Phát triển bền vững chuỗi sản phẩm chè

(Baohatinh.vn) - Bắt đầu từ 3 năm trước, mô hình chuỗi sản phẩm chè do dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh hỗ trợ đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân trong vùng dự án nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập. Quan trọng hơn, tư duy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo định hướng thị trường được hình thành, thúc đẩy các vùng sản xuất phát triển bền vững...

Chuỗi sản phẩm chè do dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh hỗ trợ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân vùng hưởng lợi.

Chuỗi sản phẩm chè do dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh hỗ trợ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân vùng hưởng lợi.

Hơn 10 ngày nay, ông Trần Văn Tuần - Tổ trưởng Tổ hợp tác Trồng chè công nghiệp Kỳ Thượng (Kỳ Anh) vừa tất bật với đồng nhà lại vừa đảm đương công việc thường xuyên tại tổ hợp tác. Cả đồi chè mơn mởn phủ xanh núi rừng. Từ sáng sớm, bà con tập trung lên nương bắt đầu mùa thu hoạch mới. Đây là vụ hái chè đầu tiên trong năm, cũng là vụ thu hoạch mà người dân kỳ vọng nhất.

Ông Trần Văn Tuần cho biết: “Từ khi tham gia mô hình chuỗi sản phẩm chè do dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh tài trợ, chúng tôi phấn khởi lắm. Năng suất ngày một ổn định, đạt trung bình khoảng 17 tấn/ha. Không chỉ vậy, chúng tôi được tiếp cận quy trình sản xuất mới theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, từ đó, nâng cao nhận thức về sản xuất chè an toàn nhằm tạo cơ hội thị trường mới cho cây trồng địa phương. Hiện nay, diện tích trồng mới trong vùng dự án đạt 15 ha. Bên cạnh đó, nhờ sức lan tỏa của dự án mà bà con tự đầu tư mở rộng diện tích sản xuất của địa phương lên 36 ha”.

Gia đình ông Tuần làm 1,5 mẫu giống chè PH1, chỉ mới bắt đầu thu hoạch mấy ngày đã thu về 4 tạ. Thu hái xong, bà con chỉ việc vận chuyển đến nơi tập kết để Xí nghiệp Chè 12/9 thu mua theo hợp đồng. Hiện nay, mỗi kg chè tươi, doanh nghiệp mua với giá 7.150 đồng, cao hơn trước trên 1.000 đồng/kg.

Khởi phát từ năm 2013, chuỗi sản phẩm chè thông qua sự hỗ trợ của dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh đã góp phần tái cơ cấu ngành trồng chè của Kỳ Thượng nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Thông qua tổ hợp tác, người dân được hướng dẫn kỹ thuật, giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới. Liên kết nông dân để đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn, đồng thời, tăng khả năng quản lý về chất lượng sản phẩm, tiến đến xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ 2015, Tiểu ban Quản lý dự án tại Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ mở rộng diện tích, trang thiết bị phục vụ sản xuất và thu hái, thành lập tổ dịch vụ bảo vệ thực vật và hỗ trợ trang thiết bị máy móc cho tổ hoạt động nhằm kiểm soát chất lượng chè búp tươi. Đặc biệt, xây dựng giá trị khác biệt cho sản phẩm chè Kỳ Thượng và đa dạng hóa thị trường đầu ra nhằm đưa sản phẩm vươn ra các nước có giá trị cao hơn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Không ít khó khăn đặt ra khi người nông dân chuyển từ sản xuất truyền thống sang tiếp cận quy trình kỹ thuật mới. Hay, tâm lý e ngại trước kỷ luật “sắt” của hàng dãy nguyên tắc… Tất cả đều chóng qua khi trước mỗi mùa vụ, tiểu ban phối hợp với doanh nghiệp liên kết tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con về quy trình sản xuất an toàn, chương trình quản lý chất lượng sản phẩm trong sơ chế, chế biến. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn các hộ tuân thủ các quy định về bón phân, phun thuốc, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hái… Hiện, mô hình đã hoàn thành các thủ tục cấp chứng nhận sản phẩm

VietGAP. Ông Lê Trọng Kim - Phó BQL dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, dự án đang mở rộng ra 3 xã thuộc 3 huyện, gồm: Kỳ Trung (Kỳ Anh), Hương Trà (Hương Khê), Sơn Kim, Sơn Tân (Hương Sơn) nhằm kết nối chuỗi chè. Diện tích vùng nguyên liệu sẽ mở rộng đạt 650 ha, trong đó, dự án tập trung hỗ trợ người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”.

Thành công của mô hình dần đưa cây chè tìm được chỗ đứng. Đồng thời, thông qua dự án, tư duy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo định hướng thị trường của bà con nông dân được hình thành nhằm thúc đẩy các vùng sản xuất phát triển bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast