Thiên tai bất thường: Nỗi lo đến sớm của người dân miền núi Vũ Quang!

(Baohatinh.vn) - Tại nhiều nơi trên địa bàn Vũ Quang (Hà Tĩnh), cứ mỗi khi có mưa lớn là “tái diễn” tình trạng ngập úng cục bộ, sạt lở bờ sông, đồi núi... Dẫu đã quen với những hiện tượng này, nhưng cứ mỗi khi bước vào mùa mưa lũ, người dân nơi đây lại canh cánh nỗi lo.

Bất lực đứng nhìn khối lượng lớn đất vườn bị dòng Ngàn Sâu “ngoặm” từng ngày, ông Trần Sỹ Công (SN 1961, thôn Hương Thọ, xã Đức Hương) cho biết: “Bây giờ chỉ cần một trận mưa nhỏ là đất đá trong vườn cứ thế tuôn xuống sông, riêng hai trận mưa giông kéo dài nguyên đêm thời vào cuối tháng tư và ngày 24/5 vừa qua đã khiến đất vườn của gia đình xuất hiện những vết sạt dài, rất đáng lo ngại”.

Thiên tai bất thường: Nỗi lo đến sớm của người dân miền núi Vũ Quang!

Ông Trần Sỹ Công (thôn Hương Thọ, xã Đức Hương) chỉ những vết sạt do các trận mưa lớn vừa gây ra.

Ông Công cho biết thêm, nhà của ông được xây dựng từ 30 năm trước, khi ấy cách bờ sông Ngàn Sâu khoảng 20m. Tuy nhiên, trải qua thời gian, khu vườn của gia đình đã bị dòng sông lấn dần, giờ chỉ cách bờ chưa đầy 10m. Năm nay, nếu lũ lớn tiếp tục tái diễn, gia đình sẽ phải di dời công trình phụ trợ để đảm bảo an toàn.

Thiên tai bất thường: Nỗi lo đến sớm của người dân miền núi Vũ Quang!

Trận mưa lớn vào đêm 24/5 vừa qua khiến vườn của ông Công xuất hiện những vết lở dài, chạy sát vào công trình phụ trợ.

Cùng chung nỗi lo với những hộ dân sống dọc bờ sông Ngàn Sâu, ông Phạm Trọng Sơn (SN 1933, thôn 2 - Văn Giang, xã Đức Giang) cho biết, sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ăn sâu vào sát nhà dân mà còn khiến tuyến đường thôn bị biến dạng, nhiều điểm bị đứt gãy.

Thiên tai bất thường: Nỗi lo đến sớm của người dân miền núi Vũ Quang!

Ông Phạm Trọng Sơn (thôn 2 - Văn Giang, xã Đức Giang) lo lắng về tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua địa bàn thôn.

"Người dân chúng tôi rất lo, đặc biệt những lúc trời mưa vào chập tối hay ban đêm, 20 hộ dân sống dọc tuyến bờ sông này không ai dám ra khỏi nhà vì sợ trơn trượt lao xuống vực sông. Chúng tôi mong chính quyền địa phương có các biện pháp khắc phục để bà con yên tâm sinh sống” - ông Sơn chia sẻ.

Thiên tai bất thường: Nỗi lo đến sớm của người dân miền núi Vũ Quang!

Ngôi nhà của ô Sơn hiện chỉ cách bờ sông chưa đầy 5m.

Cũng theo ông Sơn, trước kia, dọc hai bên bờ sông Ngàn Sâu có nhiều bụi tre lớn, nhưng khi đất bị sạt lở, cây cối cũng bị cuốn theo dòng nước. Những lúc trời mưa to, nước sông dâng lên nhanh, chảy tràn ngập cả vườn. Khi nước rút, đất trũng hành từng hố sâu, người dân lại phải vay mượn tiền để mua đất lấp lại.

Thiên tai bất thường: Nỗi lo đến sớm của người dân miền núi Vũ Quang!

Trận mưa lớn vào đêm 28/4 khiến tuyến đường trục xã Quang Thọ, đoạn qua thôn 3 bị sạt lở mạnh.

Từ cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra hai đợt mưa lớn, khiến hàng trăm ha lúa bị ngâm ngập trong nước, nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Điều đáng nói, cường độ mưa của những đợt này chỉ kéo dài khoảng 1 đêm, nhưng thiệt hại rất đáng kể.

Thiên tai bất thường: Nỗi lo đến sớm của người dân miền núi Vũ Quang!

2 con bò nái của gia đình anh Thái Cương (thôn Kim thọ, xã Quang Thọ) bị chết do ngập nước.

Tại xã Quang Thọ, trận mưa lớn vào đêm 24/5 đã khiến một số điểm xung yếu trên địa bàn bị sạt lở. Đặc biệt, ở thôn Kim Thọ, mưa lớn trong đêm đã khiến 2 con bò nái trị giá hơn 60 triệu của anh Thái Cương bị chết do ngập nước

Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết: “Trước tình trạng mưa lũ diễn biến thất thường, địa phương đã xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, kế hoạch bảo vệ người và tài sản. Theo đó, đối với đàn trâu bò, xã khuyến cáo người dân không chăn thả qua đêm tại các sườn đồi; đối với nông sản, chúng tôi hướng dẫn, huy động lực lượng hỗ trợ đưa lên các chạn, kho để bảo quản”.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vũ Quang, trên địa bàn huyện hiện có 6 xã vùng hạ du (Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh, Ân Phú) thường xuyên bị ngập úng, với gần 1.300 hộ nằm trong diện phải di dời; 4 xã (Thọ Điền, Hương Minh, Quang Thọ và thị trấn Vũ Quang) thường xuyên xảy ra sạt lở, với 205 hộ cần di dời mỗi khi xảy ra mưa lớn kéo dài.

Thiên tai bất thường: Nỗi lo đến sớm của người dân miền núi Vũ Quang!

Đoàn kiểm tra phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh làm việc với huyện Vũ Quang về công tác phòng chống mưa lũ năm 2021 vào ngày 26/5.

Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vũ Quang cho biết: “Để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra, từ đầu mùa mưa, Ban đã đã tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng của các hồ, đập, tranh thủ mọi nguồn lực tập trung sửa chữa các công trình thủy lợi, hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn để người dân yên tâm sản xuất, sinh sống. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các địa phương quán triệt, chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ”, chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu mạnh trong mọi tình huống”.

Nhằm đảm bảo hậu cần, lực lượng, phương tiện phòng chống bão lụt, huyện Vũ Quang đã chuẩn bị 15 tấn gạo, 2.000 thùng nước khoáng, 710kg lương khô, 2.900 thùng mì tôm, các loại nhu yếu phẩm khác như: dầu thắp, xăng; hơn 700 người gồm các lực lượng quân sự, công an..., tập trung ở các xã, thị trấn để huy động khi cần thiết.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast