Ngay ngáy lo vỡ đập hồ Nước Xanh

Biết nước róc rách chảy qua thân đập tạo thành những ao chum nhỏ phía hạ lưu nhiều năm nay nhưng phải đến ngày 20/6 vừa rồi, khi công ty thủy lợi phát quang cây cối, chính quyền và người dân xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) mới phát hoảng và ngay ngáy lo vỡ đập hồ Nước Xanh. Các chuyên gia thủy lợi cảnh báo, nếu không được giải cứu kịp thời, đập sẽ khó giữ khi bất ngờ xuất hiện một trận lũ vừa…

Hơn 40 năm trước, cùng với hàng chục thanh niên trong vùng, bà Phan Thị Linh ở thôn Bắc Phong, xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) đã cất công gánh từng ky đất từ trên rú cao xuống đắp đập để làm nên hồ Nước Xanh có dung tích gần triệu khối nước. Từ đó, nhờ hồ mà gần 40 ha cây trồng của hàng trăm người dân Kỳ Phong mới đơm hoa kết trái.

Thế nhưng, nhiều năm gần đây, cũng chính cái hồ đó lại làm nhiều hộ dân sống ở vùng hạ du như bà Linh lo lắng. Bản thân bà cũng đã mất một mảnh đất làm trại (trồng lạc và keo lai) do bị nước trong hồ chảy ra gây ngập úng quanh năm.

Nước xói tạo thành những lỗ hổng lớn trên thân đập...
Nước xói tạo thành những lỗ hổng lớn trên thân đập...

Bà Linh cho biết, hàng ngày, không tôi thì ông nhà đều thả bò vùng gần hồ nên không lạ gì việc rò nước từ trong đập ra nhưng chỉ khi thấy hàng chục cán bộ, công nhân viên công ty thủy lợi về phát quang cây cối dưới chân đập thì mới biết nước chảy mạnh đến cỡ nào, nghe ào ào như khe như suối.

Theo hướng dẫn của người dân gần hồ, chúng tôi dong thẳng xe lên đỉnh đập Nước Xanh (ở cao trình +24m). Từ đây, trèo ngược xuống mái hạ lưu cách đỉnh đập khoảng 12m (ở cao trình cỡ +12 đến +13m) không khó để nhận thấy mái đập xuất hiện nhiều vùng thấm rộng, chảy thành dòng với lưu lượng lớn.

Các dòng thấm tạo thành nhiều lỗ lớn có đường kính khoảng 10 - 15 cm suốt chiều dài thân đập khoảng 50 m về phía bên phải cống lấy nước. Mái đập nhiều chỗ bắt đầu lún, sụt. Phía dưới chân đập, nước chảy biến nhiều diện tích trang trại của người dân thành bãi lầy. Mặc dù mực nước trong hồ hiện đã xuống thấp, song dòng thấm vẫn chảy rất mạnh. Đập Nước Xanh đang mất an toàn!

... và tạo thành những khe nước lớn
... và tạo thành những khe nước lớn

Ông Trần Văn Phụ - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong cho biết, hồ Nước Xanh bị rò rỉ từ nhiều năm nay. Trước khi bàn giao cho Công ty thủy lợi Sông Rác, công trình được giao cho Ban Nông nghiệp xã quản lý, vận hành nhưng chỉ là mở nước tưới thôi. Chính quyền không có kinh phí tu sửa trong khi xã cũng "kêu" khản cổ rồi nhưng tình hình không được cải thiện nhiều. Năm 2010, Ban A huyện Kỳ Anh có đầu tư trên trăm triệu đồng tu sửa cầu công tác, cống lấy nước và mái đập, nhưng không thấm vào đâu so với sự xuống cấp của công trình.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong, phía hạ du hồ chủ yếu đất làm trại, làm màu và có một số hộ dân định cư làm nhà ở kiên cố từ nhiều năm nay. Hàng năm, trước mùa mưa bão xã đều lên phương án phòng chống nhưng tình hình như hiện nay thì đề nghị tỉnh, huyện và công ty thủy lợi phải quan tâm nhiều hơn, trước mắt là xử lý tình trạng rò rỉ nước để tránh nguy cơ vỡ đập, gây thiệt hại về người và tài sản của người dân vùng hạ du.

Nếu không kịp thời sửa chữa, nguy cơ vỡ đập sẽ rất cao
Nếu không kịp thời sửa chữa, nguy cơ vỡ đập sẽ rất cao

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Rác cho hay, hồ Nước Xanh được xây dựng khá lâu nhưng cả đập đất (dài gần 1.500m) và tràn (dài hơn 200m) đều chưa được kiên cố hóa, cộng với không được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức nên công trình xuống cấp trầm trọng. Sau khi tiếp nhận quản lý từ UBND xã Kỳ Phong, từ ngày 20-6, Công ty đã huy động 40 CB-CNV phát dọn cây cối mái hạ lưu, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi để kịp thời nắm bắt các di biến động của đập.

Nói về giải pháp xử lý trước mắt cho đập Nước Xanh, ông Sơn cho là cần đào hào dọc chân mái hạ lưu để đắp sét lên, sau đó lót vải địa kỹ thuật chống thấm và ghép đá hộc lên nhằm hạn chế hiện tượng rò nước, tránh nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão năm nay. Về lâu dài, công trình phải được nâng cấp, sửa chữa lớn bằng việc khoan phụt vữa bê tông chống thấm, đổ bê tông mái thượng lưu đập, bọc bê tông tràn xả lũ, xử lý rò rỉ cống lấy nước…

Tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du hồ Nước Xanh đang bị uy hiếp
Tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du hồ Nước Xanh đang bị uy hiếp

Theo ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, nguy cơ mất an toàn của đập Nước Xanh hiện rất cao. Ngay bây giờ, Công ty thủy lợi Sông Rác cần tiếp tục phát dọn sạch cây cối mái thượng và hạ lưu đập để tiện cho việc theo dõi, quan trắc các vùng thấm nhằm kịp thời báo cáo mọi diễn biến cho UBND tỉnh, BCH PCLB tỉnh, Sở NN&PTNT và BCH PCLB huyện Kỳ Anh; phối hợp với huyện và xã có hồ tổ chức giải tỏa cây cối do nhân dân lấn chiếm trồng trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình.

VideoClip rò rỉ đập Nước Xanh

"Hà Tĩnh hiện có hàng chục hồ chứa mất an toàn nhưng đập Nước Xanh đang hàng ngày hàng giờ bị uy hiếp. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn phương án xử lý, chỉ mong UBND tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí để kịp thời chống thấm trước mắt cho đập Nước Xanh", ông Hùng nhấn mạnh.

Hồ Nước Xanh được xây dựng từ năm 1968, có dung tích chứa 700 ngàn m3 nước. Công trình gồm: 1 đập chính và 1 đập phụ có tổng chiều dài 1.500m, chiều cao thân đập là 15 m, cao trình đỉnh đập 24m; 1 tràn xả lũ dài hơn 200m; 1 cống lấy nước dưới đập... Hồ phục vụ tưới cho hơn 40ha đất nông nghiệp của xã Kỳ Phong.

Theo Quyết định 15/QĐ-UBND ngày 28/6/2011 của UBND tỉnh, bắt đầu từ tháng 5/2012, công trình mới được xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) bàn giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Rác quản lý, khai thác và vận hành.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast