Về đích NTM - chuyện từ những xã lỡ hẹn (Bài 2): Dồn sức

(Baohatinh.vn) - Lỡ hẹn kế hoạch về đích 2013 - sự trăn trở, băn khoăn đang được chuyển thành quyết tâm chính trị cho mốc phấn đấu mới 2014. Từ đầu năm nay, nhiều xã đã dồn sức hoàn thành những tiêu chí còn lại để được công nhận kết quả mới vào 6 tháng đầu năm.

>> Về đích NTM - chuyện từ những xã lỡ hẹn (Bài 1): Những bài học không cũ

Xã điểm trung ương: không thể chậm

Những ngày đầu năm 2014, trên mỗi con đường, mỗi địa bàn thôn xóm của xã Gia Phố (Hương Khê) có thể cảm nhận rõ nhịp sống khẩn trương. Những công trình NTM được hoàn thành; những mô hình sản xuất mới được hình thành và phát triển... đang từng ngày đổi thay diện mạo và sức sống của xã điểm NTM quốc gia. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Minh nói: “Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Gia Phố chủ yếu chỉ lo xây dựng hạ tầng mà ít tập trung vào các mô hình sản xuất nên đường về đích chưa vững chắc. Điểm yếu này đang được chúng tôi tập trung khắc phục bằng việc bám sát hơn các mũi nhọn kinh tế địa phương, sâu sát và hỗ trợ đắc lực để các mô hình sản xuất ra đời và phát triển bền vững”.

Tổ hợp tác Hải Sơn (xã Gia Phố) với 32 thành viên, quản lý và sản xuất trên 300 ha đất rừng
Tổ hợp tác Hải Sơn (xã Gia Phố) với 32 thành viên, quản lý và sản xuất trên 300 ha đất rừng

Vượt qua quãng đường rừng khó khăn sau trận mưa đầu mùa, chúng tôi được chứng kiến sự phát triển sôi động và hiệu quả của một vùng kinh tế mới đầy tiềm năng của xã Gia Phố. Từ một thung lũng hoang sơ, nhận biết được tiềm năng phát triển kinh tế vườn rừng vô tận, một vài hộ dân đã mạnh dạn vào khai khẩn và lập trại sản xuất; rồi phát triển lên hàng chục hộ. Đến nay, ở vùng đất này, với sự đồng hành của lãnh đạo địa phương, Tổ hợp tác (THT) Hải Sơn đã ra đời với 32 thành viên, quản lý và sản xuất hơn 300 ha đất rừng.

Với sự tiếp sức từ việc định hướng, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, tập huấn kiến thức sản xuất, hạch toán kinh tế..., 32 thành viên THT Hải Sơn đã có điều kiện để xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tổng hợp trên diện tích của mình. Ông Phạm Ái - Kiểm soát viên của THT Hải Sơn cho biết: Với diện tích sản xuất bình quân mỗi hộ trên 10 ha, đơn vị chỉ đạo và vận động bà con tập trung phát triển các mô hình như: trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, nuôi hươu, trâu bò, gà và lợn. Những thành viên có mô hình lớn có trách nhiệm hỗ trợ các hộ khó khăn hơn về vốn, kinh nghiệm sản xuất và kết nối chính sách...

Hiện nay, bên cạnh hơn 100 ha cây lâm nghiệp và cây ăn quả, THT đã phát triển mạnh hướng chăn nuôi hàng hóa với 60 con hươu, hàng ngàn con gà và hàng trăm con lợn. Sự ra đời của tổ hợp sản xuất đang giúp các thành viên khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế địa phương, tự tin phát triển sản xuất quy mô lớn, tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất hàng hóa để tăng cơ hội tiếp cận thị trường. Đây chính là hướng đi đúng để Gia Phố thực hiện thành công đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân trong chương trình xây dựng NTM.

Khí thế sôi động trên tất cả các địa phương, các lĩnh vực phát triển KT-XH của Gia Phố đang thể hiện quyết tâm “không thể chậm hơn” ở một xã điểm NTM trung ương đã 2 lần trễ hẹn về đích (mốc ban đầu là năm 2012). Đến thời điểm này, các phần việc tồn đọng của năm 2013 như: nâng cấp tuyến đường vào bãi rác, vận hành hoạt động nhà máy nước; tiến hành tổng thể cuộc chỉnh trang vườn hộ... đã được hoàn thành. Nhà bộ môn và một số hạng mục khác của trường THCS đang gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Theo đánh giá của các cấp, ngành liên quan, Gia Phố cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí để cán đích trong 6 tháng đầu năm 2014.

Các xã điểm của tỉnh: dồn sức

Trong nhóm 19 xã về đích theo kế hoạch năm 2014, các xã rớt lại của năm trước đang khá vững vàng với số tiêu chí đã hoàn thành đạt từ 14-17 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là giao thông, thủy lợi và hệ thống chính trị. Trong số các xã tốp đầu này, Sơn Châu (Hương Sơn) được đánh giá là vững nhất với 17 tiêu chí đã hoàn thành.

Những đồi chè đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân Hương Trà
Những đồi chè đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân Hương Trà

Chủ tịch UBND xã Sơn Châu - Cù Xuân Hùng cho biết: Đầu năm 2014, xã vừa hoàn thành tiêu chí chợ nông thôn và là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện thành công xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ. Song song với đó, địa phương đã tập trung thi công 0,6 km đường trục thôn và 0,5 km đường nội đồng cùng phần nền, lề đường còn lại để hoàn thành tiêu chí giao thông; xây dựng khu tập kết rác thải để đạt tiêu chí môi trường. Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) là địa phương có khối lượng công việc phải làm trong các tiêu chí liên quan đến hạ tầng khá lớn với 5,7 km kênh mương và 0,4 km đường trục xã.

“Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ cán đích vào cuối năm 2014 để có quỹ thời gian thi công các tuyến kênh mương bê tông theo đúng chuẩn. Cùng với nguồn hỗ trợ của nhà tài trợ IFAD giai đoạn 3 và nguồn xi măng tỉnh cấp 100%, xã còn hỗ trợ thêm mỗi km 30-40 triệu đồng và huy động sự đóng góp của nhân dân” - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành - Dương Danh Hóa cho biết.

Với Hương Trà (Hương Khê), ngoài việc gấp rút thi công một số hạng mục công trình trường THCS và bổ sung chức danh tư pháp để hoàn thành các tiêu chí, xã tập trung xây dựng điểm khu dân cư mẫu cấp tỉnh tại xóm Nam Trà. Ông Đinh Phúc Tâm - Bí thư Chi bộ xóm Nam Trà cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã di dời được 100 công trình vệ sinh, chuồng trại đến nơi quy định, trồng thêm hơn 10.000 m2 hàng rào xanh bằng cây chè mạn hảo. Nam Trà đang tạo dấu ấn riêng trong diện mạo NTM với những vườn hộ trồng cây ăn quả, các loài hoa, cây cảnh và hàng rào xanh đặc trưng của khu dân cư mẫu. Từ việc cùng góp sức chỉnh trang khu dân cư xanh, sạch, đẹp, bà con phấn khởi, đoàn kết và tích cực hơn trong mọi phong trào và ý thức sâu sắc về cuộc sống văn minh mới do chính mình tạo dựng nên”.

Trong khí thế quyết tâm chung của các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn thiếu để về đích trong năm 2014, xã Hương Minh được huyện Vũ Quang tập trung hỗ trợ về cả kinh phí và nhân lực với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đoàn thanh niên huyện chịu trách nhiệm hỗ trợ xã hoàn thành tiêu chí nhà ở dân cư, hội phụ nữ trực tiếp góp sức thực hiện tiêu chí môi trường và hội nông dân làm nòng cốt cho phát triển chăn nuôi - mũi nhọn kinh tế trong đề án phát triển sản xuất của địa phương.

Đặc biệt, xã miền núi Hương Minh đang là điểm xây dựng mô hình liên kết quy mô nhỏ với sự ra đời của THT sản xuất gồm 7 hộ nuôi 210 con lợn thương phẩm cho Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh. Từ những hộ tiên phong, hiện nay, nhiều gia đình khác đang đăng ký gia nhập THT để mở rộng hình thức chăn nuôi liên kết này. Hương Minh xem đây là nòng cốt để thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn hàng hóa, mở hướng cho số đông người dân nâng cao thu nhập, tạo nền tảng vững chắc trên con đường xây dựng NTM.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast