Những người “tiếp lửa”...

(Baohatinh.vn) - Không chỉ làm tròn vai trò tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào, nhiều lãnh đạo hội nông dân cơ sở đã thực sự trở thành những người “tiếp lửa”, hạt nhân phát triển kinh tế, tạo sức lan tỏa trong nông dân.

Tiên phong xây dựng mô hình liên kết

Khi người dân xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) còn e ngại với mô hình chăn nuôi lợn liên kết thì Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Thành Biên là người đầu tiên đăng ký bởi anh quan niệm, để dân thấy, dân tin mới mong có kết quả. Bắt tay liên kết với doanh nghiệp, gia đình anh được hỗ trợ giống, kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm, những lứa nuôi đầu tiên cho hiệu quả rõ nét. Cũng từ đây, hội viên nông dân xây dựng mô hình ngày càng nhiều.

Anh Biên còn tập hợp và thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lợn liên kết 10 hộ, quy mô 20 con/hộ/lứa để tạo sự phát triển bền vững.

Mô hình chăn nuôi lợn liên kết của anh Nguyễn Thành Biên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn nuôi lợn liên kết của anh Nguyễn Thành Biên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Biên phấn khởi: “Mô hình thành công không chỉ mang lại nguồn thu khá cho gia đình và thành viên, góp phần giải quyết việc làm, thay đổi diện mạo nông thôn mà quan trọng là giúp người dân mạnh dạn từ bỏ lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chấp nhận những thử thách ban đầu để bước vào sản xuất hàng hóa theo tư duy hiện đại”.

Ông Lê Đăng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Long (Thạch Hà), Giám đốc HTX Chăn nuôi lợn liên kết cũng là người nhen nhóm khát vọng làm giàu cho nông dân. Tiên phong thành lập và làm giám đốc HTX chăn nuôi lợn liên kết với Mitraco Hà Tĩnh để xây dựng phong trào, ông đã thành công khi số lượng thành viên nay đã lên tới 43 người và việc liên kết quy mô lớn đã giải quyết những khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường – điều mà phương thức chăn nuôi truyền thống không làm được.

Đặc biệt, từ mô hình của HTX, Thạch Long đã có hàng trăm mô hình vừa và nhỏ cho thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, hàng chục mô hình lớn với thu nhập 700 - 1 tỷ đồng/năm, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Kết nối thị trường

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, anh Trần Trung Văn được lãnh đạo và nhân dân xã Xuân Liên (Nghi Xuân) tin tưởng giao trọng trách Chủ tịch Hội Nông dân xã. Chàng trai trẻ đã mang kiến thức ở giảng đường mở hướng phát triển kinh tế cho bà con vùng biển ngang.

Anh Văn nhớ lại: “Xuân Liên trước nay phụ thuộc phần nhiều vào đánh bắt gần bờ mà hiệu quả không cao, bản thân luôn trăn trở phải mở nghề mới để tạo hiệu quả lâu bền. Sau nhiều lần tham quan, học hỏi, tìm hiểu sách báo, tôi nhận thấy, trồng nấm tương đối dễ làm mà vốn không nhiều, sản phẩm xoay vòng nhanh và tỷ lệ thành công cao.

Tuy nhiên, khởi động khi nhiều người đã thành công, muốn chiếm lĩnh thị trường đòi hỏi phải sản xuất quy mô lớn nên tôi đứng ra thành lập tổ hợp trồng nấm. Những ngày đầu hoạt động, tôi “cầm tay chỉ việc” cách trồng sao cho đúng, chăm sóc thế nào để nấm nhanh tốt mà không bị sâu bệnh, thu hoạch ra sao để vụ sau nấm phát triển hơn… Cứ thế, đến nay, tổ hợp đã có trên 300 m2 với đủ loại nấm sò, mộc nhĩ, nấm mỡ, linh chi... Ngoài tiêu thụ ở địa phương, các loại nấm của tổ hợp tác đã có mặt ở Hà Giang, Hà Nội, Huế…

Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: “Thực tế có nhiều cán bộ cốt cán của hội luôn tâm huyết xây dựng phong trào. Họ vừa làm tròn vai trò lãnh đạo, vừa tiên phong phát triển kinh tế, trở thành những người nông dân thực thụ. Nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, tạo niềm tin trong nhân dân, chính họ là hạt nhân lan tỏa phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, từng ngày đổi thay diện mạo làng quê Hà Tĩnh”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast