Nông dân nặng gánh với nhiều khoản phí

Hằng năm, việc thu các khoản phí được các địa phương tổ chức tập trung vào dịp cuối vụ xuân. Bởi lẽ, sản lượng lương thực vào vụ chính luôn cao nhất trong năm nên dù gì cũng dễ bề cho nông dân xoay trở...

Gia đình ông Trần Quốc Tứ - Trưởng thôn Tiến Bộ, xã Thạch Tân (Thạch Hà) là một trong những hộ có diện tích sản xuất lớn nhất thôn. Vụ xuân 2013, ông thử sức toàn bộ 2 mẫu ruộng của mình cho một loại giống lúa duy nhất là DT68. Kết quả không như mong muốn, toàn bộ ông chỉ thu về hơn 2 tấn lúa. Thế nhưng, kể gì chuyện sản lượng ít hay nhiều, các khoản thu được chia theo đầu người, đầu sào nên cứ thế mà đóng nộp. Ông lại là Trưởng thôn nên việc gì cũng phải tích cực, tiên phong làm mẫu.

Sự đóng góp của người dân đã tạo nên những con đường giao thông sạch đẹp.
Sự đóng góp của người dân đã tạo nên những con đường giao thông sạch đẹp.

Ông Tứ chia sẻ: “Việc đóng góp để xây dựng quê hương là nghĩa vụ của mỗi người dân và được thông qua ở các kỳ họp HĐND xã. Có điều chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn khi tổng thu nhập của người dân chưa tương xứng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống. Chẳng hạn như nhà tôi, ngoài tiền vật tư, phân bón hết 1 tấn lúa, còn đóng hết 4 tạ lúa (4 khẩu) cho các loại phí khác. Tính ra thì lỗ to”.

Như vậy, trong vòng 4 tháng, 4 khẩu gia đình ông Tứ chỉ cho thu nhập vẻn vẹn 6 tạ lúa (tương đương khoảng 3,3 triệu đồng)! Nếu chỉ chờ vào thu nhập từ đồng ruộng thì giải quyết sinh hoạt hàng ngày còn khó, chưa nói đến việc cho con cái học hành.

Theo ông Tứ nhẩm tính thì một sào ruộng phải “cõng” theo mình khoảng chục loại phí, quỹ. Chẳng hạn như: quỹ xây dựng GTNT: 30 nghìn đồng/khẩu/năm; các loại quỹ: phòng chống thiên tai, QPAN, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, mỗi loại 2 kg thóc/lao động/năm; quỹ xã hội 3 kg thóc/khẩu (từ 18 tuổi trở lên)/năm. Rồi thì phí chia theo đầu sào, phí kênh mương 15 kg/sào/năm; khuyến nông 6 kg/sào/năm… Để giãn gánh nặng cho bà con nông dân, xã đã chủ trương chia thành 2 đợt thu, sau vụ xuân 70% và sau vụ hè thu là 30%. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân nộp đúng thời hạn quy định.

Thực tế này đang diễn ra khá phổ biến ở các địa phương trên toàn tỉnh. Nhu cầu hưởng lợi cuộc sống tốt hơn, dịch vụ nông thôn hiện đại hơn là bước phát triển tất yếu của xã hội, cũng là phù hợp với chiến lược xây dựng NTM. Muốn vậy, phải đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đầu tư cho phát triển sản xuất. Điều này, đối với những xã có tiềm lực lớn thì không nói làm gì, ở những xã thuần nông, tất cả thu nhập của người dân chỉ chờ vào vài ba sào ruộng thì quả là không hề đơn giản.

Ông Chu Thành Vinh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) cho biết: “Cẩm Thăng là một trong những xã trọng điểm lúa của huyện với diện tích ổn định 315 ha mỗi vụ (vụ xuân và hè thu). Xã chỉ thu các loại quỹ thuộc vào pháp lệnh của Nhà nước, còn các khoản phí hoạt động thì phân cấp về cho xóm để tạo quỹ nhằm trở lại phục vụ sản xuất và cuộc sống của người dân. Bởi không có khoản thu nào khác nên xã cũng đành chấp nhận nhìn vào… nông nghiệp”.

Hay như ở Đồng Lộc, một xã bán sơn địa của huyện Can Lộc, nguồn thu ngoài nông nghiệp cả thảy chỉ trông chờ vào một cái chợ. Với 9 triệu đồng/năm nộp về cho ngân sách cũng chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu phát triển hiện nay. Tất cả vẫn phải chia đều trên đầu sào, đầu khẩu để đủ trang trải. Ông Trần Thanh Mai - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc cho biết: “Trung bình mỗi hộ chỉ có 5-6 sào ruộng nhưng phải chịu đủ loại chi phí. Bây giờ, giá thành sản xuất lúa quá cao, khoảng 600 nghìn đồng cả phân bón và thuê công máy trong khi lợi nhuận thấp, vì thế, các khoản thuế, phí khác như thêm đè nặng lên vai của bà con nông dân. Sắp tới, xã đầu tư xây dựng 3 hội quán với tổng trị giá 320 triệu đồng/hội quán. Ngân sách hỗ trợ chỉ chiếm 30%, còn 70% vẫn phải từ người dân đóng góp. Dù vất vả nhưng việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn là tất yếu, không thể không làm”.

Trao đổi với Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng xây dựng NTM, ông Trần Huy Oánh đã không ngần ngại khi cho rằng, so với trước đây, người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ phục vụ cuộc sống, được hưởng lợi tốt hơn về cơ sở hạ tầng, phương thức sản xuất hiện đại. Song cũng vì thế mà sự chênh lệch giữa tổng thu nhập và nhu cầu bị kéo giãn. Có phải vì thế mà người nông dân bây giờ không ngần ngại buông tay bỏ ruộng để chịu cảnh tha phương làm thuê kiếm sống, góp nhặt từng công lao động nơi chốn thị thành?!

Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp thì muốn níu kéo được nông dân gắn bó với ruộng đồng, ít nhất lợi nhuận từ nông nghiệp cũng phải đạt mức 30% trở lên. Trước khi thực hiện những chiến lược dài hơi nhằm phân hóa lao động nông thôn, quy hoạch để phát triển nền nông nghiệp bền vững thì có lẽ sự hỗ trợ của chính quyền cấp huyện là sự lựa chọn tối ưu nhất. Không chỉ với vai trò là “bà đỡ” mà còn là hành động chia sẻ, đồng hành với người nông dân cho mục tiêu chung. Bên cạnh đó, phát huy tối đa tinh thần dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho người dân đóng góp bằng công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast