Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả (Bài 2): Khát vọng đánh thức tiềm năng

(Baohatinh.vn) - Phương tiện khai thác thủy sản và hậu cần nghề cá của tỉnh ta đang chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, nhìn từ tiềm năng, lợi thế lớn về biển Hà Tĩnh, có thể dễ nhận thấy, kết quả hoạt động khai thác hải sản thực sự chưa tương xứng. Tàu thuyền nhỏ bé; cửa lạch bồi lắng, kinh tế biển ở tỉnh ta đang chậm chân so với nhiều địa phương trong khu vực.

>> Bài 1: Câu hát căng buồm cùng gió khơi...

Thuyền nhỏ trước biển lớn

Hà Tĩnh có 137 km bờ biển chạy qua 43 xã của 4 huyện vùng bãi ngang với một ngư trường rộng, nhiều loại hải sản quý hiếm, mang lại giá trị xuất khẩu cao. Vậy mà, sản lượng khai thác hải sản hàng năm của tỉnh chỉ đạt trên 23.000 tấn. Theo ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ - Khai thác nguồn lợi thủy sản, nếu so với các tỉnh Quảng Bình và Nghệ An thì sản lượng khai thác thủy sản tỉnh ta còn thua xa. Ở các tỉnh này, sản lượng đánh bắt hải sản mỗi năm từ 40-60.000 tấn, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Ngư dân Xuân Hội (Nghi Xuân) được mùa cá hố
Ngư dân Xuân Hội (Nghi Xuân) được mùa cá hố

Phải nhận thấy rằng, số ngư dân có đủ năng lực, điều kiện để tiếp cận các chính sách, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền chưa nhiều. Hiện toàn tỉnh còn có gần 80% tàu thuyền có công suất nhỏ dưới 20 CV, chủ yếu khai thác vùng lộng và ven bờ nên hiệu quả kinh tế không cao. Xuân Liên là xã bãi ngang của huyện Nghi Xuân có bờ biển dài gần 3,2 km với nghề truyền thống đánh bắt hải sản. Tàu thuyền ở Xuân Liên nhỏ như chiếc lá trập trùng ngoài biển, từ xưa đến nay, chỉ quanh quẩn gần bờ. Ngư dân Nguyễn Nhạc (thôn Lâm Hoa) - hơn hai chục năm gắn bó trên con thuyền 18 CV, tâm sự: “Khi biết tỉnh có chính sách khuyến khích hỗ trợ bà con ngư dân đóng tàu mới, tôi cũng muốn “sắm” cho mình một con tàu lớn để vươn khơi, bám biển, làm giàu, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhưng nghĩ lại, thấy khó khăn quá. Chính sách hỗ trợ chỉ một phần, còn lại gia đình phải đầu tư, trong khi đó, Xuân Liên không có luồng lạch, tàu về lại phải vất vả tìm chạy sang vùng khác”. Tâm sự trên cũng là nỗi niềm của hầu hết ngư dân vùng bãi ngang trong toàn tỉnh.

Trong khi tỉnh bạn tập trung khai thác vùng khơi, sử dụng các phương tiện đánh bắt hiện đại, du nhập nghề mới thì ngư dân tỉnh ta vẫn đóng tàu theo mẫu truyền thống không có ca-bin, nắp hầm nên khó vươn khơi, bám biển. Ông Nguyễn Hữu Minh – cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho biết: Ngư trường vùng ven bờ ở Cẩm Xuyên thường xuyên chịu áp lực khai thác lớn do các tàu thuyền nhỏ gia tăng mật độ đánh bắt. Sản phẩm khai thác ven bờ chiếm tỉ trọng cao nhưng giá trị kinh tế thấp. Bà con ngư dân Cẩm Xuyên vẫn chưa thật sự mạnh dạn đầu tư nâng cấp tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ, đổi mới công nghệ khai thác để vươn khơi, bám biển...

Trầm lắng dịch vụ hậu cần

Ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Hiện nay, các luồng lạch ở cảng cá Xuân Hội, Thạch Kim, Cửa Nhượng và Kỳ Hà đều có hiện tượng bồi lắng chưa được nạo vét, đồng nghĩa với việc các cảng cá ngày càng “teo” lại, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của tàu thuyền ra vào cập cảng và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Các cảng cá trên địa bàn tỉnh hiện chỉ mới đáp ứng được nhu cầu vài chục tàu thuyền của địa phương do luồng lạch chưa được nạo vét, khơi thông và dịch vụ hậu cần còn hạn chế.

Phát triển kinh tế biển không chỉ giúp ngư dân làm giàu mà còn đảm bảo vững chắc chủ quyền biển đảo.
Phát triển kinh tế biển không chỉ giúp ngư dân làm giàu mà còn đảm bảo vững chắc chủ quyền biển đảo.

Cửa Sót là cảng cá lớn nhất của tỉnh và luôn tấp nập tàu thuyền. Nếu những năm trước, các loại tàu có công suất 200-300 CV đều dễ dàng ra vào cảng thì thời gian gần đây, do tình trạng bồi lắng luồng lạch, tàu thuyền rất khó ra vào cảng. Ông Biện Ngọc Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho hay: Tàu thuyền đánh bắt hải sản vùng khơi trở về phụ thuộc vào thủy triều mới có thể vào được cảng. Thời điểm triều cường trước và sau 2h tính từ đỉnh triều cường cũng chỉ đáp ứng tàu đến 150 CV. Hầu hết ngư dân phải đưa hải sản sang Nghệ An tiêu thụ, thuận lợi hơn nhiều. Việc luồng lạch bị bồi lắng không chỉ gây khó khăn đối với những ngư dân trực tiếp đi biển mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với sự phát triển chung của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Chủ nhiệm HTX Thiên Phú (Thạch Kim) chia sẻ: Luồng lạch cảng Cửa Sót bị bồi lắng dẫn đến hoạt động của HTX cũng hết sức khó khăn bởi thiếu nguyên liệu sản xuất. Với công suất chế biến bột cá xuất khẩu 15 tấn/ngày đêm nhưng nguyên liệu ở vùng này chỉ cung ứng bình quân 2 tấn/ngày. Thiếu nguyên liệu buộc HTX phải thu mua từ các tỉnh khác về chế biến, chi phí “đội” lên, lợi nhuận giảm. “Nếu luồng lạch ở đây được nạo vét, tàu thuyền có điều kiện cập cảng, cung ứng đủ nguyên liệu, HTX sẽ tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương” - chị Hương khẳng định.

Thực trạng khó khăn này cũng đang diễn ra ở chợ cá Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên). Tàu thuyền khai thác hải sản lần lượt trở về nhưng phải nằm cách bờ chừng 300m chờ thuyền thúng “tăng bo” đưa sản phẩm vào bờ. Chị Loan – một lái buôn ở thôn Hải Bắc cho biết: “Để thuận lợi cho công việc buôn bán, tôi phải “sắm” 2 chiếc thuyền nhỏ làm phương tiện vận chuyển. Còn các tàu thuyền, hộ dân buôn bán, họ thuê thuyền vận chuyển hải sản vào bờ, mỗi chuyến thuê cũng mất cả trăm nghìn đồng.

“Phát triển kinh tế biển không chỉ giúp ngư dân làm giàu mà còn đảm bảo vững chắc chủ quyền biển đảo. Bởi vậy, rất cần một chiến lược dài hơi với hệ thống chính sách đủ mạnh để hỗ trợ các địa phương ven biển đánh thức tiềm năng, lợi thế và để mỗi ngư dân được tiếp sức cho khát vọng làm chủ những vùng biển bạc...” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Đức Nhân khẳng định.

(còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast