“Thoát” đạo ôn nhờ cơ cấu giống

(Baohatinh.vn) - Đến thời điểm này, diễn biến tình hình sâu bệnh trên lúa xuân ở Hà Tĩnh được đánh giá là “trầm lắng” so với nhiều năm trở lại đây. Một phần vì quá trình sinh trưởng muộn hơn đã “cắt” được cầu nối chuyển giao sâu bệnh, nhưng quan trọng hơn là cơ cấu giống với 95% xuân muộn giúp lúa xuân qua được thời điểm mẫn cảm nhất…

Điều tra, phát hiện sớm bệnh là giải pháp tối ưu để cắt mầm bệnh đạo ôn.

Điều tra, phát hiện sớm bệnh là giải pháp tối ưu để cắt mầm bệnh đạo ôn.

Chỉ cách đây 1 năm, khi trà lúa xuân bước vào giai đoạn đẻ nhánh, “vị khách” quen thuộc - bệnh đạo ôn đã ghé thăm. Từ một vài ổ dịch, diện tích bị đạo ôn hoành hành, phá hại nhanh chóng lan rộng lên đến trên 700 ha, trong đó, có đến hàng chục ha bị cháy.

Bệnh đạo ôn trên lá đã tồn tại từ rất nhiều năm trên những cánh đồng của Hà Tĩnh. Thường vào thời điểm giao mùa từ lạnh sang nắng, thời tiết nóng ẩm, sương mù và âm u là môi trường phát tiết của loại bệnh “cố hữu” này. Cùng với đó, việc sử dụng bộ giống nhiễm đạo ôn như X (Xi 23, NX30…) đã làm tăng khả năng nhiễm bệnh và lây lan sang các loại giống khác.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “So với mọi năm, lúa xuân năm nay sinh trưởng muộn hơn do gặp điều kiện thời tiết bất lợi ở đầu vụ. Việc này đã vô hình trung “cắt” được cầu nối của sâu bệnh giữa chuyển giao mùa. Theo ghi nhận trên đồng ruộng, đến thời điểm này, tất cả các loại sâu bệnh ổn định, kiểm soát tốt. Nhất là bệnh đạo ôn, cây lúa đã qua được thời điểm nhạy cảm nhất. Việc giảm hẳn việc cấy trà xuân trung (giống chủ lực là X) xuống còn 4,2% đã “cắt đứt” mầm bệnh”.

Vào tầm này năm ngoái, anh Nguyễn Văn Thành (thôn Liên Vinh, Thạch Đài - Thạch Hà) đang phải đau đầu vì mấy sào Xi23 bị nhiễm đạo ôn. Phun đến lần thứ 3 nhưng trong số 3 sào vẫn có 1 sào phải cắt cho bò ăn vì bị cháy. Từ sau bài học đó, vụ xuân 2016, gia đình anh sử dụng 100% giống xuân muộn. Anh Thành cho biết: “3 sào ruộng thường xuyên sử dụng giống X nay tôi chuyển sang thiên ưu 8. Từ đầu vụ đến nay, lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh nên tôi yên tâm. Thực ra, cũng chỉ do thói quen mà ra, nếu bỏ giống X sớm thì đã không vất vả rồi”.

Nhờ chủ động ứng phó bằng cơ cấu giống, diện tích nhiễm đạo ôn trên lá giảm còn 1/17 so với năm trước.

Nhờ chủ động ứng phó bằng cơ cấu giống, diện tích nhiễm đạo ôn trên lá giảm còn 1/17 so với năm trước.

Theo thống kê, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh đã cơ bản chuyển đổi cơ cấu sang xuân muộn với 95%. Theo đó, trà xuân trung chỉ còn 4,2% trong tổng số trên 55.000 ha lúa xuân. Trà lúa này chủ yếu là các loại giống: Xi23, P6, XT28. Diễn biến này đã tạo ra một thực tế mới trên đồng ruộng, bệnh đạo ôn gây hại được ghi nhận là ít nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vẫn thường trực ở nhóm giống Xi23 và P6, bệnh đạo ôn xuất hiện với tỷ lệ nhiễm trung bình từ 3-5% với tổng diện tích 40 ha, chưa đến 1/17 so với vụ xuân 2015 và chỉ có 1,5 ha bị nặng. Nơi cao nhất là Đức Thọ với diện tích 20 ha, còn lại chủ yếu xuất hiện rải rác, cục bộ tại Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Nhờ vậy, các địa phương sớm khống chế an toàn vùng bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất quá trình lây nhiễm sang diện tích khác.

Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Nhờ chủ động khống chế nên đến thời điểm này, bệnh đạo ôn trên lá đã an toàn. Lúa đang bước vào giai đoạn phân đòng, thời gian này, các địa phương cần tích cực chỉ đạo bà con thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm các loại sâu bệnh để có phương án xử lý kịp thời. Đặc biệt là đối với bệnh đạo ôn cổ bông, ở những vùng đã nhiễm đạo ôn lá thì xác suất của bệnh càng lớn, nếu không chủ động sớm sẽ gây thiệt hại nặng nề đến năng suất cuối vụ”.

Thời tiết đang diễn biến phức tạp và khó lường. Kiểu thời tiết này đang tạo môi trường cho tập đoàn dịch hại nguy hiểm nhất phát sinh, gây hại. Cùng với đạo ôn cổ bông, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương cần theo dõi sát diễn biến của bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột… nhằm chủ động ứng phó và phòng trừ an toàn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast