Tuân thủ lịch thời vụ để vụ tôm xuân hè thắng lợi

(Baohatinh.vn) - Nghi Xuân là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh, nhưng đa phần nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến nên thiếu sự bền vững. Bước vào vụ tôm xuân hè, Nghi Xuân tập trung quyết liệt, chỉ đạo các hộ dân tuân thủ lịch thời vụ và phòng chống dịch bệnh.

Nhiều hộ dân đầu tư hệ thống quạt nước, chuẩn bị xuống giống vụ xuân hè.
Nhiều hộ dân đầu tư hệ thống quạt nước, chuẩn bị xuống giống vụ xuân hè.

Vụ tôm xuân hè năm nay, Nghi Xuân có tổng diện tích 470 ha, trong đó gần 40 ha nuôi tôm công nghệ cao trên cát và nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao đất lót bạt tại các vùng nuôi tôm tập trung Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội...

Thời điểm này, người nuôi tôm tại một số vùng trên địa bàn huyện đang tất bật chuẩn bị vào vụ mới. Ông Trần Văn Thân - chủ đầm tôm ở vùng nuôi Đồng Con Cừa (Xuân Trường) cho biết: “Năm 2013, tôm được mùa, trúng giá, có lãi nên vụ tôm xuân hè này tôi mở rộng thêm 1 ha. Hiện tại, toàn bộ 2 ha với 3 ao nuôi cơ bản hoàn thành việc cải tạo ao đầm theo đúng lịch thời vụ. Chỉ vài ngày bơm nước vào là tiến hành thả giống”.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường Lê Văn Mạnh cho hay: So với các địa phương khác trong huyện, Xuân Trường là đơn vị đi sau nên vẫn còn những hạn chế trong nuôi tôm thâm canh. Trước đây, bà con chỉ nuôi thả tự nhiên nhờ vào sự may mắn trời cho được, mất. Hơn 2 năm trở lại đây, người dân Xuân Trường nuôi tôm thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, cho hiệu quả khá cao. Năm 2013, sản lượng toàn xã đạt hơn 66 tấn, trị giá gần 68 tỷ đồng. Nhờ phát triển nghề nuôi tôm, đời sống nhân dân nơi đây được nâng lên rõ rệt, con cái được học hành đầy đủ.

Vụ tôm xuân hè năm nay, Xuân Trường có 102 ha, trong đó 5,7 ha nuôi công nghiệp ở vùng Đồng Con Cừa và Đồng Mương theo hình thức lót bạt đáy ao. Ngay đầu vụ nuôi, chính quyền địa phương trực tiếp xuống các đầm tôm kiểm tra, chỉ đạo các hộ nuôi thực hiện công tác cải tạo, xử lý ao đầm theo đúng quy trình; khuyến cáo người dân mua con giống chất lượng tại những cơ sở có uy tín. Đặc biệt, xã bắt buộc các hộ nuôi lập bản cam kết chấp hành lịch thời vụ; quy trình xử lý ao; khi xẩy ra dịch bệnh phải báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để có biện pháp ngăn chặn, không để dịch lan ra diện rộng.

Kỹ sư thủy sản Trịnh Quang Luật - Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: Trước khi bước vào vụ nuôi, huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ trên địa bàn. Đặc biệt, phương thức tập huấn năm nay được đổi mới. Ngoài nhận tài liệu, các hộ còn được thảo luận, trao đổi thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau rút kinh nghiệm. Từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, vụ tôm xuân hè năm nay, nhiều hộ dân ở các xã Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường mạnh dạn bỏ cả trăm triệu đồng đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp với hình thức đắp bờ bằng đá bột vôi và trải bạt dưới đáy ao nhằm nâng cao năng suất, sản lượng.

“Thực trạng ở Nghi Xuân hiện nay chủ yếu là những diện tích nuôi tôm hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, người dân thường không chấp hành thả giống theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp. Có nhiều hộ thả giống trước một tháng với lý do sợ lụt tiểu mãn và thu hoạch tôm trước thời vụ để bán giá cao hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh cho tôm. Vì vậy, vụ tôm năm nay, huyện kiên quyết chỉ đạo các hộ nuôi phải thả giống đúng lịch thời vụ; thường xuyên cử cán bộ phụ trách xuống tận địa bàn kiểm tra, giám sát việc cải tạo ao đầm và thả giống, nhất là tại các vùng nuôi thường bị dịch bệnh đốm trắng. Theo đó, vụ tôm xuân hè, trên địa bàn huyện bắt đầu thả tôm giống từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5” - kỹ sư Luật cho biết thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast