Rừng xanh trong mắt biển

Về Nghi Xuân không chỉ ngắm biển mà còn được ngắm rừng; không chỉ là cây reo trên núi, mà còn là ngút ngàn những rừng thông, phi lao rì rầm bên sóng bể. Những ngư dân ở đây bám biển, bám làng và bám rừng với cán bộ kiểm lâm đã nuôi dưỡng nên những cánh rừng xanh ngút ngàn trong mắt biển…

Khi rừng là máu thịt cuộc đời…

Câu chuyện về người nông dân ở làng ca trù Cổ Đạm suốt cuộc đời chỉ biết xả thân cho những cánh rừng, ai nghe cũng thấy cảm động. Ông tên là Trần Văn Quang, năm nay 53 tuổi, bắt đầu gắn bó với nghề rừng từ khi làm hợp đồng bảo vệ rừng trên địa bàn 3 xã: Cổ Đạm, Xuân Liên và Cương Gián với BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh vào năm 1995. Từ đó đến nay, dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, ông Quang luôn làm hết trách nhiệm của mình, dù đồng lương rất khiêm tốn, đến thời điểm hiện nay cũng chỉ vỏn vẹn 250.000 đồng/tháng. Ông thuộc từng cánh rừng của 3 xã như chính lòng bàn tay, chừng ấy năm làm công tác bảo vệ rừng, từng đường mòn, khe suối đều in dấu bước chân ông.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về PCCCR nên nhiều năm qua, rừng phòng hộ đầu nguồn xã Xuân Hồng được bảo vệ và phát triển tốt. Ảnh: Quang Vinh
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về PCCCR nên nhiều năm qua, rừng phòng hộ đầu nguồn xã Xuân Hồng được bảo vệ và phát triển tốt. Ảnh: Quang Vinh

Những tháng hè có lẽ là thời gian vất vả nhất đối với ông và tổ bảo vệ rừng do ông phụ trách. Ông mất ăn, mất ngủ vì lo cháy rừng. Vợ ông, bà Trần Thị Hợi tâm sự: Vào những thời điểm nắng nóng, ngày, đêm ông cứ ở lỳ bên chốt trực, vợ con phải đưa cơm, nước lên cho ông, nói thế nào ông cũng không chịu về nhà. Có lúc anh em từ xa đến chơi, vừa về đến nhà nói chuyện được vài câu, thấy trời nắng nóng, rin rít gió lào, ông lại xin cáo lỗi, ra chốt trực. Nhiều lần bà bảo ông trả cái chức tổ trưởng bảo vệ rừng đó đi, về nhà nuôi con gà, con trâu có khi lại có thu nhập cao hơn nhưng ông không chịu nghe…

Vào mùa hè năm 2002, khi ông đang tuần tra thì phát hiện cháy rừng. Sau khi thông báo cho chính quyền xã, chủ rừng và cơ quan kiểm lâm biết, ông lập tức huy động anh em trong tổ bảo vệ rừng khẩn trương tiếp cận đám cháy, dù lực lượng lúc đó chỉ có 5 người. Nhưng với kinh nghiệm lão luyện: một người tiếp cận đám cháy lúc mới bắt lửa còn hơn hàng chục người cứu chữa khi đám cháy đó lan rộng, ông lên tiếp cận đám cháy đầu tiên và phát hiện một chiếc điện thoại di động (sau này là tang vật giúp cơ quan điều tra tìm ra đối tượng gây cháy). Ngọn lửa rừng rực như muốn thiêu đi tất cả, nhưng ông cùng mọi người vẫn quyết tâm tìm mọi cách ngăn chặn không cho cháy sang khu vực bên cạnh, vì đó là rừng phòng hộ rất xung yếu. Khi lực lượng chi viện đến và tiếp cận được đám cháy thì cũng là lúc ông ngất xỉu… Đám cháy được khống chế, thiệt hại không đáng kể. Khi tỉnh dậy, câu hỏi đầu tiên của ông là: “Đã dập tắt được đám cháy chưa? Khu vực rừng thông phòng hộ có sao không?”.

Khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân để bảo vệ và phát triển rừng, ông mạnh dạn nhận 30 ha đất trống, đồi núi trọc, toàn đá cuội, dây leo bụi rậm. Nhiều người dân trong xã thầm nghĩ, có lẽ ông bị hâm… Nhưng với bản tính cần cù của một người có “máu” làm nghề rừng, chỉ vài năm sau, ông đã biến khu vực này thành một trang trại có quy mô. Ông động viên gia đình mạnh dạn vay vốn để đầu tư.

Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng rừng từ những người có kinh nghiệm và sự giúp đỡ của Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp huyện, ông đã tìm được các loài cây thích ứng cho khu vực trên. Bây giờ, trang trại của ông là một màu xanh bao phủ bởi các loài cây như keo lá tràm, bạch đàn và các loài cây bản địa như: de, dổi, dẻ, cồng… Năm ngoái, ông thu hoạch 12 ha, thu nhập từ 50-60 triệu đồng/ha, dự kiến năm nay thu hoạch khoảng 8 ha. Bây giờ, ông đã trở thành tỷ phú, nhưng cái chức tổ trưởng bảo vệ rừng của ông vẫn nguyên như ngày nào…

Khi mô hình phát triển hiệu quả, ông Quang vận động bà con trong thôn, xóm tiếp tục nhận đất để phát triển kinh tế bằng nghề rừng. Với kinh nghiệm của mình, ông đã hướng dẫn cho bà con các kỹ thuật lựa chọn giống, trồng, chăm sóc rừng. Đến nay, có 9 hộ tham gia nhận đất để trồng rừng và phát triển rất hiệu quả. Các hộ này đã lập ra quy ước cùng giúp đỡ nhau trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hàng ngày, cắt cử luân phiên nhau để tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng.

Cho rừng xanh, xanh mãi…

Toàn huyện Nghi Xuân hiện có hơn 7.600 ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, có gần 4.500 ha rừng trồng, bao gồm các loại cây thông, keo, bạch đàn. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nguyễn Hồng Tú tâm sự: “Nghi Xuân đang còn gần 3.000 ha đồi trọc toàn lau lách, sim mua. Những loài cây hoang dại này nếu vào thời điểm nắng nóng, gặp lửa, gặp gió thì dễ phát hỏa lớn”. Thế nhưng, đã 12 năm nay, Nghi Xuân chưa để xẩy ra cháy rừng.

Có được điều ấy là vì Nghi Xuân coi việc PCCCR như một mặt trận, mà đã là mặt trận thì phải có chỉ huy, tập trung chỉ huy. Địa phương có 13 ban chỉ huy, với gần 150 người từ huyện đến cơ sở. Thực tế, cho thấy “chọi” với lửa không chỉ bằng sức người, với các phương tiện PCCC, mà còn ở tính phát hiện sớm. Hiểu được điều đó, lực lượng PCCCR của Nghi Xuân bao giờ cũng trong tư thế sẵn sàng, có lệnh là đi. 13 đội quân xung kích với 320 người, những ngày cao điểm mùa hạ này, họ ít có những giấc ngủ trọn vẹn. Chỉ cần một cú điện thoại là tất cả lên đường. Họ đã được tập duyệt kỹ các phương án PCCCR, nhưng tất cả đều khẳng định rằng: nếu trái tim lạnh thì lửa từ que diêm có thể đốt cháy rừng!

Anh cán bộ kiểm lâm leo núi cùng tôi, chỉ về đám lau sậy phía trước, bảo: “Chỉ một sơ suất nhỏ là vài chục ha thông sẽ bị thiêu trụi trong khoảnh khắc. Nhưng người dân Nghi Xuân luôn ý thức được việc mình làm để PCCCR”. Điều hay nữa, những ngày hè nhàn rỗi, người dân biết sắp xếp cho con cái mình những công việc phù hợp để không còn thời gian vào rừng nghịch ngợm. “Chúng tôi thường xuyên vào rừng kiểm tra, điều đáng mừng là không thấy một học sinh nào đưa trâu bò lên chăn thả trên đồi núi này, nói gì đến chuyện săn rùa vàng hay đốt ong” - anh cán bộ kiểm lâm tiếp lời. Cũng theo anh, thì năm học 2012-2013 đã có 18 trường học với 15 ngàn học sinh tham gia ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR. Điều mừng là những cam kết, lời hứa đó đã được con trẻ giữ đúng, thực hiện!

Những ngày này, cũng như các địa phương thuộc dải miền Trung, trên đất Nghi Xuân nắng rất gay gắt. Càng nắng, áp lực công việc và mồ hôi của những người làm công tác PCCCR đổ càng nhiều. Chòi canh lửa giống như điểm chốt của người chiến sĩ ở chiến trường. Những người trực gác ở chòi canh lửa chịu đựng nắng trời hoa cả mắt, chịu đựng những cơn khát khô cả họng... Nhưng với họ đó là việc chẳng đáng phải bàn, bởi tất cả đều vì một màu xanh yêu thương…

Tháng 7/2013

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast