Tiêm phòng vụ xuân: Tiến độ chậm, tỉ lệ thấp!

Dịch bệnh tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn nguy cơ cao nhưng nhiều địa phương vẫn “đủng đỉnh” trong công tác tiêm phòng khống chế. Chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai thiếu quyết liệt, người chăn nuôi chủ quan trong phòng chống dịch bệnh dẫn đến kết quả tiêm vắc-xin phòng bệnh gia súc, gia cầm đợt 1 khó đạt kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin LMLM cho tổng đàn trâu bò toàn tỉnh hiện mới đạt gần 60%; tụ huyết trùng đạt hơn 54%
Tỷ lệ tiêm vắc-xin LMLM cho tổng đàn trâu bò toàn tỉnh hiện mới đạt gần 60%; tụ huyết trùng đạt hơn 54%

Kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đợt 1 của tỉnh được triển khai từ ngày 1/3 cho đến 30/4. Mục tiêu đặt ra: năm 2013, toàn tỉnh sẽ tổ chức tiêm vắc-xin đạt 100% tổng số gia súc, gia cầm trong diện tiêm. Đối với bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc sẽ tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh tại các cơ sở chăn nuôi tập trung như các trang trại, gia trại, chăn nuôi hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với dịch cúm gia cầm sẽ chú trọng tiêm phòng bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao, đặt biệt là các chợ đầu mối, lò giết mổ và nơi ổ dịch cũ... Ngoài ra, còn tiến hành tiêm phòng bệnh dịch tả và tụ huyết trùng cho gia súc. Thế nhưng, đến thời điểm này, tiến độ triển khai của các địa phương rất chậm.

Thống kê mới nhất của Chi cục Thú y tỉnh cho thấy: tỷ lệ tiêm vắc-xin LMLM cho tổng đàn trâu bò toàn tỉnh hiện mới đạt gần 60%; tụ huyết trùng đạt hơn 54%, đặc biệt, tỉ lệ tiêm vắc-xin dịch tả và tụ huyết trùng cho đàn lợn đạt quá thấp: chưa đến 30% so với tổng đàn. Riêng tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm H5N1, đến nay, nhiều địa phương chưa triển khai. Một số địa phương đạt kết quả thấp như Hương Khê, Kỳ Anh, Hương Sơn, Vũ Quang...

Theo ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh: tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc đạt thấp là do sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương. Mặt khác, người chăn nuôi vẫn còn chủ quan trong công tác phòng dịch bệnh cho đàn gia súc của mình. Nhiều hộ chăn nuôi không muốn bỏ tiền túi ra mua vắc-xin mà đang mong chờ từ sự hỗ trợ của Nhà nước...

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Công điện 09/CĐ-UBND ngày 27/3 về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đợt 1/2013. Theo đó, yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc trước ngày 30/3 và cho gia cầm trước ngày 15/4/2013.

Tại cuộc họp BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc tiêm phòng bắt buộc các loại vắc-xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn trâu bò; dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn; vắc-xin cúm H5N1 cho đàn gia cầm theo kế hoạch. Đặc biệt, cần hoàn thành việc tiêm phòng

vắc-xin tai xanh ở vùng dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm trước ngày 2/4/2013. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả tiêm vắc-xin tai xanh của các huyện đang có dịch thì yêu cầu này khó có thể thực hiện được.

Ông Phạm Đào Tịnh - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao KHCN huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Tiêm phòng dịch tai xanh tại các xã có dịch đã được huyện triển khai triệt để. Riêng một số xã ở vùng khống chế và vùng bị dịch uy hiếp, tỷ lệ tiêm đạt thấp do nhận thức của người chăn nuôi vẫn còn mang tính đối phó...”.

Huyện Nghi Xuân có 6 xã buộc phải tiêm vắc-xin phòng dịch tai xanh nhưng đến nay, “toàn huyện mới chỉ 2 xã Xuân Hồng và Xuân Lam triển khai tiêm cơ bản xong, các xã còn lại vừa mới được triển khai sau khi tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ mua vắc-xin tiêm phòng tai xanh” - ông Trần Văn Trình - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao KHCN huyện Nghi Xuân cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí mua vắc-xin tai xanh. Theo đó, cơ chế và mức hỗ trợ ngân sách tỉnh 30%, huyện 50% và người chăn nuôi 20%. Bởi vậy, thời gian tới chính quyền các cấp cần phải vào cuộc quyết liệt, thể hiện được vai trò trách nhiệm của mình. Ngành chuyên môn cung ứng các loại vắc-xin, hóa chất và vật tư, dụng cụ phục vụ công tác tiêm phòng đảm bảo chất lượng, đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương. Những huyện có dịch và thuộc vùng khống chế phải tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch kịp thời, đảm bảo đạt tỉ lệ theo kế hoạch đề ra. Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn, đặc biệt là công tác triển khai tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 1/2013 đạt tỉ lệ cao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast