Sức trẻ miền sơn cước

(Baohatinh.vn) - Tuổi trẻ “sức dài, vai rộng”, thanh niên Hương Sơn bao giờ cũng đầy ắp khát vọng vươn lên làm giàu bằng tư duy mới, bằng giọt mồ hôi cần cù và những kiến thức học hỏi để biến vườn hoang thành trang trại xanh mướt, đàn gia súc, gia cầm béo tốt

Từ trang trại thanh long ruột đỏ…

Được anh Thắng - Bí thư Huyện đoàn Hương Sơn giới thiệu một loạt mô hình kinh tế giỏi trong phong trào thanh niên lập nghiệp, tôi thấy thú vị nhất khi anh nhắc tới trang trại thanh long ruột đỏ của Nguyễn Tiến Dũng (thôn Nam Nhe, xã Sơn Tây).

Mô hình nuôi bồ câu Pháp của anh Trần Viết Niềm phát huy hiệu quả. Ảnh: Đậu Bình

Mô hình nuôi bồ câu Pháp của anh Trần Viết Niềm phát huy hiệu quả. Ảnh: Đậu Bình

Tới trại của Dũng chừng non trưa, thấy nhà cửa đóng chặt. Một lúc sau mới thấy Dũng về, trên vai một gánh cỏ đầy, non mơn mởn.

- Loại cỏ này đàn dê nhà em ham lắm - Dũng cho hay

- Chú nuôi được bao nhiêu con?

- Mười lăm con.

- Bán được mấy lứa rồi?

- Dạ! hơn chục lứa ạ!

Dũng tiết lộ: Đất ở đây rất hợp với cây thanh long ruột đỏ, dễ cho quả ngọt, lại thích hợp với phân gia súc, đặc biệt là phân dê. Chuyện trồng thanh long như là một sự tình cờ, khi trong một buổi tối xem ti vi, anh thấy nhiều nông dân ở Bình Dương trồng loại cây này hái ra tiền. Dũng bắt xe đi Bình Dương, nhờ đồng hương ở đó tìm địa chỉ để nghiên cứu và học hỏi. Buổi đầu thử nghiệm giống mới, anh chỉ khiêm tốn trồng 100 gốc và làm đúng quy trình chăm sóc như dân Bình Dương đã làm.

Kết quả, chỉ có 5 cây hỏng, 6 cây không đậu quả; số còn lại cho quả to, đẹp, vị thơm và ngọt không kém thanh long Bình Dương. Đưa ra chợ quê bán thử, một loáng đã hết vèo... Bây giờ, trang trại của người đầu tiên lập nghiệp bằng thanh long ruột đỏ ở Hương Sơn đã ngút ngát loài cây này. Anh cho biết, với 800 gốc hiện nay, nếu thời tiết và thị trường thuận lợi, vụ thu hoạch tới sẽ có hàng chục tạ tung ra thị trường…

Càng xem trang trại, tôi càng khâm phục sự năng động, dám nghĩ, dám làm của ông chủ mới 24 tuổi này. Sau dãy chuồng dê, còn có chuồng bò 15 con, chuồng gà với 500 con. Kể cả đu đủ, loài cây rất kén đất nhưng trang trại cũng đã phát triển hơn 100 cây. Dũng cho biết, năm 2015, từ trồng trọt và chăn nuôi, trang trại cho doanh thu gần 300 triệu đồng.

… đến đàn bồ câu ngoại

“Chim bồ câu Pháp bác ạ. Em mới nuôi bốn chục con thôi, nhưng dễ nuôi và mắn đẻ hơn bồ câu của ta nhiều. Hầu như con nào cũng béo núc, mỗi sớm thi nhau gù rộn núi, nghe vui lắm…” - Trần Viết Niềm, chàng trai 26 tuổi, đặc sệt giọng nói và phong cách chân thật người Sơn Trường.

Niềm kể, giống bồ câu Pháp nhờ người quen từ Thái Bình mua hộ. Chất lượng thịt chẳng kém gì bồ câu nội, giá lại không cao lắm, được khách hàng đón nhận. Bố Niềm xởi lởi: “Thằng Niềm nhà tôi mát tay lắm, mới nuôi chưa đầy 1 năm đã có bán rồi chú ạ. Trứng to lắm...”. Vừa nói, ông vừa lấy ra trong ổ 2 quả trứng cho tôi xem, vỏ trắng như vỏ trứng vịt, to gấp rưỡi bồ câu nội. Được biết, thức ăn của bồ câu là ngô xay nhỏ, do gia đình Niềm trồng trên đất vườn, khi hết ngô thì cho ăn thóc. Theo Niềm, đây là 2 loại thức ăn không những giúp bồ câu nhanh lớn mà còn đẻ khỏe. Nuôi bồ câu phải chú trọng khâu ăn, uống, chúng uống không nhiều, nhưng hàng ngày phải cung cấp đầy đủ, tuyệt đối không dùng nước bẩn. Đặc biệt, phải thường xuyên lau chùi từ nền chuồng đến máng đựng thức ăn sạch sẽ.

Nuôi bồ câu là chuyện mới của Niềm, ông chủ trẻ này đam mê nghiệp làm vườn đã hơn 3 năm rồi. Anh được Huyện đoàn Hương Sơn phong danh hiệu “kiện tướng trồng cam bù”, bởi Niềm sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Sơn Trường - xứ sở nhiều cam bù nhất huyện. Gia đình lại có truyền thống trồng cam bù nên kinh nghiệm đã “dắt” đầy mình. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, anh lập một “trang trại mini” rộng hơn 1 ha. Những lúc cao điểm, Niềm phải thuê thêm 2 nhân công để chăm sóc 400 gốc cam bù và 100 gốc vải thiều. Niềm còn nuôi thêm 3 con bò nái. 3 năm qua, năm nào doanh thu cũng đạt từ 180-200 triệu đồng.

Anh Trần Quang Thắng - Bí thư Huyện đoàn cho biết: Đến tháng 3/2016, tuổi trẻ Hương Sơn đã xây dựng được 50 mô hình kinh tế, chủ yếu hướng thanh niên phát huy lợi thế của đất để chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Con đường lập nghiệp thuận lợi hơn khi có “bà đỡ” Ngân hàng CSXH, Ngân hàng No&PTNT, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm… cho vay vốn ưu đãi và định hướng nghề nghiệp, tập huấn kỹ thuật, tham quan các điển hình tiên tiến.

Bức tranh vùng sơn cước ngày cành xanh thắm, ngập tràn nắng mới, bởi sự đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ địa phương.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast