Ngút ngàn cao su Hương Khê

Mới đây, chúng tôi có dịp cùng Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHHMTV Cao su Hương Khê Trần Thanh Hà đi tham quan một số nông trường cao su của Công ty sau 6 năm chính thức bắt tay vào phát triển loại cây đa mục tiêu này. Từ Nông trường Hương Long, Hà Linh, Hương Giang, đến Phương Điền, Vũ Quang, Sơn Hồng, Đức Thọ… đâu đâu cao su cũng vươn lên tươi tốt. Trên 4.000 ha cao su của Công ty đang ngày càng tỏa tán, tạo nên những cánh rừng cao su ngút ngàn, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa dâng cho đời những giòng “vàng trắng” với giá trị kinh tế vô cùng to lớn.

Vườn ươm cao su của Công ty tại Nông trường Sơn Hồng

Vườn ươm cao su của Công ty tại Nông trường Sơn Hồng

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Đội cao su Hương Thủy (thuộc Nông trường Hương Long), nơi đặt nền móng cây cao su đầu tiên cho sự nghiệp phát triển cao su của Công ty Cao su Hương Khê. Mới ngày nào đó thôi, nay trở lại, bốn phía đồi núi đều phủ kín bạt ngàn một màu cao su xanh mướt.

Đứng trên “rừng” cao su thuộc đồi Đập Trạng, Đội trưởng Ngô Đăng Hồng khoe với chúng tôi: "Khu vực này, cao su vừa mới được trồng từ vài năm nay mà đã khép tán tựa như một rừng cây. Lát nữa sang phía bên kia sườn núi, các anh sẽ được chứng kiến rừng cao su trồng từ năm 2007, chẳng khác gì một rừng cây thực thụ. Cán bộ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam mỗi khi ra công tác đều ghé thăm Nông trường và đều ghi nhận trước rừng cao su ngút ngàn của chúng tôi đấy".

Vượt qua mấy ngọn đồi thoai thoải, đi dưới những cánh rừng cao su xào xạc lá, đến với rừng cao su 5 năm tuổi ở đồi Đá Bạc, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi trước mắt là những cánh rừng cao su xanh bất tận. Dừng lại ở một lô cao su giữa lưng chừng đồi, Phó Tổng Giám đốc Trần Thanh Hà phấn khởi chia vui: “Toàn bộ 248 ha cao su trồng từ năm 2007 của Nông trường Hương Long đều phát triển đạt và vượt yêu cầu. Đến nay, toàn bộ diện tích này, trung bình có vanh thân cây đạt trên 30 cm, chiều cao trên 6 mét. Dự tính, đến năm 2015, chúng tôi sẽ đưa vào khai thác khoảng 60-70% trong tổng số này”.

Giám đốc nông trường Hương Long Mai Văn Nguyên cho biết: “Cây cao su chúng tôi bén rễ đến đâu đều phát triển tươi tốt đến đó. Không chỉ khu vực này, mà toàn bộ 839,81 ha của Nông trường, đâu đâu cũng phát triển rất tốt. Phải khẳng định rằng, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây thật sự phù hợp với cây cao su”.

Vườn cao su 5 năm tuổi tại đội cao su Hương Thủy

Vườn cao su 5 năm tuổi tại đội cao su Hương Thủy

Công nhân Nguyễn Thị Hoa vừa chăm sóc cao su, vừa phấn khởi, nói: "Kể từ khi được vào làm công nhân Công ty cao su Hương Khê, đời sống của gia đình tôi và các hộ gia đình công nhân khác đều khálên trông thấy. Chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng sẽ có cuộc sống ấm no, ổn định. Hiện tại, thu nhập bình quân của tôi đạt 3,5 triệu đông/tháng, nhưng chắc chắn, khi cao su cho thu hoạch, thu nhập của chúng tôi sẽ tăng lên hơn nhiều. Nếu không có cao su, tương lai của chúng tôi mù mịt lắm…”.

Rời Nông trường Hương Long, chúng tôi đến Nông trường Hương Giang, một trong những đơn vị có diện tích lớn của Công ty. Giám đốc Trần Quốc An dẫn chúng tôi đến Tiểu khu 199, nơi có 187 ha cao su tập trung được trồng từ năm 2008-2009. Đập vào mắt chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của rừng cao su 3-4 năm tuổi. Giám đốc An tự hào: “Nông trường Hương Giang bắt đầu trồng từ năm 2008. Ngay năm đầu, chúng tôi trồng được 134 ha; đến thời điểm cuối năm 2012 đạt gần 600 ha. Tất cả cao su của Nông trường đều phát triển tốt. Vườn cây trồng năm 2008 nay đạt vanh thân trung bình khoảng 27-30cm, cao trung bình từ 5-5,5 mét, hứa hẹn sẽ cho năng suất mủ khá khi đưa vào khai thác”.

Những năm qua, Công ty Cao su Hương Khê đã trích hàng trăm triệu đồng làm công tác từ thiện xã hội; giúp đỡ các địa phương xây dựng cơ sở vật chất như đường, hội quán, bàn ghế, loa máy… Đặc biệt là đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất kết hợp dân sinh như: tràn vượt lũ ở Sơn Hồng trên 3 tỷ đồng; đường dân sinh kết hợp sản xuất ở Hương Giang 3,9 tỷ đồng, đường Hương Bình 3,4 tỷ đồng, đập Khe Rọ 1,8 tỷ đồng…

Tạm biệt Hương Khê, nơi bạt ngàn cao su xanh tốt của Công ty, chúng tôi đến với Nông trường Sơn Hồng (Hương Sơn), nơi mới bắt đầu “mở đất” trồng cao su từ tháng 12 năm 2010. Cả một khu vực đồi trọc, đồi giang, nứa tép ngày nào, nay thay bằng màu xanh ngăn ngắt của 320,57 ha cao su. Toàn bộ 120 ha trồng trong năm 2011, đến nay đều đạt chiều cao trung bình 3,5 mét, đường kính vanh thân từ 12-15cm. Nhìn rừng cao su khép tán xanh ngút ngàn hiện tại, chính chúng tôi cũng thật sự bất ngờ, bởi cách đây vừa tròn 2 năm, khi chứng kiến lễ trồng cao su tại Nông trường Sơn Hồng, vùng đồi này chỉ rặt một màu xám bạc của đất đồi vừa mới khai hoang dự án.

Giám đốc Ngô Đăng Sửu cho biết: Nông trường hiện có 68 cán bộ, CNV, trong đó, có 50 người là con em xã Sơn Hồng. Nhân dân Sơn Hồng ruộng đất ít, thiếu việc làm nên rất vất vả. Những người làm công nhân cao su thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3-3,5 triệu đồng, cuộc sống ổn định, khá giả hơn nhiều so với mặt bằng chung của xã nên họ rất phấn khởi. Trao đổi với chúng tôi, chính lãnh đạo xã Sơn Hồng cũng đã cảm ơn dự án cao su bởi đã tạo được nhiều công ăn việc làm cho con em địa phương họ.

Bạt ngàn cao su tại Nông trường Hương Long

Bạt ngàn cao su tại Nông trường Hương Long

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Trần Thanh Long phấn khởi cho biết: Gia nhập Tập đoàn CNCS Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử đối với chúng tôi. Từ chỗ sản xuất kinh doanh thông gặp rất nhiều khó khăn, đời sống công nhân vất vả, nhưng nay đã thay đổi hoàn toàn toàn. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Tập đoàn, các cấp Bộ ngành trung ương và sự quan tâm đặc biệt từ tỉnh, huyện, xuống các xã, các sở, ban, ngành cũng như nhân dân trong các vùng triển khai dự án nên Công ty đã vượt qua mọi khó khăn, đưa cây cao su phát triển rộng khắp trên các địa bàn. Công ty đã cùng với các địa phương, nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp tạo được quỹ đất ngày càng rộng lớn trên địa bàn 4 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ và đang tiếp tục được người dân nhiều địa phương tích cực hưởng ứng góp đất cùng Công ty phát triển cây cao su. Công ty sẵn sàng làm “bà đỡ” cho các hộ trồng cao su tiểu điền bằng việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật, giống, phân bón và nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân để thúc đẩy phong trào trồng cao su tiểu điền phát triển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast