Tập trung cao cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm

(Baohatinh.vn) - Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước. Việc chủ động trong phòng, chống dịch là vô cùng cần thiết và cấp bách. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với ông Trần Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết diễn biến mới nhất của dịch cúm gia cầm và nhận định về ảnh hưởng của nó đối với Hà Tĩnh?

Theo công bố của Cục Thú y, tính đến sáng 20/2, cả nước đã có 16 tỉnh chính thức thông báo dịch cúm H5N1. Ở một số tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ đã xuất hiện dịch và có nguy cơ bùng phát. Hà Tĩnh là tỉnh có tổng đàn gia cầm khá lớn nhưng chủ yếu còn chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các nông hộ, nhiều địa phương có mật độ chăn nuôi cao nhưng các điều kiện vệ sinh thú y chưa đảm bảo. Qua giám sát của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn tỉnh ta, tỷ lệ lưu hành vi rút cúm H5N1 khá cao (11%).

Mặt khác, thời tiết đang diễn biến phức tạp, độ ẩm không khí cao, môi trường lạnh tạo điều kiện cho vi rút cúm lây lan, phát triển, hơn nữa nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi sau Tết khiến việc vận chuyển gia cầm giống vào địa bàn lớn, ý thức phòng chống dịch của người chăn nuôi, người buôn bán gia cầm chưa cao, làm tăng nguy lây lan, bùng phát dịch.

Ý thức phòng chống dịch của người chăn nuôi, người buôn bán gia cầm chưa cao nên nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn
Ý thức phòng chống dịch của người chăn nuôi, người buôn bán gia cầm chưa cao nên nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn

- Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm, thời gian qua, ngành chức năng có những biện pháp gì để phòng ngừa, thưa ông?

Để chủ động phòng chống vi rút H5N1 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thú y đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các công điện, chỉ thị; thành lập các chốt kiểm dịch động vật liên ngành (thú y, công an, quản lý thị trường) trên quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở các địa phương có dịch vào, ra địa bàn; phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan bám sát cơ sở để kiểm tra, giám sát và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; cung ứng kịp thời vắc-xin, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch; tổng hợp tình hình diễn biến, kết quả triển khai, thực hiện tại các địa phương báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

- Ông có khuyến cáo gì với các địa phương và người dân trước nguy cơ bùng phát dịch như hiện nay?

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, Chi cục Thú y đề nghị các địa phương chủ động trích ngân sách tiến hành tiêm phòng cho đàn gia cầm sớm và tổ chức tiêu độc khử trùng ở vùng tiềm ẩn nguy cơ và các điểm buôn bán, giết mổ cũng như tăng cường quản lý nhà nước về an toàn dịch và vận chuyển gia cầm. Các hộ chăn nuôi chủ động phòng chống dịch.

Người tiêu dùng cần lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng gia cầm có nguồn gốc và đã được kiểm dịch theo quy định; nấu chín kỹ thịt và các sản phẩm gia cầm trước khi ăn; không ăn tiết canh, thức ăn chế biến từ gia cầm, sản phẩm gia cầm còn sống, tái; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh; hạn chế tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt không tiếp xúc với gia cầm và người nhiễm bệnh khi không có nhiệm vụ; không cho trẻ em tiếp xúc hoặc chơi cạnh nơi chăn nuôi, nhốt giữ gia cầm; thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn thả gia cầm; vệ sinh thú y trong chăn nuôi gia cầm; không giết mổ và ăn thịt các loại gia cầm bị ốm, chết; bảo đảm vệ sinh trước, trong và sau khi giết mổ; sử dụng thớt riêng để sơ chế, chế biến thịt sống và thịt chín; đeo khẩu trang, găng tay khi phải tiếp xúc với gia cầm nghi ngờ bị bệnh; rửa tay bằng xà phòng và thay quần áo sau khi tiếp xúc với gia cầm; không buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, ốm, chết, chưa được kiểm dịch...

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast