Nhiều địa phương “lỗi hẹn” kiên cố hóa kênh mương nội đồng

(Baohatinh.vn) - So với năm đầu tiên thực hiện kiên cố hóa kênh mương nội đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, cuối năm 2014, tổng khối lượng thực hiện vượt 140% so với 2013 nhưng cũng mới chỉ đạt hơn 70% kế hoạch. Nhiều địa phương đành “lỗi hẹn” mặc cho cơ chế, chính sách vẫn dành nhiều ưu đãi...

Nơi vượt định mức, nơi thấp “lè tè”…

Tiết kiệm nước, điện năng; tăng diện tích tưới, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn là những lợi ích thiết thực mà chương trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng do xã quản lý đưa lại. Vấn đề là, nguồn lực đầu tư cho tiêu chí này khá lớn, nếu chỉ dựa vào sự đóng góp của nhân dân thì khó thực hiện.

Nhiều địa phương “lỗi hẹn” kiên cố hóa kênh mương nội đồng ảnh 1

Nguồn kinh phí đầu tư lớn, trong khi khả năng huy động hạn chế nên nhiều địa phương không hoàn thành kế hoạch kiên cố kênh mương nội đồng năm 2014.

Trong 2 năm (2013-2014), nhờ nguồn hỗ trợ trực tiếp 100% xi măng, toàn tỉnh làm được 308,4 km, cộng thêm hơn 90 km từ việc hưởng lợi các dự án khác, đến hết năm 2014, tổng số kênh mương nội đồng do xã quản lý được kiên cố hóa mới chỉ đạt 50% tổng chiều dài. Điều đáng nói là việc thực hiện nhiệm vụ này không đồng đều ở các địa phương, thậm chí, có đến 24/117 xã đăng ký nhưng không làm được km nào trong suốt năm 2014!

Lộc Hà là địa bàn thuộc diện khó khăn nhất tỉnh về điều kiện sản xuất cũng như nguồn lực đầu tư. Năm 2014, Lộc Hà đứng thứ 2 toàn tỉnh (sau Thạch Hà - 116%) về thực hiện kiên cố hóa kênh mương theo chương trình hỗ trợ xi măng, vượt 105% kế hoạch.

Ông Lê Văn Vượng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Nằm ở khu vực cuối các kênh tưới, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do không chủ động nước. Mùa nắng gặp hạn, mùa mưa lại bị đe dọa bởi ngập lụt, hơn ai hết, chúng tôi thấy được tầm quan trọng của việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng, không chỉ tiết kiệm được nguồn nước mà thời gian tưới cũng nhanh hơn, tạo cơ hội mở rộng vùng tưới để phát triển sản xuất. Huyện chỉ đạo các địa phương dồn tổng lực hiện đại hóa hệ thống thủy lợi. Đến cuối năm 2014, toàn huyện đã làm được 12,1 km, vượt gần 1 km so với kế hoạch và có 4 xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi - một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong xây dựng nông thôn mới”.

Hai huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, bên cạnh nguồn vốn eo hẹp, còn phải đối mặt với những khó khăn về địa hình (bị chia cắt, manh mún và có độ dốc lớn), dân cư phân tán. Việc kiên cố hóa kênh mương phục vụ sản xuất, khai hoang mở rộng diện tích canh tác và nước sinh hoạt cho nhân dân không ít lần đi vào “ngõ cụt”. Thế nhưng, với việc bố trí nguồn ngân sách hợp lý, hai địa phương này đã thực hiện chuyến “lội ngược dòng” để “lọt” vào top các huyện dẫn đầu về tỷ lệ thực hiện: Vũ Quang (14 km, đạt 100% kế hoạch), Hương Khê (gần 10 km, đạt 96,6% kế hoạch).

Trong khi đó, không ít nơi có đủ tiềm lực kinh tế, thậm chí, chính quyền sở tại đã “mạnh tay” chi kinh phí hỗ trợ ngoài nguồn của tỉnh cho kiên cố hóa kênh mương. Tuy nhiên, khối lượng thực hiện nếu không “đì đẹt” như Nghi Xuân (26%); Can Lộc (61,7%) thì rơi vào trường hợp huyện có nhiều xã nhất không thực hiện kế hoạch (Đức Thọ 9/24 xã toàn tỉnh).

Ông Trần Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc (Can Lộc) cho biết: “Ngoài nguồn hỗ trợ trực tiếp 100% xi măng, huyện còn trích ngân sách hỗ trợ thêm 60 triệu đồng/km nhưng so với tổng nguồn đầu tư cho 1 km vẫn còn quá ít. Trong khi đó, cùng một lúc, bà con phải đóng góp thực hiện nhiều tiêu chí nên việc huy động gặp khó khăn. Hiện nay, xã mới chỉ kiên cố hóa 20 km kênh mương nội đồng. Năm 2015, ngoài chính sách của tỉnh, huyện, xã sẽ hỗ trợ thêm 50 triệu đồng/km, đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa”.

Cần ưu tiên đầu tư hợp lý…

Công bằng để nhìn nhận, có thể thấy các địa phương đạt tỷ lệ thực hiện cao không nằm vào top có tổng chiều dài đăng ký lớn nhất. Điều này cho thấy các cấp chính quyền phải có sự cân nhắc, lượng sức đầu tư phù hợp. Bởi lẽ, tính ra, kiên cố hóa mỗi km kênh mương sẽ mất ít nhất 600 triệu đồng, Nhà nước chỉ hỗ trợ khoảng 20% giá trị công trình, còn lại huy động từ người dân.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thì còn có nguyên nhân quan trọng hơn: “Thực tế, công tác chỉ đạo, điều hành tại một số cấp cơ sở thiếu sâu sát, quyết liệt. Nhiều xã không có khả năng thực hiện nhưng không báo cáo huyện để kịp thời bổ cứu giải pháp. Đặc biệt, tồn tại thực trạng bất hợp lý về điều tiết tỷ lệ giữa đường giao thông và kiên cố hóa thủy lợi nội đồng. Nhiều nơi tập trung vào thi công đường giao thông vì cho rằng nó thiết thực hơn mà ít chú trọng đến kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Khi hoàn thành đường giao thông thì không có khả năng đầu tư cho tiêu chí còn lại”.

Cũng phải nói thêm rằng, chính sách hỗ trợ của các cấp mặc dù đã góp phần “kích cầu” để các địa phương thực hiện “cuộc cách mạng” hiện đại hóa hạ tầng thủy lợi nội đồng, song, sự tiếp sức này vẫn quá ít. Nhiều địa phương chỉ dừng lại ở hỗ trợ xi măng, phần còn lại dựa vào nội lực của nhân dân. Giữa lúc các địa phương huy động đóng góp cùng một lúc nhiều tiêu chí thì việc quá sức cũng là điều dễ hiểu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast