Phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi: Chưa quyết liệt!

(Baohatinh.vn) - Dù đã chủ động phòng chống từ đầu vụ nhưng đến thời điểm này, dịch bệnh trên tôm nuôi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Tĩnh. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Thu Hoàn – Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh nhằm làm rõ hơn công tác triển khai dập dịch và yêu cầu đặt ra từ nay đến cuối vụ.

Phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi: Chưa quyết liệt! ảnh 1

Hà Tĩnh đang cần khoảng 10 tấn hóa chất để tiêu độc môi trường ở các vùng dịch

- Đến thời điểm này, khu vực Bắc Trung bộ đã có 476 ha tôm nuôi bị dịch bệnh. Bà có thể cho biết rõ hơn về tình hình của Hà Tĩnh cũng như các nguyên nhân phát sinh dịch bệnh?

Từ ngày 25/4 - 31/7, tôm nuôi trên địa bàn xảy ra 2 bệnh nguy hiểm thường gặp là đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính tại 13 vùng nuôi ở 10 xã, thuộc các huyện: Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh với diện tích 51,37 ha, chiếm 2,5% diện tích nuôi toàn tỉnh. Trong đó, đã có 26,02 ha được khử trùng và qua 21 ngày; 31,75 ha đang bị dịch bệnh chưa được khử trùng, chủ yếu ở xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) với diện tích 24,5 ha; ngoài ra, rải rác một số địa phương như: Hộ Độ 6,5 ha, Thạch Bàn 0,5 ha, Thạch Hạ 0,35 ha...

Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, xen lẫn các đợt mưa, nhiệt độ giảm đột ngột, kéo theo các yếu tố môi trường khác như độ mặn, pH… còn do các hộ nuôi quảng canh cải tiến và bán thâm canh không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, nhất là trong xử lý nguồn nước ao nuôi, không kiểm soát các vật chủ trung gian mang mầm bệnh... Đối với các hộ nuôi tôm thâm canh, chủ yếu xảy ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính do quản lý, chăm sóc chưa tốt, dẫn đến ô nhiễm đáy ao và nước ao nuôi...

- Công tác dập dịch được ngành chuyên môn tiến hành như thế nào và vì sao thời gian gần đây các địa phương phản ánh việc thiếu hóa chất phục vụ tiêu độc, khử trùng môi trường, thưa bà?

Ngay khi dịch xảy ra, ngành đã tập trung phối hợp với các địa phương kiểm tra, thu mẫu xét nghiệm, chẩn đoán, xác định bệnh, hướng dẫn các biện pháp bao vây dập dịch và tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện ở cơ sở, đồng thời, cấp hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương xử lý môi trường.

Chúng tôi cũng tham mưu tỉnh huy động nguồn hóa chất từ Quỹ Dự trữ quốc gia (UBND tỉnh đã có Văn bản số 3694/UBND-NL ngày 27/7/2015 gửi Văn phòng Chính phủ xin hỗ trợ hóa chất phòng chống dịch); trình tỉnh cấp kinh phí mua hóa chất chống dịch thực hiện theo Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh và đề án phòng chống dịch theo Quyết định 4466 của UBND tỉnh. Tuy vậy, hiện nguồn hóa chất tại kho chi cục chỉ còn 200 kg, không đủ cung ứng cho số diện tích bị dịch chưa được khử trùng.

Hạn chế lớn nhất hiện nay là một số địa phương chưa tập trung cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp bao vây dập dịch; một bộ phận người nuôi ý thức kém khi xả bỏ nước và tôm nuôi bị bệnh ra môi trường chưa qua xử lý, trong khi hệ thống cấp thoát nước vùng nuôi chung nhau, làm cho dịch bệnh lây lan, khó khăn trong kiểm soát.

- Thời tiết hiện nay lúc nắng, lúc mưa sẽ tác động thế nào đến công tác phòng chống dịch và cần triển khai những biện pháp gì để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong thời gian tới, thưa bà?

Với diễn biến thời tiết nắng lắm, mưa nhiều như hiện nay thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh thời gian tới rất cao, nhất là đối với diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến do cơ sở hạ tầng không đáp ứng, khả năng quản lý ao nuôi không tốt. Mặt khác, mưa nhiều cũng làm công tác kiểm soát, phòng chống gặp khó khăn khi sản phẩm có thể tràn trôi nếu gia cố bờ ao, đăng chắn không tốt.

Để phòng chống và dập dịch, các địa phương cần chủ động vào cuộc, tập trung cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp đã được ngành chuyên môn hướng dẫn, kể cả huy động nguồn lực phục vụ công tác chống dịch. Về phía các hộ nuôi trồng, cần ý thức cao hơn nữa trong việc theo dõi, giám sát vật nuôi, nhất là tránh để nguồn nước nhiễm bệnh lan ra ngoài, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast