Từ nghị quyết đến thực tiễn

Quá trình đô thị hóa đã tác động sâu sắc đến kết quả phát triển KT-XH trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa X) và 4 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, TP Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả quan trọng.

Mở hướng nông nghiệp đô thị

Hầu hết các phường, xã của TP Hà Tĩnh đang sản xuất nông nghiệp, trong đó có 6 xã thuần nông. Thành phố hiện có trên 1.400 ha đất chuyên canh lúa 2 vụ, khoảng 600 ha chuyên canh sản xuất màu và trên 140 ha chuyên canh sản xuất cây vụ đông. Theo quy luật của đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, manh mún. Thế nên TP Hà Tĩnh khắc phục hạn chế trên bằng cách tập trung nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích. Thành phố đã ban hành các cơ chế hỗ trợ đầu tư cho sản xuất một cách phù hợp với thực tiễn nông nghiệp đô thị.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, bước đầu đã có nhiều vùng chuyên canh rau an toàn, rau cao cấp, hoa cây cảnh, cây ăn quả, mô hình vườn trại, một số khu chăn nuôi tập trung quy mô nhỏ ra đời. Đáng kể nhất là HTX rau an toàn xã Thạch Môn đưa vào sản xuất hoa ly trong nhà lưới cho thu nhập 100 triệu đồng/ha.

Bà con nông dân xã Thạch Môn làm đất trồng rau màu.
Bà con nông dân xã Thạch Môn làm đất trồng rau màu.

Với thành công đó, năm 2012, Thạch Môn quy hoạch thêm 9 ha trồng các loại hoa như: ly, cúc, lay ơn, cải bắp, cà rốt, dưa đỏ. Hay như ở vùng chuyên sản xuất bí xanh, khoai tây, đậu cô-ve ở xã Thạch Bình, mỗi hộ thu nhập từ 4-5 triệu đồng/vụ; vùng trồng hoa, cây cảnh ở xã Thạch Linh thu lợi hàng chục triệu đồng mỗi năm… Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng trên 26 mô hình, trong đó có một số mô hình sản xuất hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng.

Chị Nguyễn Thị Liên (xóm Thanh Tiến - xã Thạch Môn) nói: “Hiện nay, gia đình tôi và nhiều hộ dân trong vùng đang tập trung xây dựng thương hiệu rau sạch ở Thạch Môn cung cấp cho thị trường thành phố. Chúng tôi mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ cho nông dân trong vay vốn và công nghệ để xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao, cung cấp sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Theo tôi, nếu biết chọn sản phẩm chủ lực, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, làm nông nghiệp ở thành phố chưa hẳn là khó”.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn gắn với phát triển đô thị, trong 5 năm, TP Hà Tĩnh đã kiên cố hóa được 31,7 km kênh mương thủy lợi, hiện 100% hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, hạ tầng GTNT tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Mạng lưới giao thông của thành phố tương đối đồng bộ, có tính liên thông, liên kết giữa các cấp, loại đường và rộng khắp trong toàn thành phố. Đến nay đã có 100% tuyến đường đến UBND các xã, phường được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng, 80% các tuyến đường liên thôn được đầu tư xây dựng kiên cố hóa theo tiêu chuẩn đường GTNT từ loại A trở lên.

Cần những giải pháp chiến lược

Thành phố hiện có hơn 3.128 ha đất nông nghiệp, chiếm 55,33% diện tích đất tự nhiên, thế nhưng, giá trị sản xuất của nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 3,52% trong tổng giá trị sản xuất trên địa bàn. Tiến trình đô thị hóa mạnh của thành phố khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang giảm dần. Theo thống kê, diện tích trồng lúa từ 3.156 ha năm 2007 đến năm 2011 chỉ còn 2.977 ha. Hiện cơ cấu lao động trong nông nghiệp chỉ chiếm 30,75%, cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản còn 4,56%. Tổng đàn gia súc cũng giảm dần qua các năm. Thạch Bình, Thạch Đồng, Thạch Trung là những địa phương chịu tác động khá lớn từ quá trình đô thị hóa.

Ông Hồ Sỹ Trình - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Đồng cho biết, địa phương có diện tích nông nghiệp bị thu hồi khá lớn. Thế nên, để xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, quy hoạch những vùng chuyên canh nông nghiệp gặp không ít khó khăn, dẫn đến sản xuất manh mún, hạn chế việc đưa tiến bộ KHKT và cơ giới hóa vào sản xuất.

Cái khó nữa của TP Hà Tĩnh chính là việc một bộ phận nông dân còn trông chờ, ỷ lại; coi việc thực hiện nghị quyết chủ yếu là Nhà nước đưa tiền, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Do vậy, không huy động được sức mạnh đóng góp của toàn dân để thực hiện xã hội hóa các nguồn đầu tư. Thứ nữa, người nông dân không tâm huyết trong sản xuất, chưa mạnh dạn bỏ vốn đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, còn nặng sản xuất theo truyền thống, manh mún, tự cung tự cấp. Nhiều xã còn lúng túng trong thực hiện các đề án phát triển sản xuất; các làng nghề chưa phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường; kết cấu hạ tầng KT-XH khu vực nông thôn mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ. Các mô hình sản xuất chưa phù hợp, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích còn hạn chế, sản xuất tập trung theo hướng kinh tế đô thị thiếu hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm...

Ông Dương Quốc Cường – Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh cho biết, hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của TP Hà Tĩnh sẽ là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả, giá trị cao. Ngoài ra, thành phố sẽ có định hướng xây dựng nền nông nghiệp ven đô có công nghệ cao, phát triển bền vững, cung cấp sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời chủ động tiến hành rà soát điều chỉnh quy hoạch, phân vùng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, gắn quy hoạch với việc chuyển đổi sử dụng ruộng đất nông nghiệp, khai thác tối đa, có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast