Quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi (Bài 2): Lỗ hổng trong phòng chống dịch bệnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh là địa phương “xung yếu” nhất cả nước đối với các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và tôm nuôi. Hầu như năm nào, các kịch bản về công tác phòng chống dịch cũng được cơ quan thú y đưa ra, khuyến cáo sớm để người chăn nuôi chủ động các tình huống.

>> Quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi (Bài 1): Nhìn từ khâu giống

Kết quả tiêm phòng “đì đẹt”…

Tưởng như câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, thế mà, thực trạng tỷ lệ tiêm phòng định kỳ đạt thấp đã kéo dài cả chục năm nay ở các hộ chăn nuôi gia trại và nhỏ lẻ trên địa bàn. Theo dõi của ngành thú y, từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ tiêm phòng bình quân hàng năm đối với bệnh lở mồm long móng trâu, bò đạt gần 70%, dịch tả lợn 42,2%, cúm gia cầm là 57%. Thậm chí có những năm, tỷ lệ này còn “bi đát” đến mức không “quá bán”!

Từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ tiêm phòng bình quân hàng năm đối với bệnh lở mồm long móng trâu, bò đạt gần 70%
Từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ tiêm phòng bình quân hàng năm đối với bệnh lở mồm long móng trâu, bò đạt gần 70%

Chẳng ở đâu xa, năm 2013, chỉ 2/3 số trâu bò, hơn 1/3 số lợn và hơn 1/10 số gia cầm thuộc diện tiêm được thực hiện theo đúng kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Tân (Thạch Hà) cho biết: “Khó khăn nhất là chủ hộ thường lấy lý do để không tiêm, thậm chí, có nhà từ chối thẳng thừng vì không còn được hỗ trợ vắc-xin, nếu thú y vẫn tiêm thì phải chịu trách nhiệm…”.

Không phải bàn cãi rằng, tỷ lệ tiêm phòng đàn vật nuôi đạt thấp, nguyên nhân cốt lõi vẫn là do người chăn nuôi chưa phát huy tinh thần tự giác trong công tác phòng chống dịch. Thường thì, chỉ có ở những trang trại lớn hoặc cơ sở chăn nuôi liên kết mới chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại thì chỉ khi xảy ra dịch mới nháo nhào gọi thú y về tiêm để… hưởng hỗ trợ! Nghịch lý này cũng là bằng chứng cáo buộc trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc tổ chức, giám sát và quản lý công tác tiêm phòng. Kết quả định kỳ thì luôn luôn “đì đẹt” mà cứ hễ tiêm phòng bao vây trong thời gian diễn ra dịch lại đạt cao. Thậm chí, có địa phương “vào cuộc quyết liệt”, chỉ trong vài ba ngày đã hoàn tất chỉ tiêu trong khi trước đó cả tháng trời xã vẫn chưa thống kê nổi tổng đàn.

Kể cả trong tôm nuôi, dù được đánh giá là tỷ lệ nhiễm so với diện tích nuôi khá thấp so với cả nước, song tôm nuôi Hà Tĩnh lại “dính” các loại bệnh “đỏ” nguy hiểm như: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. Đó chính là hệ lụy của việc ý thức cộng đồng an toàn dịch kém ở vùng nuôi quảng canh là chủ yếu.

Bò, lợn thiếu dấu; gà, vịt vắng tem!

Một ngày cuối tháng 3, trong vai người muốn “tậu” con bò tốt giống để nuôi vỗ béo, chúng tôi vào chợ Nhe, Vĩnh Lộc (Can Lộc) bắt chuyện với cụ ông đã khá nhiều tuổi, tay dắt một lúc 4-5 con bê chờ khách. Ngỏ ý hỏi nguồn gốc của con vật để mua, ông trả lời: “Nghe đâu ở Nghệ An, Thanh Hóa gì đó. Tôi chỉ là người làm công thôi. Họ nhập cả đàn mấy chục con rồi đến phiên thì đem ra chợ bán, trâu bò ở khắp nơi, trong tỉnh có, ngoài tỉnh có”.

Gia cầm bán rông khiến việc kiểm soát gia súc, gia cầm trước khi vào chợ chỉ khiêm tốn đạt 30%.
Gia cầm bán rông khiến việc kiểm soát gia súc, gia cầm trước khi vào chợ chỉ khiêm tốn đạt 30%.

Điều đáng nói, việc mua bán ở chợ diễn ra khá đơn giản, BQL chợ chỉ cần kiểm soát đầu vào khi người bán “chìa ra” giấy chứng nhận tiêm phòng và xác nhận của UBND xã rồi ghi vào sổ và thu phí là hoàn tất.

Ngoài chợ trâu, bò, mỗi tháng, chợ Nhe còn 6 phiên kinh doanh giết mổ lợn. Mỗi phiên có khoảng 30 con lợn được đưa ra chợ. Ông Nguyễn Hồng Thái - Phó BQL chợ Nhe cho biết: “Vì chợ chưa có khu vực giết mổ tập trung, nên 100% lợn được giết mổ tại nhà. Trước khi vào chợ, cán bộ thú y xã kiểm tra rồi lăn dấu kiểm dịch”.

Ngay như trên địa bàn TP Hà Tĩnh, dọc tuyến đường Xuân Diệu, chỉ khoảng 300m thì có ít nhất 3 hộ kinh doanh giết mổ gia cầm không đúng quy định. Chủ hộ nhập gà từ khắp nơi (thường là ở các xã vùng trên của Cẩm Xuyên - PV) về nhốt chuồng và giết mổ công khai rồi bán luôn tại nhà hoặc đưa hàng ra chợ mà chẳng cần dấu kiểm tra, kiểm soát.

Hiện nay, toàn tỉnh có 139 chợ buôn bán, mỗi ngày có khoảng 1.000 con lợn, 60 con trâu, bò và hàng vạn con gia cầm được giết mổ. Chỉ có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trong khi số hộ giết mổ nhỏ lẻ trong gia đình lên đến 1.000 hộ. Việc kiểm soát gia súc, gia cầm trước khi vào chợ vì thế mà chỉ khiêm tốn đạt 30%.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast