Quản lý SX-KD giống, vật tư nông nghiệp: Hồi chuông báo động

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, các cơ sở cung ứng giống, vật tư nông nghiệp (VTNN) đang “nở rộ” từ tỉnh đến tận thôn, xóm. Tuy nhiên, hàng chục năm nay, vấn đề quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) giống, VTNN gần như bị “thả nổi”… Mới đây, UBND tỉnh đã ra quyết định thanh tra hoạt động này trên địa bàn. Kết quả khiến không ít nhà quản lý “té ngửa” khi trong tổng số 992 cơ sở thì có đến 865 cơ sở “dính” lỗi…

87,2% cơ sở vi phạm điều kiện SXKD

Đây là kết quả mà đoàn thanh tra của Sở NN&PTNT có được sau khi tiến hành thanh tra trên diện rộng 992 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực SXKD giống, VTNN trên địa bàn tỉnh vào đầu năm nay. Trong số các cơ sở vi phạm có 8 cơ sở do tỉnh quản lý và 857 cơ sở còn lại thuộc sự quản lý của cấp huyện. Có ít nhất 6 huyện, thị tỷ lệ vi phạm chiếm trên 90%, thậm chí, một số địa phương, tỷ lệ vi phạm gần như… tuyệt đối: Lộc Hà (97,3%), Cẩm Xuyên (94%), Thạch Hà (92,9%).

Quản lý SX-KD giống, vật tư nông nghiệp: Hồi chuông báo động ảnh 1

Cửa hàng kinh doanh thuốc thú y Tuấn Tuyết tại chợ TP Hà Tĩnh là một trong số ít những cơ sở tuân thủ các điều kiện kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp.

Sản xuất, kinh doanh giống, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở muốn hoạt động thì phải đảm bảo các giấy tờ liên quan đến điều kiện như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, cam kết về môi trường, phòng chống cháy nổ… Nhưng thực tế, hiếm có cơ sở nào đáp ứng được 100% yêu cầu này.

Ông Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Lâu nay, việc thiếu quan tâm đến lĩnh vực giống, VTNN đã tạo ra “khoảng trống” lớn về công tác quản lý. Đây là tồn tại của lịch sử, nếu chỉ dựa vào một ngành hay địa phương thì không thể thực hiện được. Trong số các vi phạm liên quan đến lĩnh vực này, vi phạm về điều kiện kinh doanh thuốc BVTV chiếm tỷ lệ lớn. Nguyên nhân chính là nhu cầu sử dụng cao, các cơ sở SXKD vì thế phát triển mạnh mẽ đến tận thôn, xóm”.

Có đến 57,1% cơ sở không có chứng chỉ hành nghề và trên 77% cơ sở không có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Kể cả trong lĩnh vực thú y, dù tuân thủ hơn nhưng giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện SXKD cũng bị các chủ cơ sở “phớt lờ” (68%). Nói không quá, đây chính là những chiếc “lệnh bài” để đảm bảo cho các cơ sở có quyền hoạt động.

Điều kiện quan trọng còn bị các cơ sở bỏ qua thì vấn đề về môi trường, phòng chống cháy nổ, phương tiện đo lường hay niêm yết giá cũng khó được thực hiện. Ngay cả những “đại gia” trong lĩnh vực SXKD phân bón trên địa bàn tỉnh như: Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty CP VTNN Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh, Công ty CP Phân bón Nghệ Tĩnh, Chi nhánh Kho Lương thực Cẩm Kỳ, Xí nghiệp Kinh doanh lương thực đường 8 thuộc Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh cũng “dính” về báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cả nể hay buông lỏng?

Với “chiếc gậy” trong tay, các địa phương đã thành lập hàng trăm đoàn kiểm tra đến tận địa phương. Trong 2 năm (2013-2014), có đến 102 đoàn kiểm tra được lập nhưng chỉ có 208 cơ sở bị nhắc nhở, trong khi đó, chỉ 36 cơ sở bị xử phạt với số tiền 29,2 triệu đồng. Và, đến thời điểm trước đợt thanh tra toàn diện này, không có huyện, thị, thành phố nào lập báo cáo kết quả sau kiểm tra. Chế tài này liệu có đủ sức răn đe?

Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có 168 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực SXKD giống, VTNN. Phần lớn các cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động theo kiểu thời vụ; khi vào mùa vụ thì chủ kinh doanh mới nhập về bán nên việc phát hiện và xử lý vi phạm rất khó. Trong khi đó, lực lượng chuyên môn ở địa phương “mỏng”, không thể thường trực theo dõi, phát giác hành vi”.

Từ 2013 đến nay, trong hàng trăm vụ vi phạm do Thanh tra Sở NN&PTNT phát hiện thì phần lớn là nhắc nhở, còn mức xử phạt trung bình không quá 1 triệu đồng/cơ sở. Chỉ có 5 vụ SXKD hàng hóa kém chất lượng với mức phạt 40 triệu đồng và 1 vụ về thức ăn gia súc kém chất lượng với mức phạt 12 triệu đồng. Thậm chí, khi phát hiện phân bón của Công ty CP Phân bón Sao Nông Thanh Hóa kém chất lượng, cơ quan chuyên môn cũng đành “bó tay” khi đã có giấy triệu tập đến 3 lần mà đơn vị này không chấp hành.

Trên chính quyền các cấp, có 7 sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực về hoạt động SXKD giống, vật tư nông nghiệp, bao gồm các sở: NN&PTNT, KH&ĐT, Công thương, Tài chính, TN&MT, KH&CN và Công an tỉnh. Chỉ vì phân nhiệm thiếu cụ thể, thiếu “chất kết dính” giữa các đơn vị mà “quả bóng” trách nhiệm liên tục được chuyền qua, chuyền lại. Điều này lý giải vì sao thời gian qua đã có đến 510 cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 573 cơ sở không thực hiện nghiêm túc cam kết môi trường; 531 cơ sở sử dụng cân có chứng chỉ đã hết hiệu lực; 525 cơ sở không trang bị thiết bị phòng chống cháy nổ…

Để tương ứng với trên 125.000 ha cây trồng; 7.700 ha nuôi trồng thủy sản và khoảng 7,2 triệu con gia súc, gia cầm thì toàn tỉnh cần ít nhất 10.000 tấn giống cây trồng, 120.000 tấn phân bón, 130-150 tấn thuốc bảo vệ thực vật và 160.000 tấn thức ăn chăn nuôi - thủy sản. So với sản xuất thì tỷ trọng kinh doanh chiếm nhiều hơn.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast