Nuôi trồng thủy sản – Một năm vượt khó!

2012 là năm gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩch vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở tỉnh ta. Người dân và doanh nghiệp phải đối mặt với giá cả vật tư tăng cao, dịch bệnh hoành hành, tư thương ép giá…. Tuy nhiên, ngành NN&PTNT vẫn luôn đồng hành cùng với người dân nỗ lực vượt khó.

Nhìn lại một năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta khó khăn chồng lên khó khăn. Nằm trong thời kỳ lạm phát nên bước vào vụ nuôi giá cả vật tư, thức ăn nuôi tôm vẫn ở mức cao khiến nhiều hộ nuôi tôm phải tính toán kỹ lưỡng đầu tư về quy mô, lượng con giống, thức ăn để mang lại hiệu quả về kinh tế, cho thu nhập. Bước vào vụ nuôi tôm đầu tiên, người dân phải đối mặt ngay với dịch bệnh hoành hành, thiệt hại về kinh tế.

Thu hoạch tôm ở Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương
Thu hoạch tôm ở Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương

Ông Trần Bách Quyền, một hộ nuôi tôm ở Xuân Phổ (Nghi Xuân) cho hay: Bước vào vụ nuôi tôi vừa xuống giống tôm he chân trắng được khoảng 30 – 35 ngày thì phát hiện tôm bị bệnh chết trắng tại hai ao nuôi. Thế là mất hàng chục triệu đồng tiền đầu tư mua con giống và thức ăn chưa kể công sức bỏ ra.

Theo Bà Đặng Thị Thu Hoàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì dịch bệnh ở tôm bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 4 tại các vùng nuôi tôm huyện Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Thạch Hà với căn bệnh “nan y” đốm trắng và hội chứng gan tụy cấp tính chưa rõ tác nhân gây bệnh. Cho đến vụ nuôi tiếp theo hàng trăm ha diện tích nuôi tôm tại các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân cũng lại bị dịch bệnh chết hàng loạt, hàng chục triệu con tôm giống tiêu tan chỉ trong vài ngày. Tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh trong năm 2012 trên địa bàn tỉnh là 227,16 ha; chiếm 9,5% tổng diện tích nuôi; lượng giống bị thiệt hại: 61,05 triệu con. Dịch bệnh chủ yếu là bệnh đốm trắng và hội chứng gan tụy cấp tính chưa rõ nguyên nhân

Dịch bệnh xẩy ra khá phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nhờ phát hiện, báo cáo kịp thời của người dân và sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn nên hạn chế được dịch bệnh lây lan ra các vùng nuôi khác. Chính vì vậy, so với các tỉnh khác trong cả nước thì dịch bệnh ở tôm tại tỉnh ta chiếm tỉ lệ nhỏ, giảm thiểu được thiệt hại về kinh tế cho người dân. Những vùng nuôi bị dịch bệnh sau khi được xử lý người dân lại tiếp tục đầu tư cải tạo và tiến hành nuôi thả.

Hộ ông Nguyễn Văn Mại ở xã Hộ Độ (Lộc Hà) thu hoạch tôm thẻ chân trắng
Hộ ông Nguyễn Văn Mại ở xã Hộ Độ (Lộc Hà) thu hoạch tôm thẻ chân trắng

Sau một vụ tôm vất vả, ăn ngủ cùng con tôm chờ đến kỳ thu hoạch thì người dân lại “dở khóc, dở cười” khi bị tư thương ép giá. Trớ trêu thay tôm nhỏ thì mua giá cao, tôm to mua giá thấp. Nhiều hộ nuôi tôm ở Cẩm Xuyên, Nghi Xuân đành phải bán tôm với giá “bèo” vì một ngày đầu tư cho con tôm về thức ăn mỗi ngày mất cả triệu đồng cho một ao nuôi. Tuy nhiên, nuôi tôm vụ hai thì người dân lại “trúng đậm” vì nhu cầu thị trường tăng cao, bán được giá, có lúc tăng lên gần 50%.

Năm 2012 là năm xây dựng và triển khai Đề án phát triển nuôi tôm trên cát của tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030 và thực hiện nhiều quy hoạch cho phát triển NTTS mặn lợ và cả nước ngọt mang tầm chiến lược. Trong đó người dân được hỗ trợ giống phát triển sản phẩm chủ lực đối với lĩnh vực nuôi tôm; kỹ thuật nuôi và biện pháp phòng trừ dịch bệnh trong toàn tỉnh.. Vì vậy, năm nay ngành đã tập trung cao cho công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điều kiện môi trường nuôi trồng thuỷ sản các vùng nuôi trong tỉnh. Đặc biệt phát triển nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao và nuôi tôm trên ao đất lót bạt,vỗ bờ xi măng.

Anh Trịnh Quang Luật – kỹ sư Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân cho biết: Trên địa bàn huyện nuôi tôm công nghệ cao trên cát và ao đất lót bạt, vỗ bờ xi măng đang hình thành và phát triển. Đến nay, toàn huyện đã đưa vào sử dụng là 322/537 ha vùng nuôi tôm tập trung tại các xã Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội. Trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp bằng phương pháp trải bạt và vỗ bờ xi măng trên ao đất là 7 ha, năng suất bình quân 8 - 10 tấn/ha/năm còn lại là diện tích nuôi quảng canh cải tiến năng suất đạt 0,5 - 0,7 tấn/ha/năm. Không chỉ ở Nghi Xuân mà Cẩm Xuyên, Kỳ Anh người dân cũng đã nhận thấy hiểu quả và mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo hình thức trên.

Khép lại một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng NTTS năm 2012 vẫn được đạt được kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 15.800 tấn, giá trị sản xuất đạt 640 tỷ đồng với tốc độ tăng giá trị sản xuất 116% so với năm 2011. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu trong năm 2012 đạt 14 triệu USD.

Ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho rằng sự nỗ lực chỉ đạo của ngành cùng với công tác tuyên truyền hiệu quả, đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của tỉnh đến với người dân đã vượt qua được “bước cản”, đạt kết quả khá tốt. Tiến tới vụ nuôi năm 2013, ngành sẽ tập trung cao cho công tác chỉ đạo đảm bảo lịch thời vụ, cải tạo ao đầm đúng quy trình, kỹ thuật, đồng thời kiểm tra lựa chọn con giống chất lượng và đặc biệt là nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân, phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Theo đó, năm 2013 sẽ tiếp tục phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, nhất là đối với hình thức nuôi trên cát; khuyến khích phát triễn các giống mới nước ngọt, có giá trị kinh tế cao như: cá lóc môi sề, cá chẽm, cá leo, cá diêu hồng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast