Phòng chống cháy rừng: Còn những nỗi lo!

(Baohatinh.vn) - Mùa nắng nóng đang đến gần, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng được các cấp, ngành, chủ rừng và lực lượng chức năng chuẩn bị khẩn trương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, nguy cơ cháy rừng luôn hiện hữu.

Tình trạng cành lá sau thu hoạch vứt ngổn ngang, việc xử lý thực bì thiếu cẩn trọng có thể dẫn tới nguy cơ cháy rừng của người dân Lộc Yên

Tình trạng cành lá sau thu hoạch vứt ngổn ngang, việc xử lý thực bì thiếu cẩn trọng có thể dẫn tới nguy cơ cháy rừng của người dân Lộc Yên

Được thành lập chưa lâu nhưng mùa khô năm nay, Hạt Kiểm lâm TX Kỳ Anh đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác PCCC rừng. Sau chia tách, TX Kỳ Anh còn gần 11.000 ha rừng, trong đó, có 6.158 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Năm 2015, trên địa bàn xẩy ra 22 điểm phát cháy, gây tổn hại hơn 68 ha rừng và đất lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Sỹ Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX Kỳ Anh cho biết: “Tuy diện tích rừng không nhiều nhưng so với các địa phương khác, công tác PCCC rừng ở TX Kỳ Anh khó khăn hơn do có nhiều công trình, dự án lớn đang thi công liên quan đến rừng và đất rừng. Địa bàn nhiều người vào ra, khí hậu nắng nóng, gió lào hoạt động mạnh nên nguy cơ cháy rừng rất lớn. Đặc biệt, tuyến đường điện 500 kV, 220 kV đi qua một số diện tích rừng trồng của người dân và BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh dẫn tới nguy cơ mất an toàn cao. Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo xử lý hành lang an toàn lưới điện vì nếu để xẩy ra cháy rừng, không thể vào ứng cứu bởi rất nguy hiểm. Ngoài ra, do thiếu phương tiện nên chúng tôi phải mượn máy thổi gió của Chi cục Kiểm lâm vùng II (trụ sở Thanh Hóa) để trang bị cho các xã...”.

Trao đổi với các chủ rừng, ở đâu chúng tôi cũng nhận được ý kiến phản ánh về khó khăn của đơn vị như: lực lượng PCCC rừng quá mỏng, công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, phương tiện chữa cháy thiếu và thô sơ, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa cao, ý thức của người dân còn hạn chế; đặc biệt là thiếu kinh phí.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Phó Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho biết: “Theo phương án đã đề ra, năm nay, để tu sửa, nâng cấp các công trình và tổ chức các hoạt động PCCC rừng cần khoảng 350-400 triệu đồng. Nguồn kinh phí này được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh bố trí khoảng ½, số còn lại do đơn vị huy động từ các nguồn hợp pháp. Tuy nhiên, đơn vị đang gặp khó khăn về tài chính nên phải làm từng bước một. Chúng tôi đang có kế hoạch làm tờ trình xin thị xã hỗ trợ thêm”...

Người dân sống gần rừng có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn cho những cánh rừng nói chung và PCCC rừng nói riêng. Thế nhưng, hiện nay, đời sống, thu nhập, sinh kế, nhận thức của đại đa số người dân ở các xã miền núi còn nhiều khó khăn, thấp thua so với mặt bằng chung. Sống chủ yếu dựa vào rừng nên việc xâm lấn, sẻ phát rừng trái phép, đốt rừng để sản xuất diễn ra âm ỉ ở nhiều nơi, dẫn tới nguy cơ xẩy ra cháy lớn.

Ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu phản ánh: “Vào mùa nắng, chúng tôi thực sự lo lắng, bởi một số người dân gần rừng, nhất là ở các xã Phúc Trạch, Hương Trạch (Hương Khê) sẻ phát, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, nên nguy cơ xẩy ra cháy rất cao. Chúng tôi đã cố gắng nhưng việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn do lực lượng quá mỏng, địa bàn phức tạp, người dân thì cố tình vào đốt phá...”.

Nhiều người dân có đất rừng thường duy trì thói quen xử lý thực bì bằng lửa khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn, khiến nhiều vụ cháy xẩy ra. Đặc biệt, năm 2015, dù đã ký cam kết về PCCC rừng nhưng các ông: Phan Văn Lành (thôn 1, xã Hương Thọ - Vũ Quang), Bùi Văn Hà (thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam - Kỳ Anh), Chu Văn Tơ (xóm 7, xã Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên), Dương Công Mại (thôn 5, xã Bắc Sơn - Thạch Hà)... vẫn xử lý thực bì sai quy trình dẫn đến cháy rừng, có những trường hợp gây thương vong. Điều đáng nói là việc xử lý thực bì bừa bãi chưa có dấu hiệu chấm dứt khiến chính quyền, cơ quan chức năng, chủ rừng bất an, vất vả tìm biện pháp ngăn chặn...

Được biết, hiện toàn tỉnh có hơn 361.734 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, gần 74.518 ha rừng đặc dụng, hơn 115.575 ha rừng phòng hộ và 171.641 ha rừng sản xuất. Nhiều diện tích rừng dễ cháy, nguy cơ bị xâm hại cao, nhất là số diện tích rừng sản xuất nằm trên địa bàn Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang và Cẩm Xuyên. Năm 2015, toàn tỉnh xẩy ra 18 vụ cháy rừng với tổng diện tích lên tới hơn 136 ha, trong đó, diện tích bị thiệt hại hơn 72 ha. Hương Sơn là địa phương xẩy ra cháy nhiều nhất (5 vụ với 37,5 ha), tiếp đến là Vũ Quang (4 vụ với gần 22 ha)...

Mùa khô năm nay, cùng với hiện tượng El Nino, nắng nóng và hạn hán sẽ đến sớm, kéo dài trên diện rộng kết hợp những tồn tại chưa được khắc phục triệt để nên công tác PCCC rừng sẽ phức tạp, gian nan hơn.... Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và lực lượng liên quan.

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast