Nông dân thời hiện đại

(Baohatinh.vn) - Không khó để bắt gặp những nông dân lúc hì hục làm việc nơi ruộng đồng, lúc lại hí hoáy check mail, lướt web để nắm bắt thông tin, tìm kiếm thị trường. Công nghệ thông tin đang dần trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Những người nông dân năng động, biết học hỏi, giao thương qua mạng Internet nay không còn là chuyện “hiếm có, khó tìm”...

Chủ động tìm kiếm thông tin

Câu trả lời rõ ràng, cụ thể nhất khi được hỏi về mục đích truy cập Internet hàng ngày của bà con nông dân là tìm kiếm thông tin. Bác Liên (50 tuổi, ở Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh) chỉ nuôi gà và trồng rau đủ phục vụ gia đình nhưng rất hào hứng tìm hiểu thông tin trên mạng rồi truyền lại cho bà con láng giềng.

Bác kể: “Từ khi sắm máy tính nối mạng, được con cái hướng dẫn sử dụng, tôi thường đọc tin tức về nông nghiệp. Tuy không sản xuất lớn nhưng những điều biết được qua mạng giúp tôi rất nhiều trong chăn nuôi tại gia”.

Chỉ một cú nhấp chuột nông dân đã có cả kho kiến thức phục vụ sản xuất. Ảnh chỉ có tính minh họa (nguồn: internet)
Chỉ một cú nhấp chuột nông dân đã có cả kho kiến thức phục vụ sản xuất. Ảnh chỉ có tính minh họa (nguồn: internet)

Trước đây, kinh nghiệm chăn nuôi được tích lũy trong quá trình sản xuất, học hỏi từ sách báo hoặc được cung cấp qua các lớp đào tạo nghề ngắn hạn phần nào làm người nông dân ở thế bị động trong tiếp nhận thông tin. Còn hiện nay, chỉ cần những lần nhấp chuột vào đường dẫn, bà con sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn những gì thực sự cần thiết, đáp ứng được nhu cầu của mình.

Cũng với mục đích tìm kiếm thông tin qua mạng, chị Nguyễn Thị Tâm (xã Sơn Tây, Hương Sơn) chia sẻ: “Thời gian đầu, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc đến cách phòng, trị bệnh cho cây cam bù. Tôi mày mò, học hỏi kỹ thuật qua các trang web, đặc biệt là trang của Hội Nông dân. Hơn nữa, nhờ tìm hiểu được về giá cả và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nên cam bù của chúng tôi không có tình trạng ế hàng”.

Nhiều năm qua, điệp khúc “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” xảy ra làm không ít hộ dân lao đao. Hiện nay, tình trạng đó phần nào được “bình ổn” khi người dân tìm đến Internet như một phương tiện tra cứu giá cả thị trường chứ không phụ thuộc quá nhiều vào thương lái như trước. Bây giờ, bà con có thể cập nhật thông tin liên tục về tình hình giá cả của sản phẩm cũng như các vấn đề khác liên quan để chủ động trong sản xuất.

Kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả

Trong một lần “cầu cứu” Internet để tìm mua nhung hươu cho người quen, tình cờ, sản phẩm nhung hươu của cơ sở sản xuất Nhung Tiến - Hương Sơn lọt vào “mắt xanh” của tôi bởi website nhunghuouhuongson.com được thiết kế khá đẹp mắt với rất nhiều sản phẩm từ rượu huyết nhung, cao hươu sao, da thuộc hươu, nai các loại… Sau khi được giao hàng tận nơi với chất lượng vừa ý, tôi lần tìm và được biết chủ cơ sở là một gia đình nông dân “chính hiệu”, chuyên sản xuất các sản phẩm từ hươu hàng chục năm nay.

Nhờ internet, sản phẩm nhung hươu Hương Sơn được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến
Nhờ internet, sản phẩm nhung hươu Hương Sơn được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến

Anh Nguyễn Văn Tiến - chủ cơ sở hồ hởi chia sẻ: “Nuôi hươu là nghề truyền thống từ mấy đời của gia đình tôi. Qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi tham khảo thêm và tiến hành xây dựng trang web để quảng bá sản phẩm. Đến nay, tuy mới đưa vào sử dụng được gần 1 năm nhưng thị trường đã mở rộng hơn, có đơn hàng ở các tỉnh miền Nam”.

Giờ đây, sản phẩm của cơ sở anh Tiến có thể cung cấp khắp nơi nếu được đặt hàng qua email hay một cuộc điện thoại. Thị trường mở rộng đồng nghĩa với việc hiệu quả sản xuất ngày một tăng, nâng cao thu nhập cho gia đình anh khi hiện nay số lượng lên đến 50 con và cho sản phẩm hàng ngày. Cũng theo anh Tiến, chi phí xây dựng ban đầu của 1 website là 4 triệu đồng, tiền duy trì hoạt động tính ra mỗi tháng chưa đến 100 ngàn đồng cũng là một thuận lợi để các cơ sở kinh doanh vừa có thể thực hiện được.

Anh Trần Quốc Hòa - chủ trang trại nuôi gà cho thu nhập “khủng” ở TP Hà Tĩnh nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm kinh doanh trên các phương tiện truyền thông, cộng với sự nhanh nhạy của bản thân đã xây dựng được kiểu liên kết sản xuất và quảng bá sản phẩm rất hiệu quả. Ngoài việc chăn nuôi ở trang trại, anh mở thêm một nhà hàng chuyên về chế biến món ăn từ gà thu hút khá nhiều khách, từ đó quảng bá thêm thương hiệu gà sạch mà cơ sở đang sản xuất. Anh cũng đang triển khai xây dựng trang web riêng để giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Khi việc xây dựng một website riêng chưa được nhân rộng thì phương án “tối tân” nhất hiện nay của một số “nông dân thời @” là quảng cáo sản phẩm thông qua Facebook (mạng xã hội). Bằng các tài khoản Facebook cá nhân, người tiêu dùng không khó để tìm địa chỉ các sản phẩm nông nghiệp như hải sản, nước mắm ngon, cam, bưởi đặc sản... liên tục được cập nhật trên mạng.

Hình ảnh người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “con trâu đi trước, cái cày theo sau” dần lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là sự năng động, nhạy bén bắt kịp với xu thế phát triển thời đại của bà con. Bằng sự nỗ lực học hỏi và cầu tiến của bản thân, hy vọng, nay mai sẽ có nhiều “tỉ phú nông dân” hơn nữa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast