Thú y viên cơ sở (Bài 1): Báo động “già hóa”!

(Baohatinh.vn) - Ông lão đã ngoài 80 tuổi vẫn vác trên vai nhiệm vụ thú y xã vì không tìm được người thay thế; người phụ nữ 40 năm cùng chiếc xe đạp cà tàng lặn lội khắp ngõ xóm chăm sóc, điều trị cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) của người dân; không ít địa phương phải bố trí người không có chuyên môn làm công tác thú y... là những chuyện “cười ra nước mắt” về thực trạng mạng lưới thú y cơ sở hiện nay!

“Bỏ thì thương…”

Bước sang năm thứ 57 trong nghề thú y, những gì mà ông Nguyễn Huy Khang, cán bộ thú y xã Thạch Bình (TP Hà Tĩnh) có là chồng giấy khen, bằng khen cao ngất ngưởng từ thời tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh cho đến TP Hà Tĩnh sau này. Vừa nghe chúng tôi nhắc đến chuyện “duyên nghiệp” với thú y, mắt ông lão 80 tuổi bỗng sáng rực, hồi tưởng lại chi tiết những năm xông pha “máu lửa” trên mặt trận giữ “cơ nghiệp” cho nhà nông. Tốt nghiệp chuyên ngành thú y, suốt 57 năm, chưa bao giờ ông hết nhiệt huyết với nghề.

Công việc của cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, thường xuyên rong ruổi vài chục cây số trên khắp đường làng, ngõ xóm, đến từng hộ để tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi
Công việc của cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, thường xuyên rong ruổi vài chục cây số trên khắp đường làng, ngõ xóm, đến từng hộ để tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi

Ông tâm sự: “Làm nghề này là không kể ngày, đêm; xa, gần, ở đâu người dân báo có GSGC ốm là phải đến tận nơi kiểm tra, xác định nguyên nhân để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm. Vào những đợt tiêm phòng hay có dịch bệnh, nhiều đêm, tôi không được ngủ; có khi còn bị đổ trách nhiệm vì GSGC đã tiêm phòng vẫn bỏ ăn, lây bệnh. Thế nên, hễ chọc mũi tiêm vào những con vật là gia sản của nông dân thì áp lực lớn lắm!”. Một mình ông, vừa làm công tác phát triển chăn nuôi, tham mưu các chính sách cho xã, vừa thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên GSGC, kiểm soát giống, kiểm soát giết mổ, mỗi tháng, Nhà nước trả cho ông chỉ vẻn vẹn 575.000 đồng. Nếu không vì yêu nghề, liệu ông Khang có thể trụ được với nghề hay không?! Ông Khang cho biết thêm: “Mấy năm nay, sức khỏe giảm sút, tôi đã xin nghỉ từ năm ngoái nhưng… chưa được vì xã chưa bố trí được người thay thế. Những người trẻ tuổi, họ chọn nghề khác có thu nhập cao hơn”.

Ở xã Vượng Lộc (Can Lộc), người dân đã quen với hình ảnh bà Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã gầy gò, hì hục với chiếc xe đạp cà tàng đi chăm sóc, khám chữa cho đàn vật nuôi. Năm nay, bà Nguyễn Thị Dần cũng đã ở tuổi 64, gắn bó với nghề thú y cơ sở đến gần 40 năm. Vì địa bàn rộng, lại là điểm giao của các đầu mối giao thông như QL 1A, đường liên xã Quang - Mỹ - Vượng và chợ đầu mối trâu bò (chợ Nhe - Vĩnh Lộc) nên việc quản lý dịch bệnh rất khó khăn.

Bà Dần cho biết: “Điểm xa nhất, tôi phải đạp 5-6 cây số, vào những ngày mưa rét, đêm khuya hay dịch bùng phát thì phải nhờ con chở bằng xe máy. Được cái, đã nhiều năm dày dạn kinh nghiệm nên được bà con tin tưởng. Đó cũng là một niềm vui!”. Nhưng điều chua xót nhất đối với người phụ nữ này không phải là nỗi đau đáu với nghề ở cái tuổi “xế chiều” mà những trăn trở: “Dù đồng phụ cấp bán chuyên trách chỉ 1.350.000 đồng/tháng nhưng tôi vẫn tình nguyện làm. Nếu nghỉ, có nghĩa hơn 40 năm cống hiến tôi chẳng có gì, không được đóng bảo hiểm, không đồng lương hưu. Ở tuổi này, tôi đã có thể nghỉ nhưng con tôi vẫn cần tiền đi học!”.

Con gái bà lấy chồng cách đó mấy xóm vẫn về giúp dọn dẹp nhà cửa vì mẹ vắng nhà thường xuyên; còn người con trai út dường như tường tận những tuyến đường, ngõ hẻm dẫn vào từng chuồng, trại của người dân; biết chi tiết những lần dịch bệnh bùng phát ở địa phương…

Không mấy ai mặn mà!

Công việc của cán bộ thú y cơ sở khá vất vả, thường xuyên rong ruổi vài chục cây số trên khắp đường làng, ngõ xóm, đến từng hộ để tiêm phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi, làm việc trong môi trường độc hại, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhất là cúm gia cầm. Yêu nghề đã khó, sống được với nghề còn khó hơn! Xã Thạch Long (Thạch Hà) nhiều năm nay, công tác thú y cơ sở do Phó Chủ tịch Hội Nông dân đảm nhiệm. Nguyên nhân chính là thiếu cán bộ chuyên môn về thú y.

Ông Nguyễn Chi Trưng - Chủ tịch UBND xã Thạch Long cho biết: “Cả xã duy nhất một người được đào tạo chính quy về thú y. Mấy lần, đích danh Chủ tịch UBND xã vào tận nhà mời làm thú y viên nhưng họ không nhận lời. Lý do chính là họ không muốn bị ràng buộc, thích hành nghề tự do hơn”. Vì thế, mỗi khi “đụng sự” có dịch, xã đành phải nhờ sự trợ giúp thú y của huyện.

Thực trạng này không phải là hiếm trên địa bàn tỉnh ta. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 500 người hành nghề thú y tư nhân nhưng việc thu hút lực lượng trẻ, có năng lực và chuyên môn vẫn là một khoảng trống lớn tại các phường, xã. Ngay tại TP Hà Tĩnh, mặc dù các chính sách ưu tiên cho đội ngũ này thường xuyên được quan tâm thì vẫn có đến 7/16 phường, xã không bố trí được cán bộ có chuyên môn làm công tác bán chuyên trách thú y.

Ông Nguyễn Chính Hùng - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh cho biết: “Việc các phường, xã không bố trí được cán bộ thú y có chuyên môn đã gây khó khăn lớn cho công tác phòng chống dịch. Thứ nhất, họ không thể tham mưu cho ngành chuyên môn chính sách, kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, theo đó, công tác phát hiện dịch và tổ chức thực hiện, thiếu hiệu quả. Hơn nữa, phụ cấp cho cán bộ bán chuyên trách chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ đặc thù của ngành (trưởng ban thú y được hưởng chế độ 1,0 hệ số lương cơ bản nhưng một số nơi phải chia đôi cho một cán bộ thú y, một cán bộ bảo vệ thực vật - PV) nên không gắn được trách nhiệm, nhất là việc thu hút lớp trẻ theo nghề”.

Đặc biệt, hiện nay, công tác kiểm soát giết mổ tại hộ gia đình trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp thì thú y cơ sở chính là cánh tay nối dài của ngành chuyên môn trong việc kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tất nhiên, trách nhiệm và nỗi vất vả của các thú y viên vì thế cũng tăng lên. Việc kiểm soát giết mổ tại hộ phân tán, quãng đường đi lại dài, lại phải đi làm vào 3-4h sáng, ngoài năng lực thì người làm nghề thú y phải có sức khỏe và đủ minh mẫn. Cái vướng duy nhất ở cơ sở là… không bố trí được người. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Thạch Hà còn ít nhất 4 xã (Thạch Long, Thạch Sơn, Bắc Sơn, Thạch Thắng) và Cẩm Xuyên còn 2 xã (Cẩm Lạc, Cẩm Sơn) đang để “vườn không, nhà trống”. Còn ở xã Gia Phố (Hương Khê) lại tìm “lấp chỗ trống” bằng cách bố trí 2 cán bộ không chuyên môn thú y làm công tác kiểm soát giết mổ!

Một sự sàng lọc ngẫu nhiên, phần lớn độ tuổi của mạng lưới thú y cơ sở dao động khoảng 55 tuổi trở lên. Nhiều nơi, khi thế hệ cũ nghỉ thì thiếu hụt lực lượng trong thời gian khá dài. Mạng lưới thú y cơ sở đang ở mức “báo động đỏ” về thiếu hụt nhân lực trẻ.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast