“Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính”

Dịch cúm gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp trên cả nước. Theo Chi cục Thú y tỉnh, đến nay, dịch đã xảy ra tại 10 hộ của 4 thôn thuộc 3 xã Cẩm Quang, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) và Thuần Thiện (Can Lộc), làm hàng ngàn con gia cầm chết, buộc phải tiêu hủy. PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Phòng chống dịch cúm gia cầm:

- Xin ông cho biết tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?

Thời gian gần đây, như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, diễn biến dịch cúm gia cầm ở các tỉnh biên giới giáp Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều chủng vi-rút cúm gia cầm khác nhau (H7N9, H10N8, H5N1, H5N2, H6N1) được phát hiện có thể gây bệnh cho cả người và gia cầm. Theo Cục Thú y, hiện cả nước có 65 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành; số gia cầm mắc bệnh, chết là 61.611 con.

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch cúm gia cầm
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch cúm gia cầm

Ở tỉnh ta, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 10 hộ thuộc 4 thôn của 3 xã ở các huyện Cẩm Xuyên và Can Lộc, làm trên 2.000 con gia cầm chết và phải tiêu hủy. Tính đến nay, đã qua 5 ngày (kể từ ngày 21/2), trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới, tình hình dịch cúm gia cầm bước đầu được bao vây, kiểm soát. Tuy nhiên, theo tôi, dịch vẫn đang trong quá trình phát triển, nguy cơ lây lan rất cao. Nhất là vào lúc này, tỉnh giáp ranh là Nghệ An vẫn liên tục phát sinh ổ dịch lẻ tẻ trong dân khiến cho Hà Tĩnh trở thành vùng bị uy hiếp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tỉnh ta có trên 6 triệu con gia cầm, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các nông hộ, nhiều địa phương, cộng thêm độ ẩm không khí cao, môi trường lạnh, tạo điều kiện cho vi-rút cúm dễ lây lan, phát triển.

- Công tác phòng chống dịch của các địa phương trong thời gian qua như thế nào? Để ứng phó khẩn cấp với dịch cúm gia cầm, cần phải làm gì, thưa ông?

Thời gian qua, các địa phương đã có sự chủ động trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, thực hiện có hiệu quả các giải pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành nông nghiệp. Đến thời điểm này, những địa phương có số lượng đàn gia cầm nhiều đã chủ động khử trùng tiêu độc ở các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như chợ, nơi giết mổ, hộ chăn nuôi. Đặc biệt, ý thức phòng chống dịch của chính quyền các cấp và hộ chăn nuôi được nâng cao, công tác tiêm phòng bao vây dịch được triển khai quyết liệt, nhanh gọn. Tính từ ngày 20/2 đến nay, đã có 20 xã tiến hành tiêm phòng vắc-xin bao vây dịch với 120.232 con gia cầm. Trong đó, huyện Cẩm Xuyên tiến hành tiêm ở 12 xã với tổng gia cầm được tiêm là 97.702 con và 8 xã ở Can Lộc với 22.530 con.

Cần tiêu độc khử trùng môi trường thường xuyên để phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi
Cần tiêu độc khử trùng môi trường thường xuyên để phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi

Để tiếp tục đối phó với dịch cúm gia cầm đang diễn biến khá phức tạp, theo tôi, nên thực hiện theo phương châm “Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính”. Trong đó, quan trọng nhất là thực hiện tốt công tác tiêm phòng theo chỉ đạo của tỉnh. Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ:

Thứ nhất, từng hộ chăn nuôi phải làm tốt công tác phòng dịch, thường xuyên tổ chức vệ sinh, khử trùng, quản lý tốt môi trường chăn nuôi, sử dụng con giống có nguồn gốc đã qua kiểm dịch; không được giết mổ và ăn thịt gia cầm ốm, chết; lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng gia cầm có nguồn gốc và đã được kiểm dịch theo quy định; nấu chín kỹ thịt và các sản phẩm gia cầm trước khi ăn.

Thứ hai, các địa phương có dịch tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nguy cơ, tác hại và các giải pháp phòng, chống để người dân tự giác, chủ động thực hiện; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh, đồng thời tiêu hủy ngay số gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh khi còn ở diện hẹp (không chờ kết quả xét nghiệm). Cùng với đó, lập chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông để kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra, vào vùng dịch; khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây cho toàn bộ đàn gia cầm xung quanh ổ dịch; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp và các khu vực có nguy cơ cao.

Thứ ba, đối với địa phương chưa có dịch, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm (đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc nhập gia cầm giống vào địa bàn để phát triển chăn nuôi), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

(thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast