Mùa vàng trên cánh đồng hữu cơ

(Baohatinh.vn) - Những cánh đồng lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ những ngày cận kề thu hoạch nổi bật bởi màu vàng óng. Sau 2 năm “làm quen” với Hà Tĩnh, lúa hữu cơ Quế Lâm đã chiếm trọn niềm tin của người nông dân khi “nói không” với thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học…

Ruộng lúa DT 39 Quế Lâm của chị Phan Thị Mai (thôn Hà Phong, Kỳ Phong, Kỳ Anh) đã đến kỳ thu hoạch. Chị cho biết: “Gia đình tôi làm 8 sào, 4 sào nằm trong cánh đồng mẫu DT 39, còn 4 sào lúa HT1. Tất cả ruộng nhà đều sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm. Sản xuất theo quy trình lúa sạch, tuy có hơi mất công nhưng chất lượng hạt gạo thì hoàn toàn yên tâm vì ruộng không sử dụng thuốc diệt cỏ và bất cứ một sản phẩm phân bón hóa học nào”. Hơn 4 sào ruộng DT 39 thu hoạch chỉ còn lại một khoảnh nhỏ vì mấy hôm gió lớn làm lúa đổ rạp giữa đồng nên đành phải dùng liềm gặt tay. Như muốn minh chứng, chị mời tôi xuống giữa đồng tận mắt xem những bông lúa mây mẩy xếp chồng lên nhau và khẳng định chút tác động ngoại cảnh này không ảnh hưởng gì đến năng suất.

Bà con nông dân thôn Hà Phong, xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) thu hoạch lúa DT39 Quế Lâm.

Bà con nông dân thôn Hà Phong, xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) thu hoạch lúa DT39 Quế Lâm.

Tiềm năng làm lúa hàng hóa đã “ăn sâu” vào ý thức của người nông dân cần cù, chịu khó ở vùng đất lắm nắng, nhiều mưa này. Nhạy bén với xu thế thị trường tìm kiếm sản phẩm chất lượng cao, sạch, an toàn với sức khỏe con người, nhiều năm nay, bà con đã chọn cho mình hướng đi riêng, phát triển sản xuất lúa gạo hữu cơ. Được biết, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có khoảng 200 ha lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ sử dụng các chế phẩm sinh học Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm). Bà Nguyễn Thị Thúy, cùng thôn Hà Phong (Kỳ Phong) cho biết: “Chất lượng lúa hữu cơ đã được khẳng định tại địa phương nên những người mới làm mùa đầu như gia đình tôi thấy rất tự tin. Vụ xuân này, tôi sản xuất 3 sào DT 39, so với các giống làm truyền thống thì DT 39 đẻ nhánh khỏe, bộ lá dày cứng, trổ nhanh và nhất là không lo rầy. Qua thu hoạch, ước tính năng suất đạt khoảng 50 tạ/ha, đổi lại, giống có giá trị hàng hóa cao. Tập đoàn đã cam kết bao tiêu với giá 8.000 đồng/kg, cao hơn các giống khác 10-15%”.

Trên đồng ruộng thôn Tiến Thọ thuộc vùng lúa của HTX Nông nghiệp Yên Phúc, Yên Hồ (Đức Thọ), lúa hữu cơ đã được gặt gọn từ nhiều ngày nay. Có thể nói, sự kết hợp giữa giống lúa thương hiệu Đức Thọ là P6 và phương thức canh tác hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm đã tạo nên bước ngoặt lớn trong nền sản xuất nông nghiệp của địa phương. Ông Trần Hải - Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho biết: “Hiện nay, xã tiến hành sản xuất 8 ha lúa hữu cơ, năng suất vụ xuân 2014 đạt khoảng 57-60 tạ/ha. Điều quan trọng, quy trình kỹ thuật được kiểm duyệt chặt chẽ từ khâu giống đến chăm bón, không chỉ làm tăng cao giá trị gạo mà phân vi sinh còn có tác dụng bổ sung vi lượng và dưỡng chất, làm cho chất mùn, gốc rạ nhanh phân hủy, tạo ra nhiều không khí trong đất nhằm cải tạo đất, trả lại sự tự nhiên cho đồng ruộng”. Chẳng thế mà, trên những cánh đồng hữu cơ, các loài thiên địch có lợi và sinh vật tự nhiên đã quay trở lại với ruộng đồng. Địa phương đang có kế hoạch tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm mở rộng thêm vùng lúa hữu cơ, xây dựng thành vùng nguyên liệu nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.

Nông nghiệp hữu cơ đang là trào lưu ở các nước phát triển. Mới đây, Tập đoàn Quế Lâm đã giành được “tấm vé” đưa thương hiệu gạo của mình đến với Nhật Bản và một số nước châu Âu. Dẫu vậy, cuộc chinh phục thị trường nội địa của gạo hữu cơ vẫn còn nhiều cam go khi tập quán sản xuất dựa vào thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn phổ biến. Ngoài tuyên truyền, quảng bá, các sản phẩm hữu cơ vẫn cần lắm sự hỗ trợ của Nhà nước cho hướng phát triển bền vững của nền nông nghiệp sạch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast