Sớm triển khai phân cấp quản lý hồ chứa

(Baohatinh.vn) - Sáng 22/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả rà soát an toàn hồ chứa và phân cấp quản lý hồ chứa trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tiến hành rà soát lại để thống nhất về thực trạng hồ đập hiện nay, trong đó đặc biệt đối với các hồ đập đang nằm trong hệ thống công trình lớn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tiến hành rà soát lại để thống nhất về thực trạng hồ đập hiện nay, trong đó đặc biệt đối với các hồ đập đang nằm trong hệ thống công trình lớn.

Toàn tỉnh hiện có 345 hồ chứa thủy lợi và 2 hồ chứa thủy điện với tổng dung tích trên 785 triệu m3 nước. Ngoài ra, hơn 40 hồ chứa nhỏ có dung tích dưới 0,05 triệu m3 nước do nhân dân địa phương tự ngăn các khe, suối nhỏ để cấp nước cho một số diện tích cục bộ. Trong đó, hầu hết đập đất được xây dựng thủ công và cơ giới kết hợp nay bộc lộ nhiều nguy cơ mất an toàn cao do một số cao trình đỉnh đập thấp, mái đập bị sạt lở, nhiều hồ chứa thấm thân đập, vai đập và nền đập…

Về tràn xả lũ, có 8 hồ chứa điều tiết tiết bằng xả sâu và điện, còn 204 hồ tràn bằng đá xây và bê tông, hiện nay nhiều tràn đã bị hư hỏng. Nhiều hồ chứa hệ thống điều tiết (cửa cống) đã hư hỏng đến mức không còn khả năng giữ nước, chảy liên tục suốt cả 12 tháng trong năm. Đối với các hồ chứa nhỏ ở vùng núi khi mưa, lũ xầy ra hầu hết các tuyến đường đến đập đều bị ngập, các hồ chứa đều bị cô lập.

Hiện chỉ có 2 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc và Nam Hà Tĩnh đã hoàn thành công tác phân cấp quản lý các công trình đầu mối và xác định vị trí cống đầu kênh. Đối với các địa phương, có 2 huyện Hương Sơn và Cẩm Xuyên hoàn thành việc phân cấp, song cũng chỉ mới tập trung chủ yếu xác định vị trí cống đầu kênh.

Qua kiểm tra, rà soát, đánh giá có 38 hồ chứa nhỏ chỉ làm nhiệm vụ trung chuyển nguồn nước, dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo diện tích các khu tưới với các hồ chứa, đập dâng mới được xây dựng. Một số hồ chứa hiện nay không sử dụng cho sản xuất nông nghiệp hoặc cung cấp nước cho các ngành sản xuất khác mà nhân dân địa phương chỉ sử dụng để nuôi trồng thủy sản...

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh, tỉnh ta có số lượng hồ đập lớn, trong đó chủ yếu là hộ đập nhỏ xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, song, thực hiện phân cấp quản lý hồ đập còn quá chậm so với yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tiến hành rà soát lại để thống nhất về thực trạng hồ đập hiện nay, trong đó đặc biệt đối với các hồ đập đang nằm trong hệ thống công trình lớn.

Về phân cấp quản lý, các địa phương phải sớm triển khai thực hiện theo Quyết định 15 của UBND tỉnh. Ngoài ra, các huyện thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng thủy lợi phí trong hai năm gần đây, nếu phát hiện có dấu hiệu sử dụng thủy lợi phí sai mục đích, các sở, ngành liên quan đề xuất thanh tra.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương chủ động công tác PCLB, trong đó rà soát lại các quy trình vận hành hồ chứa; soát xét các trường hợp vi phạm hành lang các hồ đập để báo cáo cụ thể; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân, triển khai vụ hè thu; cụ thể hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác phòng chống chữa cháy rừng...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast