“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn của Công ty CP D&N Group (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn khắc phục được những hạn chế về môi trường mà nuôi tôm truyền thống đang gặp phải.

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Trên nền diện tích 15 ha đất cát vùng ven biển thôn Mỹ Hòa, xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên), Công ty CP D&N Group đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn. Nếu như ở các mô hình truyền thống, tôm được nuôi ở ao hồ ngoài trời thì với mô hình này, Công ty CP D&N Group đã triển khai xây dựng hệ thống ao nuôi khép kín trong nhà và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để sản xuất tôm chất lượng cao.

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Bên trong các nhà thép được xây dựng kiên cố, có khả năng chống chịu với thiên tai, Công ty CP D&N Group xây dựng 64 hồ nuôi tôm công nghệ cao. Theo đó, mỗi hồ có diện tích khoảng 300 m2, dung tích chứa khoảng 450 m3 nước.

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Tất Thể - Giám đốc Công ty CP D&N Group cho biết: "Đây là một trong những mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn đầu tiên ở Hà Tĩnh. Mô hình có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, ở giai đoạn 1, tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Khởi công từ tháng 4/2021, đến nay, công ty đã hoàn thành công đoạn xây dựng hệ thống ao nuôi. Từ tháng 10/2021, công ty bắt đầu thả nuôi 10 triệu con giống ở 10 ao nuôi".

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Ở giai đoạn đầu, tôm được nuôi với mật độ dày. Khi tôm đã phát triển, cứ 20 ngày, Công ty CP D&N Group lại tiến hành tách đàn, san tôm ra các ao nuôi khác để đảm bảo mật độ, môi trường phát triển tốt. Đến thời điểm này, tôm ở 10 ao nuôi ban đầu đã được tách, san ra 16 ao nuôi khác.

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Với mô hình nuôi bằng công nghệ lọc tuần hoàn, doanh nghiệp chỉ phải lấy nước một lần trước khi thả nuôi. Nguồn nước lấy một lần này sẽ được tái sử dụng bằng hệ thống lọc tuần hoàn, thông qua các bể lắng trước khi đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng.

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Tại mỗi ao nuôi, Công ty CP D&N Group lắp đặt hệ thống quạt và đường ống để phân tách, xử lý nước thải sau quá trình cho tôm ăn. Nước trong ao nuôi luân chuyển liên tục theo các đường ống để dẫn ra bể lắng lọc nhằm xử lý.

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Tại các bể lắng lọc, công ty cấy các loại vi sinh, lắp đặt các máy móc hiện đại để xử lý nguồn nước.

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Sau khi xử lý, nguồn nước được trả về hồ đảm bảo các tiêu chí sạch, an toàn cho tôm phát triển, hạn chế tối đa dịch bệnh và hoàn toàn không sử dụng các chất kháng sinh.

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Vừa vận hành hệ thống công nghệ lọc tuần hoàn, anh Nguyễn Hữu Hiếu - công nhân Công ty CP D&N Group vừa cho biết: "Công nghệ này gần như tự động hoàn toàn, công nhân không phải vào trong các bể nuôi vệ sinh mà chất lượng nước lúc nào cũng được kiểm soát, từ các thông số kỹ thuật đến tỷ lệ ô xy trong nước. Từ đó, giúp giảm thiểu hao hụt con giống và không gây ô nhiễm môi trường nên năng suất gấp nhiều lần tôm nuôi truyền thống".

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Tùy theo độ tuổi, tôm được “lên lịch” cho ăn đúng giờ và khoa học.

“Mục sở thị” mô hình nuôi tôm bằng công nghệ lọc tuần hoàn ở Hà Tĩnh

Để đảm bảo môi trường tốt cho tôm phát triển, mùa đông, Công ty CP D&N Group lắp đặt hệ thống bạt giữ nhiệt trong khu vực nuôi; còn mùa hè, Công ty CP D&N Group sẽ lắp đặt hệ thống quạt nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết bên ngoài. Dự kiến, mô hình sẽ thu hoạch sau 3 tháng nuôi. Theo đó, vụ thu hoạch đầu tiên của công ty sẽ “rơi” vào dịp Rằm tháng Giêng (âm lịch) tới.

Trong xu thế phát triển hiện nay thì mô hình công nghệ cao này rất phù hợp vì chúng ta đang hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn để kiểm soát môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nuôi tuần hoàn nên nước không xả ra ngoài, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Nuôi bằng quy trình khép kín, kiểm soát được chất lượng đầu vào, đầu ra nên chất lượng tôm đảm bảo được tiêu chuẩn quốc tế để hướng đến xuất khẩu.

Qua triển vọng từ mô hình, địa phương đang khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nông nghiệp chất lượng cao theo hướng hiện đại để hội nhập và phát triển.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast