Những người ươm mầm xanh khu dân cư kiểu mẫu

(Baohatinh.vn) - Từ những hoạt động của tổ “nhà sạch, vườn đẹp”, những người phụ nữ chân đất ở thôn Bắc Văn (Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đi đến đâu thì nhà sạch, vườn lên mầm xanh tới đó. Các chị đã trở thành những “đầu tàu” trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

nhung nguoi uom mam xanh khu dan cu kieu mau

Cây trồng bón phân vi sinh do các hội viên làm mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại phân thường dùng trước đây

Miệng nói, tay làm, chân bước không biết mỏi… đó là những hình ảnh mà chị Nguyễn Thị Nhàn - Tổ trưởng Tổ ươm mầm xanh ở thôn Bắc Văn đã để lại ấn tượng trong tôi. Chị Nhàn hóm hỉnh: “Chị em thường ví tôi là “Trâu Kỳ Thượng” bởi cho rằng tôi khỏe đi, khỏe “kéo”.

Là Phó Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bắc Văn, trước yêu cầu về xây dựng nông thôn mới của xã, đặc biệt là khu dân cư kiểu mẫu và cuộc vận động xây dựng “gia đình hội viên nhà sạch, vườn đẹp” và gia đình “5 không, 3 sạch”, xét điều kiện thực tế tại thôn Bắc Văn, chị Nhàn thành lập tổ “nhà sạch, vườn đẹp” do chị làm tổ trưởng, gồm 7 thành viên.

Ban đầu, tổ giúp nhau những việc nhỏ. Đến tháng 7/2015, chiến dịch cải tạo vườn tạp bắt đầu. Với vai trò “đầu tàu”, chị Nhàn vừa khảo sát các hộ có vườn tạp, tích cực vận động, tham gia cải tạo cùng các thành viên, vừa khéo léo làm công tác truyền thông để tạo sức lan tỏa. Vận dụng mạng xã hội facebook, tổ chức cải tạo vườn nào là chị ghi lại hình ảnh và đăng lên để mọi người cùng xem. Đặc biệt, với những gia đình đi làm ăn xa, khi thấy được những hình ảnh này, họ rất vui và ra sức ủng hộ. Nhiều nhà đã gửi tiền nhờ tổ cải tạo vườn và xây tường rào…

Điều đặc biệt nữa là tổ giúp nhau cải tạo vườn ở đâu hay làm bất cứ công trình nào để gây quỹ, chị Nhàn đều cho cắm cờ và mở loa máy để thu hút sự chú ý của mọi người.

nhung nguoi uom mam xanh khu dan cu kieu mau

Khu vườn tạp được cải tạo quy củ, bước đầu mang lại thu nhập đáng kể.

Thôn Bắc Văn là vùng kinh tế mới do người dân vùng khác di dân đến xã Cẩm Lạc. Thôn thuộc vùng bán sơn địa, đất đai rộng rãi. Vườn của mỗi gia đình trong thôn có ít nhất từ 3-5 sào trở lên, chủ yếu cây tạp, sim mua… Từ khi có tổ “nhà sạch, vườn đẹp” của chị Nhàn, nhiều vườn trong thôn đã được cải tạo đẹp đẽ, trồng các loại cây có giá trị kinh tế.

Chị Nhàn chia sẻ: “Chiến dịch 21 ngày liên tục đã cải tạo thành công vườn của 6 thành viên của tổ, còn 1 thành viên đã tự cải tạo trước đó. Sau đó, chúng tôi lần lượt giúp các gia đình khác. Có gia đình đến vận động rất khó, lại còn thách thức… Khi chúng tôi đến để làm thì chủ nhà bỏ đi. Tuy nhiên, sau gần một buổi, cả khu vườn tạp đã được các thành viên của tổ dọn dẹp sạch sẽ, chủ nhà trở về nhận thức ra vấn đề và xin được gia nhập tổ…”.

Để xây dựng thành công khu dân cư kiểu mẫu, đòi hỏi 100% hộ trong thôn phải cải tạo vườn tạp theo tiêu chí nông thôn mới. Với thôn Bắc Văn, có đến 5 hộ đi làm ăn xa đã hàng chục năm nay, để lại các khu vườn hoang. Biết thôn trưởng còn lúng túng trong tìm giải pháp nên tổ “nhà sạch, vườn đẹp” đã trực tiếp liên hệ với các chủ hộ qua điện thoại và nhận được sự đồng ý. Sau đó, lần lượt 5 khu vườn hoang này đã được các thành viên chỉnh trang sạch đẹp. Do gia chủ đang ở xa nên sau khi cải tạo vườn thì giao cho người anh em quản lý, còn vườn được gia chủ cho tổ trồng các loại cây kinh tế để gây quỹ”…

Tổ “nhà sạch, vườn đẹp” đi đến đâu, mầm xanh lên đến đó nên mọi người trong thôn đều đề nghị đổi tên là tổ “ươm mầm xanh”. Đến nay, tổ đã có 12 thành viên. Nhiều vườn của các thành viên bắt đầu cho thu nhập từ hàng chục đến hơn 100 triệu đồng/năm…

Chị Nguyễn Thị Vân, một thành viên của tổ vui vẻ: “Ở đây dân thưa, vườn rộng, làm một mình thấy không đâu vào đâu nhưng đông người làm rất khí thế và hiệu quả. Hơn nữa, sinh hoạt tổ được mở mang thêm nhiều thứ, chị em chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, tổ trưởng còn phổ biến các kiến thức khoa học mới. Ví như làm phân vi sinh chẳng hạn, vì có tổ nên Hội Phụ nữ huyện đã về tận nơi vận động và hướng dẫn. Làm phân vi sinh vừa giữ được vệ sinh môi trường, vừa phục vụ sản xuất. Nhờ phân vi sinh, 7 thước đất trồng riềng của nhà tôi cho thu nhập 7 triệu đồng/năm; lúa mùa này cho 3,5 tạ/sào, năng suất nhất làng”…

Ngoài nhà sạch, vườn đẹp, tổ ươm mầm xanh còn nhận các công trình lao động gây quỹ. Đến nay, nguồn quỹ đã thu được 21 triệu đồng, ưu tiên giúp các thành viên còn khó khăn làm công trình vệ sinh và xây dựng các công trình phục vụ chăn nuôi… Hội LHPN xã Cẩm Lạc đã nhân rộng trong toàn xã, có 70 tổ ươm mầm xanh/12 chi hội phụ nữ, trở thành nòng cốt trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của xã.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast