Thủy sản Thạch Hà - Đường đến những mùa vui

Sự thành công liên tiếp của những mùa thủy sản về cả diện tích, năng suất, sản lượng, hình thức nuôi trồng... đã cho thấy hướng đi và cách làm đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thạch Hà.

Trước đây, so với một số huyện trong tỉnh, thủy sản của Thạch Hà nhìn chung chưa phát triển, tình trạng phổ biến là manh mún, nhỏ lẻ, tự túc. Vượt qua những “câu hỏi” lớn trong sản xuất, từ cuối năm 2010 đầu năm 2011, ngành thủy sản Thạch Hà bắt đầu chuyển biến.

Mùa “tôm, cá” năm 2011, Thạch Hà thắng lợi, người dân khắp nơi phấn khởi, tin tưởng vào đường hướng mà cấp ủy, chính quyền đã vạch ra.

Mô hình nuôi tôm cho thu nhập cao tại Công ty TNHH MTV Sao Thái Dương xã Thạch Trị (Thạch Hà). Ảnh: Hoàng Long
Mô hình nuôi tôm cho thu nhập cao tại Công ty TNHH MTV Sao Thái Dương xã Thạch Trị (Thạch Hà). Ảnh: Hoàng Long

Vào năm 2012, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn do diễn biến thời tiết thất thường (đầu vụ gió mùa, giữa vụ nắng hạn, nhiệt độ cao, dễ xuất hiện bệnh), song nhờ nắm vững quy trình kỹ thuật nên thủy sản Thạch Hà đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi, là mũi kinh tế nổi bật của Thạch Hà trong năm.

Những mùa vui của thủy sản Thạch Hà liên tiếp tiếp thêm động lực thúc đẩy người dân mạnh dạn đầu tư phát triển, nhân rộng mô hình. Từ chỗ tổng diện tích thủy sản 870 ha (2011) đã lên 900 ha (2012) và 949 ha (2013); sản lượng từ 4.700 tấn (2011) lên hơn 5.000 tấn (2012).

Điều đáng mừng, Thạch Hà đã từng bước thực hiện những bước chuyển đổi hình thức nuôi từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh, chuyển đổi môi trường nuôi từ tận dụng diện tích mặt nước tự nhiên sang ao đất lót bạt; từng bước du nhập các đối tượng nuôi mới…

Ngoài ra, riêng lĩnh vực nuôi cá, từ chỗ mới chỉ có 8 ô lồng ở Thạch Sơn (năm 2008), đến năm 2012 đã có 191 ô lồng, đầu năm 2013 tăng lên 220 ô lồng (Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Long). Mô hình thủy sản cho thu nhập cao xuất hiện ngày càng nhiều, ngoài mô hình tiêu biểu của bà Nguyễn Thị Hạnh (Thạch Trị), còn có hàng chục mô hình cho thu nhập cao như: Nguyễn Văn Thưởng, Nguyễn Văn Cầu (Thạch Long), Nguyễn Phi Thắng (Thạch Bàn) nuôi cá với thu nhập bình quân hàng năm 150-200 triệu đồng/năm; Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Hoa (Thạch Long) nuôi tôm thẻ chân trắng cho thu nhập 300 triệu đồng/năm.

Để đưa ngành thủy sản từ chỗ manh mún thành lĩnh vực có nguồn thu cao, cán bộ Phòng NN&PTNT đã lăn lộn với từng địa bàn, nắm vững từng mô hình, từng hoàn cảnh, tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Ông Trần Xuân Hòa - Phó Phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Chúng tôi phải thường xuyên xuống các hộ dân, gặp gỡ, tư vấn, trao đổi trực tiếp. Không chỉ là tư vấn kỹ thuật chọn giống, cải tạo ao nuôi, cách phòng trừ các loại dịch bệnh, mà còn tư vấn sử dụng các trang thiết bị nuôi như cách làm ô lồng với bao nhiêu gỗ, can, lưới…”.

Bên cạnh đó, huyện Thạch Hà đã làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cách thức tiếp cận các nguồn vốn theo chính sách hỗ trợ của tỉnh. Trong năm 2012, huyện đã tiếp cận, hỗ trợ 5 tỷ đồng cho các mô hình thủy sản theo Quyết định (QĐ) 24/UBND tỉnh, vay theo QĐ 26/UBND tỉnh đạt 20 tỷ đồng. Năm 2013, huyện đề ra kế hoạch, tiếp cận nguồn vốn theo QĐ 24 đạt 5 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đạt 3,5 tỷ đồng, vay theo QĐ 26 đạt 20–25 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Hưởng, cán bộ Kế toán - Tài chính xã Thạch Đỉnh cho biết: “Để người dân tiếp cận được các chính sách, chúng tôi phải trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ dân hiểu, định hướng các cách thức tiếp cận, kê khai danh sách, làm các thủ tục để các hộ dân được thụ hưởng các chính sách theo quy định, tạo thuận lợi trong sản xuất”.

Tinh thần trách nhiệm của cán bộ huyện, xã là yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả trong sản xuất của người dân. Nhiều hộ từ chỗ mơ hồ về kỹ thuật nay đã nắm vững quy trình, mạnh dạn đầu tư. Ông Nguyễn Phi Thắng - Chủ nhiệm HTX Diêm Hải (Thạch Bàn) cho biết: “Lứa cá đầu tiên, chúng tôi thả vào ngày 2/5/2012 trên diện tích 6,5 ha, đem lại lợi nhuận 270 triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của cán bộ huyện, chúng tôi rất khó để thành công, từ khâu chọn giống, kỹ thuật nuôi, phát hiện bệnh, kể cả cách thức tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast