Phản ứng linh hoạt, kịp thời cứu lúa!

(Baohatinh.vn) - Với chủ trương cứu lúa là ưu tiên hàng đầu, tỉnh Hà Tĩnh “tung” chính sách hỗ trợ 100% lúa giống cho bà con nông dân gieo cấy lại diện tích bị chết và hư hỏng nặng. Chỉ trong vòng 2 ngày, toàn bộ lượng giống đã được phân bổ về tận các hộ, giúp bà con tiến hành ngâm ủ và gieo cấy đúng kế hoạch…

Phản ứng linh hoạt, kịp thời cứu lúa! ảnh 1
Bà con nông dân xã Thạch Kênh (Thạch Hà) tập trung ra đồng bổ cứu vụ xuân.

7 sào lúa gieo vào cuối tháng 1 của gia đình chị Trần Thị Hương (thôn Nam Kênh, Thạch Kênh - Thạch Hà) đều mất trắng sau trận rét lịch sử. Nhận được hỗ trợ của tỉnh, chị nhanh chóng tiến hành ngâm ủ để xuống giống kịp thời vụ. Chị Hương chia sẻ: “Sau 3 ngày kiểm tra, thấy tỷ lệ nảy mầm cao, tôi thở phào nhẹ nhõm. Gieo mạ xong thì chỉ khoảng 10-12 ngày là có thể cấy. Với sự chia sẻ, động viên của Nhà nước nên nông dân chúng tôi hy vọng không trắng tay trong vụ sản xuất chính này”.

So với các nơi khác thì Thạch Hà là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 1.672 ha lúa chết trên 50% và trên 1.300 ha chết từ 30-50%. Trước nguy cơ đe dọa đến an ninh lương thực, Thạch Hà đã sớm chủ động đưa ra giải pháp ứng cứu. Ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trước khi chính sách của tỉnh được ban hành, Thạch Hà đã trích ngân sách hỗ trợ 50% giá giống (huyện 25%, xã 25%) cho bà con nông dân, đồng thời, liên hệ với các công ty giống cung ứng 5,2 tấn giống thuộc cơ cấu để bổ cứu sản xuất kịp thời. Tiếp đó, tiếp cận chủ trương hỗ trợ giống của tỉnh, huyện đã nhận thêm hơn 14,2 tấn giống cung ứng tận hộ. Đến thời điểm này, tất cả diện tích đã được xuống giống 100%”.

Phản ứng linh hoạt, kịp thời cứu lúa! ảnh 2
Số mạ bắc bổ sung của gia đình chị Đặng Thị Thu (Tân Tùng Sơn, Tùng Lộc, Can Lộc) đã lên xanh, chuẩn bị xuống cấy

Từ chiều 22/2, khắp nơi từ đồng cạn đến đồng sâu, từ thị trấn Nghèn, Thuần Thiện, Song Lộc đến Tùng Lộc (Can Lộc) đều sôi nổi không khí ra quân sản xuất, bà con tập trung giúp nhau phủ xanh diện tích. Người người hối hả xúc mạ, chuyển lên xe ba gác. Ở khoảnh ruộng khác, người dân lại đưa giống xuống đồng chuẩn bị gieo thẳng. Những cánh đồng vượt được ngưỡng rét giờ đang hồi xanh, bà con cũng tranh thủ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Chị Đặng Thị Thu (thôn Tân Tùng Sơn, Tùng Lộc) cho biết: “Nhà tôi có đến 6 sào phải làm lại, riêng 1 sào cấy thì đã bắc mạ từ ngày 28 tết, nay có thể xuống cấy. Còn 5 sào gieo thì nhờ Nhà nước hỗ trợ giống nên chiều 22/2, tôi đã hoàn thành”.

SV181 và OM4218 là 2 loại giống trở thành sự lựa chọn tối ưu cho việc khôi phục sản xuất lần này. Đây là những dòng giống khẳng định được những ưu việt trên đồng ruộng, đặc biệt là thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 100 ngày), đáp ứng được yêu cầu “chạy nước rút” với thời vụ bổ cứu. Phải nói rằng, động thái thực hiện chính sách khẩn cấp của tỉnh được xem là phản ứng nhanh trước tình hình.

Phản ứng linh hoạt, kịp thời cứu lúa! ảnh 3
Bà con nông dân Can Lộc chăm sóc lúa xuân sau rét

Không chỉ về mặt tài chính, sự chỉ đạo xuyên suốt tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý giống, tránh trường hợp lợi dụng để trục lợi cũng như phá vỡ cơ cấu giống lúa của tỉnh. Chỉ trong 2 ngày sau cuộc họp bổ cứu toàn tỉnh, 65,8 tấn giống ứng cứu cho gần 6.400 ha lúa bị chết đã được chuyển về tận hộ dân thông qua sự kết nối giữa ngành chuyên môn, địa phương và các công ty cung ứng. Hơn lúc nào hết, đây chính là lúc các đơn vị thể hiện trách nhiệm, sẻ chia với nông dân.

Ngoài 54,8 tấn SV181 của Công ty Giống cây trồng Quảng Bình thì Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh là công ty nội tỉnh duy nhất có thể đáp ứng được số lượng giống nằm trong kế hoạch còn lại. Bà Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc Công ty cho biết: “Khắc phục hậu quả sau đợt rét kỷ lục, công ty đã cung ứng 2 đợt bổ cứu với 42 tấn theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Hiện nay, tất cả số giống cung ứng về các địa phương đạt tỷ lệ nảy mầm cao và bà con đã hoàn thành xuống giống. Chúng tôi tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, khuyến cáo bà con cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình canh tác”.

Như vậy, đến thời điểm này, cơ bản diện tích lúa bị chết đã được bổ cứu kịp thời, lúa gieo đã hoàn thành kế hoạch, nếu thời tiết ủng hộ thì chỉ trong vòng khoảng 1 tuần đến 10 ngày tới, toàn bộ diện tích lúa cấy sẽ hoàn thành. Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Thời vụ sản xuất lúa xuân nằm trong ngưỡng an toàn. Thời gian này, bà con cần chú ý công tác chăm sóc theo đúng quy trình canh tác và theo dõi, phòng trừ sâu bệnh. Đối với diện tích lúa bị hư hỏng dưới 50% thì cần tỉa dặm, đảm bảo đúng mật độ để lúa sinh trưởng trong điều kiện tốt nhất”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast