Vấn đề đất đai trong phát triển bền vững

Hội nghị T.Ư 6 (Khóa XI) đã thông qua 02 nghị quyết và 03 kết luận, trong đó NQ số 19-NQ/TƯ "về tiếp tục đổi mới về chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm...

Triển khai thực hiện NQT.Ư 6 (Khóa XI) cho cán bộ, đảng viên, đồng chí Nguyễn Viết Trường - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã mang lại những kết quả quan trọng; góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm.

Lĩnh vực đất đai đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp do một số quy định của pháp luật về đất đai không còn phù hợp
Lĩnh vực đất đai đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp do một số quy định của pháp luật về đất đai không còn phù hợp

Tuy nhiên, những năm qua, trên lĩnh vực đất đai phát sinh nhiều vấn đề phức tạp do một số quy định của pháp luật về đất đai không còn phù hợp. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn yếu kém, bất cập. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Việc tổ chức quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường chưa chặt chẽ. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai diễn biến phức tạp. Vì vậy bài toán đặt ra cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước về sử dụng hiệu quả và bền vững quỹ đất chưa có lời giải thỏa đáng; đất đai đang và sẽ còn là vấn đề sôi động của cả nền kinh tế.

Từ thực trạng trên, nhân dân đã nhiều lần kiến nghị với Đảng, Quốc hội, khi xem xét sửa đổi Luật đất đai cần tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân. Việc thu hồi đất phải đảm bảo về lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Trong bối cảnh đó, NQT.Ư 6 (Khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai ra đời đã đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Mọi người phấn khởi khi thấy NQ khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, được xác định cụ thể phù hợp với từng loại đất, từng đối tượng và hình thức giao đất, cho thuê đất. Nhà nước thực hiện của chủ sở hữu thông qua quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất...

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho rằng, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng phải chuyển đổi mạnh mẽ và đúng hướng cơ cấu kinh tế, trong đó vấn đề cốt lõi là chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Phát triển bền vững ba mục tiêu: chất lượng của môi trường, lợi ích kinh tế, công bằng xã hội và kinh tế. Muốn đảm bảo phát triển bền vững cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp để khu vực này hỗ trợ cho công nghiệp hóa, trong đó trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu đất đai một cách hợp lý. Ruộng đất vừa là phương tiện để đảm bảo đời sống, vừa là một nhân tố sản xuất để tích lũy vốn. Việc giữ cho diện tích canh tác không giảm nhanh song song với việc phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn là giải pháp cấp thiết. Cả hai việc này đề có liên quan đến quản lý đất đai.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Võ Tá Đinh khẳng định, trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và các chính sách, pháp luật có liên quan chưa nghiêm. Do thực hiện chính sách thu hút đầu tư nên việc xem xét năng lực và nhu cầu sử dụng đất của một số dự án chưa chặt chẽ nên sau khi được giao đất, cho thuê đất nhiều dự án không thực hiện đúng cam kết, chậm tiến độ; sử dụng đất còn lãng phí, thậm chí chuyển nhượng đất trái pháp luật. Việc cấp giấy chứng nhận cho nhân dân đạt kết quả thấp. Tiến độ thực hiện công tác chuyển đổi ruộng đất tại các địa phương còn chậm, một số nơi đất còn manh mún. Riêng việc cấp đất ở, toàn tỉnh có trên 10.000 hộ được giao đất trái thẩm quyền; chính quyền các xã, phường, thị trấn, thậm chí kể cả thôn, xóm cũng tiến hành cấp đất (!). Để khắc phục tồn tại đó, thời gian qua, từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo quyết liệt, đến nay, đã giải quyết được 93% trường hợp cấp đất trái thẩm quyền; đồng thời tỉnh cũng tiến hành rà soát, thu hồi một số dự án triển khai chậm tiến độ...

Để NQT.Ư 6 sớm đi vào cuộc sống, theo lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được những nội dung cơ bản, trong đó có chính sách, pháp luật về đất đai nhằm tạo sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn xã hội. Phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản sẽ góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo khả năng thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, đóng góp thiết thực vào quá trình xây dựng đô thị và nông thôn theo hướng phát triển bền vững.

Giám đốc Võ Tá Đinh nhấn mạnh: Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ giúp UBND tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý đất đai. Giải quyết nhanh, kịp thời công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo các địa phương hoàn thành thống kê đất đai năm 2013; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cho các huyện sau khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Căn cứ quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, các huyện, thị xã sẽ khẩn trương phân bổ cho cấp xã, song song với chỉ đạo các địa phương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sử dụng đất cấp xã gắn với quy hoạch nông thôn mới. Sở cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn đọng về cấp đất trái thẩm quyền của các địa phương, góp phần giữ vững ổn định. Sở mong muốn các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục chỉ đạo tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các trang trại, gia trại có quy mô lớn.

Từ cơ sở, ông Nguyễn Đức Hải, một chủ trang trại ở Hương Khê lại nêu ý kiến phải sớm hoàn thiện bộ máy quản lý đất đai, nâng cao trình độ và đạo đức của cán bộ quản lý thị trường bất động sản. Đồng thời nên cân nhắc yếu tố hạn điền để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế - chính trị. Ông cho rằng, muốn sản xuất nông nghiệp có quy mô và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường tất yếu phải đi theo hướng trang trại, vì vậy cần nâng mức hạn điền, tạo điều kiện tích tụ đất đai. Đây cũng là ý kiến được nhiều người ở Hà Tĩnh nêu lên trong quá trình thực hiện đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật đất đai (Sửa đổi) đang được tiến hành.

Nghị quyết T.Ư 6, trong đó có vấn đề về đất đai là "kim chỉ nam", giúp chúng ta giải quyết khó khăn vướng mắc lâu nay như làm thế nào để vừa có đủ diện tích phát triển nông nghiệp, vừa có đất xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình công ích, công nghiệp hóa, đô thị hóa. Triển khai thực hiện nghiêm túc NQT.Ư6 sẽ giúp chúng ta mở hướng phát triển thị trường bất động sản góp phần huy động nguồn vốn lớn cho phát triển kinh tế và tạo tác động lan tỏa tới sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác nhau; thúc đẩy quá trình phát triển đô thị, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast