Nghi Xuân hướng đến huyện nông thôn mới văn hóa kiểu mẫu của cả nước

(Baohatinh.vn) - Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định BCĐ Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra ngày 28/11 vừa đây tại Hà Nội, 100% phiếu đã đồng ý công nhận Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM năm 2018. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực không biết mỏi của Đảng bộ và nhân dân Nghi Xuân.

Nghi Xuân hướng đến huyện nông thôn mới văn hóa kiểu mẫu của cả nước

Làng quê Tiên Điền Nghi Xuân hôm nay

Về với Nghi Xuân hôm nay, ngoài chiêm ngưỡng nhiều địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng, chúng ta còn bắt gặp những mô hình kinh tế mới, nhiều khu dân cư giàu đẹp, yên bình mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Toàn huyện đã xây dựng được 694 mô hình, trong đó có 100 mô hình lớn, 113 mô hình vừa và 481 mô hình nhỏ. Những mô hình lớn làm “đầu kéo” đã tạo “cú hích” cho phát triển sản xuất. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, từ 28,5 triệu đồng (năm 2015) lên 38 triệu đồng (năm 2018). Ở huyện không có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong xây dựng NTM như Nghi Xuân thì đây là một kết quả đáng tự hào.

Nghi Xuân hướng đến huyện nông thôn mới văn hóa kiểu mẫu của cả nước

Mô hình trồng rau sạch của HTX An Tâm Farm - xã Xuân Hải

Chị Lê Thị Thắm (thôn Hương Mỹ, xã Xuân Mỹ) - chủ mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao chia sẻ: “Tôi thấy đất đai rộng, mình là người dân lao động nên phải tính chuyện phát triển kinh tế ngay trên quê hương nên đã mạnh dạn đưa cây dưa lưới về trồng ngay trong vườn. Mặc dù việc đầu tư cần nhiều vốn để xây dựng nhà màng, mua cây giống, nhưng tôi vẫn quyết tâm thử nghiệm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt nên cây dưa phát triển và cho nhiều quả với chất lượng ngon, ngọt, giá bán cao hơn các loại quả khác. Mỗi năm 3 vụ, mỗi vụ thu hoạch lãi ròng trên 100 triệu đồng.”

Trong lộ trình xây dựng NTM, nhiều địa phương đã biết lựa chọn phát triển chuỗi sản phẩm chủ lực để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nếu những xã vùng biển (Xuân Hội, Xuân Liên, Xuân Thành…) tập trung mạnh vào những mô hình đánh bắt chế biến thủy hải sản, nuôi tôm công nghệ cao… thì Xuân Mỹ, Xuân Viên, Xuân Hồng lại chú trọng đến phát triển kinh tế trang trại, vườn hộ.

Nghi Xuân hướng đến huyện nông thôn mới văn hóa kiểu mẫu của cả nước

Nghi Xuân đã có nhiều mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao

Các mô hình phát triển kinh tế gắn với nông nghiệp, dịch vụ… ngày càng được nhân rộng, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ nét. Từ sự bền vững về sinh kế, cải thiện về kinh tế hộ, người dân Nghi Xuân có điều kiện tham gia xây dựng nông thôn mới và NTM kiểu mẫu.

Ông Hoàng Tiến Anh - Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho hay: “Là địa phương nằm ở tốp cuối hoàn thành các tiêu chí về đích nông thôn mới năm 2018, Xuân Trường luôn xác định mục tiêu cao nhất và cốt lõi của việc xây dựng NTM là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân. Vì vậy, bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gắn với tiềm năng thế mạnh của địa phương, như nuôi tôm, chăn nuôi lợn, bò theo mô hình liên kết, phát triển kinh tế vườn... Đến nay, Xuân Trường đã thành lập được 2 HTX, 3 doanh nghiệp, xây dựng được 1 mô hình nuôi tôm quy mô lớn, 15 mô hình vừa và nhỏ, các mô hình bước đầu có thu nhập ổn định.”

Nghi Xuân hướng đến huyện nông thôn mới văn hóa kiểu mẫu của cả nước

Cả hệ thống chính trị và nhân dân Nghi Xuân đã thực sự vào cuộc xây dựng NTM

Đến nay, Nghi Xuân có nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả bằng công nghệ tiên tiến như: Mô hình Trung tâm Sản xuất giống tôm Thông Thuận (Cương Gián) quy mô 3 tỷ con/năm; mô hình trồng rau thủy canh lớn nhất Hà Tĩnh của HTX An Tâm Farm (xã Xuân Hải); dự án nông nghiệp công nghệ cao (tại Xuân Mỹ); các mô hình như phát triển kinh tế trang trại; trồng dưa lưới theo công nghệ Isarel (xã Xuân Viên); trại lợn giống siêu nạc phục vụ chăn nuôi (Xuân Thành, Cổ Đạm).

Nhiều nông sản sạch của Nghi Xuân đã trở thành thương hiệu được nhiều người tin dùng như: nước mắm Cương Gián, Xuân Hội; bánh đúc, bánh đùm, khoai lang xéo Tiên Điền, bánh gai Xuân Phổ… Đây chính là sản phẩm đặc hữu hấp dẫn cho du khách vì ngoài yếu tố thiên nhiên còn là sản phẩm của trí tuệ và kinh nghiệm của nhân dân Nghi Xuân. Và còn rất nhiều mô hình và giá trị đặc sắc, mới mẻ mà nông thôn mới Nghi Xuân Hà Tĩnh đem lại, đó là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị văn hóa, du lịch và kinh tế tại chính các làng quê.

Nghi Xuân hướng đến huyện nông thôn mới văn hóa kiểu mẫu của cả nước

Sân đền thờ Nguyễn Công Trứ là nơi sinh hoạt thường xuyên của CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ - Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ảnh: Sỹ Ngọ

Đi cùng với phát triển kinh tế, người dân Nghi Xuân đã chung tay giữ gìn, tôn tạo và nâng tầm những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Ngoài 10 tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu của tỉnh, huyện Nghi Xuân bổ sung thêm tiêu chí thứ 11. Trong đó, mỗi khu dân cư phải có thêm 1 câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian. Đến nay, toàn huyện đã có trên 165 câu lạc bộ với nhiều loại hình phong phú như ca trù, dân ca, ví dặm, trò Kiều, sắc bùa, chầu văn…

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho rằng: “Trong lộ trình xây dựng NTM, huyện đã chọn đúng những thế mạnh, đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của địa phương là phải đi lên từ văn hóa, du lịch và thương mại, đồng thời dựa trên nền các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương với mục tiêu là không làm mất đi các giá trị văn hóa làng xã mà làm giàu thêm các giá trị văn hóa. Từ đó để gắn kết tính cộng đồng, lòng tự tôn của người dân Nghi Xuân và chính người dân thấy được tính hiệu quả của NTM mang lại những giá trị thiết thực như môi trường được cải thiện, đường làng ngõ xóm khang trang, đời sống được nâng lên.”

Nghi Xuân hướng đến huyện nông thôn mới văn hóa kiểu mẫu của cả nước

Khu dân cư kiểu mẫu Hương Mỹ - Xuân Mỹ

Với những gì đã đạt được sẽ là nền tảng, động lực, góp phần quan trọng bảo đảm xây dựng NTM bền vững. Trong tương lai, dựa trên những tiềm năng lợi thế và cách làm sáng tạo, đến năm 2020, huyện Nghi Xuân đặt mục tiêu phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới văn hóa kiểu mẫu của cả nước.

Trong 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Nghi Xuân đã huy động nguồn lực gần 2.600 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước và nguồn vốn lồng ghép gần 900 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 900 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp gần 145 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và nguồn xã hội hóa trên 450 tỷ đồng…

Đến nay, Nghi Xuân đã có 17/17 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 9/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa, giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự xã hội.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast