Phát triển rừng sản xuất: Bao giờ hết cảnh lấy công làm lãi?!

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện có khoảng 174.364 ha đất rừng sản xuất, trong đó, trên 80.177 ha rừng đã trồng, trên 26.769 ha đất chưa có rừng, còn lại là rừng tự nhiên được quy hoạch sản xuất có hiện trạng dây leo, bụi rậm. Đây là một trong những tiềm năng lớn để người dân ven rừng đẩy mạnh phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường rừng bền vững. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc phát triển diện tích và nâng cao hiệu quả rừng trồng còn lắm khó khăn.

Phát triển rừng sản xuất: Bao giờ hết cảnh lấy công làm lãi?! ảnh 1

Do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên khi khai thác keo ở tiểu khu 231, người dân Lộc Yên (Hương Khê) phải mất cước vận chuyển từ 500-700.000 đồng/chuyến.

Theo đánh giá của những người có chuyên môn thì năng suất và chất lượng rừng trồng, nhất là rừng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa thể tạo ra những bước đột phá trong sản xuất. Nguyên nhân có nhiều nhưng căn bản là việc trồng rừng sản xuất chủ yếu do các hộ dân và một số doanh nghiệp tự bỏ vốn thực hiện, nguồn ngân sách hỗ trợ còn hạn chế, tiến bộ KHKT chưa được áp dụng rộng rãi, chưa tập trung theo hướng thâm canh mà chủ yếu tự phát, quảng canh.

Bên cạnh đó, quy trình kinh doanh rừng chưa được quản lý chặt chẽ, thời gian trồng đã bị rút ngắn từ 6-7 năm còn 5-6 năm, thậm chí, một số nơi đã thu hoạch sau 4 năm... theo kiểu muốn bán là khai thác. Mặt khác, diện tích rừng trồng chậm được mở rộng, chất lượng thấp, người dân và các chủ rừng chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất chuyên canh một phần cũng do hiệu quả kinh tế thấp.

Theo phản ánh của những hộ trồng rừng nguyên liệu lâu năm thì người dân đang chủ yếu lấy công làm lãi, sau khi trừ chi phí sản xuất (chưa bao gồm nhân công), mỗi chu kỳ người dân thu về khoảng 25-30 triệu đồng/ha đối với trồng quảng canh và 35-45 triệu đồng/ha đối với thâm canh. Với những diện tích rừng do chủ rừng nhà nước liên kết với doanh nghiệp trồng thì nếu thuận lợi, mỗi chu kỳ chỉ lãi khoảng 5-9 triệu đồng/ha do phải trồng ở các địa bàn khó khăn, chi phí đầu tư lớn, phần trăm cho doanh nghiệp cao...

Phát triển rừng sản xuất: Bao giờ hết cảnh lấy công làm lãi?! ảnh 2

Giống kém, thiếu kinh phí đầu tư nên dù đã trồng gần 10 năm nhưng nhiều diện tích keo trồng theo Chương trình 661 (thực hiện trồng trên lâm phần Ban quản lý RPH Ngàn Sâu) vẫn không đáp ứng yêu cầu

Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, chất lượng và hiệu quả từ trồng rừng chưa như mong đợi có một phần do diện tích trồng các loại cây bản địa như: lim, gỗ, sến, táu, dổi và một số loại cây chủ lực lấy gỗ hay dược liệu quý hiếm khác rất hạn chế. Mặc dù đã có chính sách đầu tư phát triển cây gỗ lớn nhưng người trồng rừng không mặn mà do chi phí cao, chu kỳ kinh doanh từ 10-50 năm, thu hồi vốn chậm, nhiều rủi ro hơn. Thay vào đó, các gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn đã chọn trồng các loại cây nguyên liệu, đặc biệt là độc canh keo lá tràm, keo tai tượng, thông để dễ bán, nhanh thu hồi vốn, không quá áp lực về chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, để có cây giống tốt đảm bảo chất lượng rừng trồng lại là một vấn đề đáng bàn khác. Ông Hà Tiến Dũng - giám đốc một cơ sở chuyên sản xuất cây giống trên địa bàn Hương Khê cảnh báo: “Hiện nay, do các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh không cung cấp đủ nhu cầu của thị trường nên dẫn tới tình trạng người dân, các tổ chức trồng rừng phải mua cây giống trôi nổi trên thị trường. Cây giống không rõ nguồn gốc giá rẻ, dễ mua nhưng chất lượng kém, hiệu quả kinh tế và phòng hộ thấp, tăng rủi ro cho chủ rừng và nhiều vấn đề phức tạp khác”.

Cháy rừng cũng đang là một trong những rào cản ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển, quản lý và nâng cao hiệu quả kinh tế trồng rừng. Tỉnh ta là một trong những vùng trọng điểm về cháy rừng của khu vực Bắc Trung bộ, với hàng chục vụ mỗi năm, chủ yếu ở rừng trồng. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, mùa khô năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh xẩy ra 18 vụ cháy rừng, với trên 136 ha rừng các loại, nhiều nhất là Hương Sơn (4 vụ), Vũ Quang (4 vụ), Kỳ Anh (3 vụ). Trong đó, gần 33 ha bị thiệt hại nặng (gần 26 ha rừng trồng của các chủ rừng)... Hỏa hoạn không chỉ gây thiệt hại về diện tích rừng, ảnh hưởng đến kinh tế của chủ rừng mà còn tác động tới chất lượng, môi trường rừng và tâm lý của người sản xuất, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Có thể khẳng định rằng, hiện nay, hàng chục ngàn hộ dân và nhiều doanh nghiệp đang gắn bó với rừng và phụ thuộc vào sản xuất lâm nghiệp. Rừng trồng đóng góp quan trọng trong việc cân bằng môi trường sinh thái, ổn định sinh kế, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân ven rừng. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển, bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng trồng và tăng hiệu quả đầu tư từ trồng rừng vẫn đang là bài toán khó cần tìm lời giải.

Để từng bước khắc phục khó khăn, xóa bỏ rào cản, các cấp, ngành, chủ rừng phải cùng vào cuộc, quan tâm xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng trồng...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast