Quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi (Bài cuối): Giải pháp nào cho chăn nuôi bền vững?

(Baohatinh.vn) - Định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp chọn chăn nuôi là mũi nhọn phát triển. Theo đó, đến năm 2020, ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của tỉnh ta sẽ chuyển biến mạnh mẽ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Đi kèm với sự phát triển thì đề án “Phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trong chăn nuôi và nuôi tôm bền vững đến năm 2020” đã được ban hành...

>> Quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi (Bài 1): Nhìn từ khâu giống

>> Quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi (Bài 2): Lỗ hổng trong phòng chống dịch bệnh

Xây dựng điểm cơ sở an toàn dịch bệnh

Trong giai đoạn 2014-2015, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) là xã được tỉnh chọn triển khai thí điểm đề án “Phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trong chăn nuôi và nuôi tôm bền vững đến năm 2020”. Ông Nguyễn Thiên Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đây là cơ hội để chúng tôi thay đổi cách thức quản lý toàn diện trong lĩnh vực chăn nuôi, còn người dân một lần nữa được nâng cao ý thức cộng đồng để phát triển nền kinh tế mũi nhọn quy mô và bền vững. Trước mắt, khu giết mổ tập trung đã hoàn tất san lấp mặt bằng, sắp tới sẽ được nâng cấp công suất từ 10-20 con/ngày lên 50-70 con/ngày phục vụ cho cả các xã lân cận. Thành lập 4 tổ hợp tác, tạo đầu mối liên kết chuỗi sản phẩm với các doanh nghiệp chăn nuôi và biên chế xong 5 thú y viên, phân bổ về cụm thôn”.

Tiêu độc khử trùng xe vận chuyển gia cầm tại chốt kiểm dịch động vật phía Bắc (Nghi Xuân).
Tiêu độc khử trùng xe vận chuyển gia cầm tại chốt kiểm dịch động vật phía Bắc (Nghi Xuân).

Kể từ khi tham gia mô hình thí điểm, Cẩm Bình là xã nằm trong “top” đầu của huyện Cẩm Xuyên về tỷ lệ tiêm phòng.

Trong đợt này, tỉnh hỗ trợ xây dựng ở 22 xã điểm cơ sở an toàn dịch bệnh (15 xã thực hiện phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi và 7 xã thực hiện phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi). Cùng với việc xây dựng quy chế phòng chống dịch bệnh thì Nhà nước còn ưu tiên ngân sách hỗ trợ 80% kinh phí tiêm phòng vắc-xin một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm và hỗ trợ kinh phí mua hóa chất xử lý vùng dịch trên tôm nuôi; tiền công cho nhân viên thú y; kinh phí xây dựng cơ sở an toàn dịch và xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Điều quan trọng, đề án đã cởi “nút thắt” về chế độ đãi ngộ cho thú y cơ sở, nhằm khuyến khích “đội quân tinh nhuệ” trong phòng chống dịch tâm huyết với nghề, đồng thời gắn trách nhiệm với cộng đồng.

Hay nói cách khác, việc thí điểm này sẽ là tiền đề để nông nghiệp thực hiện tái cấu trúc ngành chăn nuôi từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, từ thả nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang thâm canh công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế này không đồng đều ở tất cả các địa phương. Không ít nơi vẫn còn lúng túng với phương án mẫu này, nhất là ở các xã điểm tôm nuôi.

Kiểm soát buôn bán, giết mổ mạnh tay từ cơ sở

Cùng với đề án “Phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trong chăn nuôi và nuôi tôm bền vững đến năm 2020”, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 08/CT-UBND về tăng cường công tác giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm. Ông Đặng Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Từ ngày 1/4, ngành chỉ đạo thực hiện chấm dứt việc kiểm tra, lăn dấu và thu tiền tại chợ. Theo đó, người kinh doanh, buôn bán muốn đưa gia súc, gia cầm vào chợ nhất thiết phải có dấu thú y kiểm soát tại gốc. Đồng thời, dẹp bỏ các điểm giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, thay vào đó, chúng tôi đang đề xuất tỉnh có cơ chế, chính sách để khuyến khích xây dựng khu giết mổ tập trung. Sở kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ thiếu trách nhiệm; chấn chỉnh, đào tạo lại đội ngũ cơ sở và chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho những người đủ điều kiện hành nghề thú y”.

Từ đầu năm đến nay, các đoàn công tác đã kiểm tra, xử lý 19 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật với số tiền lên đến gần 17,5 triệu đồng, tiêu hủy 300 con gia cầm. Ngay đầu tháng 4/2014, cơ quan chuyên môn đã “tuýt còi” dừng hoạt động cơ sở giết mổ tại xã Thạch Đồng và tiếp tục lập kế hoạch đóng cửa thêm một cơ sở tại xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh); di dời một cơ sở tại TX Hồng Lĩnh để nâng cấp thành khu giết mổ tập trung quy mô lớn hơn. Theo đề án, trong giai đoạn 2014-2015, mỗi huyện phải xây dựng 5 điểm giết mổ tập trung có công suất 70 con/ngày đêm trở lên, còn ở xã là 50 con/ngày đêm. Phấn đấu kết thúc giai đoạn 1, 80% gia súc, gia cầm ở thành phố, thị xã và 50% gia súc, gia cầm ở các huyện còn lại được giết mổ tại các cơ sở tập trung.

Cũng phải nói thêm rằng, sự vào cuộc sớm của chính quyền các cấp đã tạo thuận lợi cho việc thực hiện đề án. Đến nay, ít nhất 9/12 huyện đã có kết quả thống kê, rà soát và kiểm tra công tác quản lý nhà nước về hoạt động buôn bán, giết mổ trên địa bàn. Đáng kể nhất là các địa phương đã có chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung ngoài chính sách của tỉnh. Điển hình như: Đức Thọ (100 triệu đồng); Can Lộc (100 triệu đồng); TP Hà Tĩnh (đầu tư hạ tầng)...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast