tốc độ thu hoạch nhanh nhất tỉnh nhờ đầu tư cơ giới hóa, Kỳ Anh đang dần khẳng định mình với nền sản xuất lúa gạo chuyên canh, hiện đại...

Chị Nguyễn Thị Loan (thôn Trần Phú, Kỳ Xuân) vẫn nhớ như in cảnh vất vả cứu lúa sau đợt rét lịch sử hồi đầu vụ. Lúa vừa gieo xuống thì cái rét “quật” chết đen cả chân ruộng, phải gieo lại đến 2 lần mới bén rễ. “Thế nhưng, chưa năm nào lúa xuân lại được mùa như năm nay. Gia đình tôi bắt đầu thu hoạch cách đây 2 ngày, năng suất chắc chắn 3 tạ/sào”. Một phần nhờ thời tiết càng về cuối vụ càng thuận lợi, ít sâu bệnh. Nhưng, quan trọng hơn, thắng lợi của vụ xuân năm nay chính là kết quả của sự chuyển mình mang tính đột phá khi chuyển đổi cơ cấu bộ giống lúa theo hướng chất lượng, hàng hóa cao.

mua vang o huyen moi ky anh

Chuyển đổi cơ cấu giống, quy hoạch sản xuất đồng nhất một cánh đồng là giải pháp giúp Kỳ Anh đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân

Ông Lê Xuân Tiu - Trưởng thôn Trần Phú cho biết: “Trước đây, vì là ruộng bậc thang nên bà con có tập quán bố trí giống manh mún, vừa không cho năng suất cao, lại vừa khó thu hoạch. Được sự chỉ đạo của cấp trên, trong số 44,5 ha canh tác của toàn thôn thì có đến 90% chuyển sang sử dụng giống chất lượng cao RVT và thiên ưu 8. Đây là 2 loại gạo được thị trường rất ưa chuộng, thu hoạch xong là các cửa hàng, nhà buôn đặt vấn đề mua hết”.

Không chỉ có giá trị hàng hóa cao, sử dụng ít loại giống còn tạo được sự đồng nhất về giống, kỹ thuật canh tác và thời vụ. Nhờ vậy, tiến độ thu hoạch được đẩy nhanh. Chủ máy gặt đập liên hợp Nguyễn Tiến Xuân vừa nghỉ ngơi sau ca máy thu hoạch mấy sào ruộng liền chia sẻ: “Năm nay máy ra đồng khỏe re. Lúa chín đều, gặt vùng nào là gọn vùng đấy. Bình thường, máy của tôi chạy khoảng 4-5 mẫu/ngày, ngày cao điểm, phải chạy đêm nữa”. Kế hoạch chỉ còn khoảng 3-4 ngày nữa Kỳ Xuân sẽ hoàn thành thu hoạch lúa xuân.

Tiến độ thu hoạch lúa xuân cũng được tập trung cao nhất ở các xã khác trên địa bàn. Về xã Kỳ Tiến, lúa chín vàng đều, bóng bẩy như chưa từng biết những khắc nghiệt đã từng đi qua. Mới chỉ thu hoạch mấy ngày đầu, máy móc đã huy động cật lực ra đồng. Ông Phạm Hồng Tâm (thôn Nam Tiến) cho biết: Tôi làm 2 mẫu nhưng chỉ hai loại giống là xuân mai 12 và thiên ưu 8 nên thu hoạch tập trung chỉ mấy ngày. Chỉ hôm nay nữa là hoàn thành”.

Toàn xã Kỳ Tiến có đến 480 ha sản xuất lúa nhưng đều được quy hoạch thành cánh đồng một giống. “Xã có 5 cánh đồng sản xuất một giống lúa quy mô từ 20 ha trở lên và một cánh đồng 50 ha lúa thiên ưu 8. Với quy hoạch này, chúng tôi gần như chỉ thu hoạch một lần, dự kiến 10/6, xã sẽ hoàn thành. Xã chỉ đạo bà con ngay khi kết thúc gặt lúa thì vệ sinh đồng ruộng, làm đất ngay khi có nước về để gieo cấy hè thu đúng lịch thời vụ”, ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tiến cho biết.

mua vang o huyen moi ky anh

Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh xuống đồng đốc thúc bà con thu hoạch lúa xuân.

Chính sự chỉ đạo xuyên suốt, chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng, hàng hóa; xây dựng những cánh đồng một giống đồng nhất đã giúp huyện mới “ghi điểm” về năng suất (55 tạ/ha) và sự đồng đều gần như tuyệt đối ở cả đồng bằng lẫn vùng thượng.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT Kỳ Anh cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã thu hoạch xấp xỉ 30% diện tích (trong tổng số 5.400 ha). Nhờ cơ cấu 97% diện tích là xuân muộn với 40% cánh đồng một giống nên lúa sinh trưởng tập trung, đồng nhất. Bên cạnh đó, năm nay, huyện chủ trương đưa các tập đoàn giống hàng hóa, chất lượng cao làm chủ lực nên không chỉ tăng cao về chỉ số năng suất mà còn tăng cao giá trị thành phẩm hàng hóa. Với tiến độ này, chỉ khoảng 5 ngày nữa, Kỳ Anh sẽ hoàn thành thu hoạch và bắt tay sản xuất hè thu”.

Dù mới thành lập, huyện mới Kỳ Anh đang từng bước xây dựng cho mình thương hiệu về thế mạnh của địa phương. Vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa đang dần khẳng định mình để trở thành một trong những vùng hậu cần lương thực phía Nam của tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast