Tạo chuyển biến về ý thức "4 tại chỗ" của người dân và cộng đồng

Là tỉnh có địa hình phức tạp với phía Tây là núi non hiểm trở, phía Đông là bờ biển dài 137 km gồm 4 cửa lạch lớn, hệ thống sông suối dày đặc, hàng năm phải hứng chịu nhiều thiên tai ác liệt nên từ trước đến nay, Hà Tĩnh luôn chú trọng công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Sau 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, tỉnh ta đã giành được nhiều kết quả quan trọng, nhất là tạo chuyển biến về ý thức "4 tại chỗ" của người dân và cộng đồng.

Chiến lược quốc gia phòng, chống giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020:

Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành

Theo ông Bùi Lê Bắc - Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó phải kể đến: Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; Quy định một số nội dung về công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao năng lực cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020… Cùng đó, hàng năm, tỉnh đã củng cố kiện toàn BCH PCLB-TKCN các cấp, phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tổ chức diễn tập PCLB-TKCN cấp huyện; rà soát, bổ sung các quy hoạch: tiêu úng, phòng chống lũ các tuyến sông có đê, hệ thống giao thông, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn.

Trận lũ sớm đầu tháng 9 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho huyện miền núi Hương Khê
Trận lũ sớm đầu tháng 9 vừa qua đã gây nhiều thiệt hại cho huyện miền núi Hương Khê

Tỉnh cũng tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thông qua việc củng cố hệ thống thông tin liên lạc, nhất là các vùng trọng điểm (vùng lũ quét, vùng sạt lở đất, vùng ven biển); đầu tư máy ICOM cho các tàu đánh bắt xa bờ, trang bị 7 máy bộ đàm tầm xa tại 4 cửa sông phục vụ việc kiểm soát và kêu gọi tàu thuyền; hoàn thành công trình Trạm cảnh báo lũ đầu nguồn Sơn Kim, củng cố các trạm thủy văn: Chu Lễ, Hòa Duyệt, xây dựng 61/230 cột mốc cảnh báo lũ dọc các tuyến sông và vùng trũng thường xuyên bị ngập lụt.

Song song với tăng năng lực dự báo, cảnh báo, tỉnh đã chú trọng nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trong cộng đồng bằng việc tuyên truyền và in phát các văn bản quy phạm pháp luật, cấp phát sổ tay hướng dẫn PCLB, quy chế dự báo bão lũ, quy chế dự báo động đất - sóng thần; trang bị cho các địa phương vùng trọng điểm lụt 9 thuyền loại 2,5 tấn, 65 thuyền 3 - 7 lá, 59 thuyền máy Compozit, 19 đò ngang kết hợp cứu hộ - cứu nạn…

Tăng cường nâng cấp hệ thống công trình phòng lũ

Ngoài các giải pháp phi công trình trên, Hà Tĩnh đã tranh thủ tốt sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là giành được sự tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi, đê điều, khu neo đậu tránh trú bão gắn với PCLB.

Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót (Thạch Kim - Lộc Hà) đảm bảo tàu vào bến đỗ an toàn trong mùa mưa bão
Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót (Thạch Kim - Lộc Hà) đảm bảo tàu vào bến đỗ an toàn trong mùa mưa bão

Về hồ chứa, đã tập trung triển khai thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình theo chương trình an toàn đập của Chính phủ như: hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác, hồ Kim Sơn, hồ Thượng Tuy, hồ Đập Bún, hồ Cù Lây, hồ Nhà Đường, hồ Cửa Thờ, hồ Cơn Trường, hồ Đá Cát, hồ Mạc Khê, hồ Khe Trúc, hồ Thiên Tượng; xây mới hồ Xuân Hoa, hồ thượng Sông Trí, hồ Ngàn Trươi, hồ Rào Trổ…

Trong hệ thống đê điều, đang nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đê La Giang; triển khai chương trình nâng cấp đê biển, đê cửa sông với chiều dài 110,1km. Tỉnh đã hoàn thành công trình ngăn mặn giữ ngọt Đò Điệm, cống Đức Xá và triển khai hệ thống kênh trục sông Nghèn. Chương trình xử lý sạt lở bờ sông đã tiến hành ở một số vị trí cấp bách bờ sông Lam, sông La, sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Trươi, sông Trí, sông Gia Hội…

Các khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu, cảng cá Xuân Hội đã và đang được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tỉnh ta đã xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ, nhà tránh bão cho cộng đồng và đang phối hợp với Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng tránh thiên tai cho một số địa phương như: Trạm Y tế thị trấn Nghèn, Trạm Y tế xã Mỹ Lộc (Can Lộc), Trạm Y tế xã Sơn Phúc, Nhà sinh hoạt cộng đồng xã Sơn Trung (Hương Sơn). Bằng nguồn vốn di dân và hỗ trợ di dân vùng lũ quét, sạt lở đất, toàn tỉnh đã di dời 285 hộ dân và tiếp tục di dời 76 hộ…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, thời gian qua, với sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, cùng sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, nhất là đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc. Đặc biệt, ý thức của người dân và cộng đồng trong phòng, chống thiên tai ở một số nơi đã có chuyển biến rõ rệt, nhất là vùng ven biển, vùng ngập sâu, người dân đã chủ động "4 tại chỗ" để bảo vệ tính mạng, tài sản và chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của các cấp trong ứng phó với thiên tai.

Cần sớm có cơ chế huy động nguồn lực

Biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết, thủy văn trong cả nước nói chung, vùng Bắc Trung bộ nói riêng trong đó có tỉnh ta. Diễn biến thiên tai, thời tiết cũng ngày một cực đoan và khó lường hơn, nhất là khoảng 10 năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh thường xuyên xảy ra thiên tai khốc liệt, trong khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn thấp nên việc huy động nguồn lực tại chỗ cho công tác phòng, chống thiên tai còn nhiều khó khăn…

Ý thức "4 tại chỗ" của người dân và cộng đồng ngày càng được nâng cao
Ý thức "4 tại chỗ" của người dân và cộng đồng ngày càng được nâng cao

Theo Chi cục trưởng Bùi Lê Bắc, những thách thức đó đương nhiên không thể giải quyết một sớm một chiều nhưng đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh ta, các ban, ngành cấp tỉnh phải nỗ lực nhiều hơn. Trong khuôn khổ thực hiện chiến lược quốc gia, trước mắt, đề nghị Chính phủ, BCĐ PCLB trung ương, các Bộ, ban, ngành ưu tiên hỗ trợ, tăng suất đầu tư hàng năm từ nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA… để đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án, trong đó ưu tiên kinh phí tu sửa, nâng cấp các tuyến đê, sửa chữa hồ đập, nạo vét lòng dẫn các tuyến sông để đảm bảo an toàn và tăng khả năng tiêu thoát lũ.

Đối với Đề án nâng cao năng lực cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đề nghị sớm ban hành cơ chế huy động các nguồn lực để triển khai trên diện rộng. Cùng đó, cần có chính sách và bố trí nguồn vốn để tạo điều kiện cho việc tổ chức quản lý, bảo vệ và duy tu, bão dưỡng các công trình sau đầu tư nhằm đảm bảo bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast