Thực hiện Chương trình 135 ở Hương Khê: Để không tái nghèo!

(Baohatinh.vn) - Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135 đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của người nghèo trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn ở huyện Hương Khê. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, đây đó vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập nhất định cần sớm được giải quyết, để các hộ thoát nghèo bền vững từ sự hỗ trợ này trong giai đoạn 2016-2020.

>> Chương trình 135: Tiếp sức cho người nghèo Hương Khê

thuc hien chuong trinh 135 o huong khe de khong tai ngheo

Xã biên giới Phú Gia (Hương Khê) nâng cấp đường giao thông nông thôn

Hạn chế lớn nhất mà chúng tôi ghi nhận được trong chuyến đi thực tế tại địa bàn huyện miền núi Hương Khê là sự dàn trải, thiếu tập trung... trong phân chia nguồn vốn được hỗ trợ từ dự án ở nhiều xã, thôn, bản. Cụ thể, một số địa phương trong huyện khi triển khai lại tìm giải pháp “an toàn, nhẹ nhàng” là mua cây giống, con giống, phân bón... chia cho từng hộ nghèo trên địa bàn. Sự dàn trải, thiếu tập trung, “bình quân chủ nghĩa” này càng làm cho nguồn vốn hỗ trợ vốn đã ít, lại càng thêm manh mún, nhỏ lẻ...

Tại một số địa phương như Phương Điền, Hương Vĩnh..., hộ nghèo được hỗ trợ tập trung với bình quân khá cao trong cả giai đoạn (2011-2015) là từ 3-5 triệu đồng/lần bởi có sự bầu chọn, nhường nhịn của nhiều hộ nghèo khác. Từ số tiền hỗ trợ đó, những hộ nghèo này có thể vay mượn, bỏ thêm khoảng chừng ấy tiền nữa là có thể mua một con bê hoặc mấy con lợn giống. Và nếu siêng năng, chăm sóc tốt, sau 1 năm, những hộ này đã có chút tài sản riêng.

“Tuy đã tập trung như vậy nhưng do nguồn vốn hỗ trợ thấp nên có hộ cũng không biết xoay xở, vay mượn thêm ở đâu để mua bò, lợn giống nên khá chật vật trong việc thoát nghèo, thậm chí là có nguy cơ tái nghèo..., ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Phương Điền chia sẻ.

thuc hien chuong trinh 135 o huong khe de khong tai ngheo

Với những bài học kinh nghiệm từ thực tế triển khai dự án và những giải pháp đồng bộ trong giai đoạn mới, hy vọng sẽ có thêm nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Nhìn chung, ở những xã, thôn thực hiện chia đều vốn hỗ trợ cho người nghèo thì hiệu quả không cao. Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Phúc Đồng thừa nhận: Muốn tập trung được vốn hỗ trợ phải có sự bầu chọn, nhường nhịn giữa các hộ nghèo. Điều này là rất khó. Họ luôn cho rằng đây là chính sách, là quyền lợi của mỗi hộ nghèo nên cứ đòi chia. Chẳng hạn như năm 2015, các hộ nghèo xã Phúc Đồng được hỗ trợ 320 triệu đồng. Số tiền này nếu được hỗ trợ cho một số hộ nghèo thì họ có thể bỏ thêm vốn để mua giống cây, con lớn hơn, giá trị hơn phục vụ sản xuất và cơ hội nâng cao năng suất, giá trị sản xuất cũng cao hơn. Biết thế nhưng cuối cùng, xã cũng phải mua phân bón rồi chia cho các hộ nghèo theo diện tích sản xuất nên hiệu quả phát huy từ đồng vốn hỗ trợ chưa cao lắm.

“Năm 2016 này, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ bò giống cho những hộ thật sự cần vốn thoát nghèo” - ông Hùng bày tỏ quyết tâm.

Một điểm nữa cần những người làm chính sách lưu ý là hiện nay, số người nghèo do ốm đau, già yếu, không còn khả năng lao động tại các địa phương khá nhiều. Đối với các đối tượng này, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ khác, không nên áp dụng hỗ trợ phát triển sản xuất, bởi vừa không phù hợp, vừa làm nhỏ thêm đồng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất vốn đã quá nhỏ. “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất rất cần được tăng thêm mức hỗ trợ và chỉ nên phục vụ cho đối tượng nghèo đang có nhu cầu về vốn, vật tư, thiết bị, máy móc... và mong muốn được lao động sản xuất để vươn lên, đảm bảo cuộc sống bản thân, gia đình...”, nhiều cán bộ cơ sở kiến nghị. Đây cũng là tình hình chung của cả nước, không riêng gì Hương Khê.

Theo ông Lê Hữu Đồng - Chánh Văn phòng UBND huyện Hương Khê, việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn còn nhiều hạn chế, cùng với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai... cũng làm cho việc triển khai một số nội dung của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gặp khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, đồng vốn hỗ trợ hằng năm thường chậm cũng làm cho địa phương, người nghèo không chủ động được nội dung, phương án, mùa vụ, vật tư, cây, con giống phục vụ sản xuất. Năm nay đã cuối tháng 6 mà vẫn chưa có nguồn.

Để có thêm nhiều hộ thoát nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020, theo ông Hoàng Công Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện, Hương Khê đã và đang tập trung đồng bộ, cụ thể một số giải pháp. Theo đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách đến tận người dân, nhất là đối với các hộ nghèo trực tiếp thụ hưởng; huy động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm... hỗ trợ lồng ghép cùng với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung thực hiện và tổ chức phân khai nguồn vốn kịp thời...

Hy vọng, từ những bài học rút ra trong thực tế triển khai dự án và những giải pháp đồng bộ, căn cơ trên sẽ giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện miền núi khó khăn Hương Khê có thêm điều kiện, cơ hội để thoát nghèo bền vững. Đây cũng sẽ là những kinh nghiệm quý để cấp ủy, chính quyền các địa phương học hỏi, áp dụng nhằm đưa lại hiệu quả cao trong thực hiện chương trình 135, góp phần cải thiện cuộc sống người dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast