Vụ xuân 2016: Giống, thời vụ là “cứu cánh"!

(Baohatinh.vn) - Theo dự báo của ngành chuyên môn, vụ xuân 2016 sẽ là một vụ xuân ấm. Lúa trổ sớm, hạn hán, sâu bệnh hoành hành là những thách thức nhãn tiền cho vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm... Do vậy, cơ cấu giống phù hợp với trà xuân muộn và tuân thủ lịch thời vụ chính là “chìa khóa” vượt qua vụ xuân ấm.

Ở nơi không có thời vụ

Khi sản xuất vụ xuân chỉ mới được lên kế hoạch thì cánh đồng của các xã như: Xuân Trường, thị trấn Xuân An (Nghi Xuân)... những luống mạ xuân đã lên xanh. Có nơi mạ đã cao bằng gang tay, xanh sậm cả một vùng. Có nơi, cả đám ruộng nếu không được nói là đã gieo mạ thì chẳng thể nhìn thấy gì ngoài một màu đen nham nhở do mưa ngâm úng…

Để chuẩn bị lúa cấy cho vụ xuân sang năm, bà con các địa phương này đã xuống mạ cách đây gần nửa tháng (khoảng 20/11). Bà Nguyễn Thị Xuân (thôn Trường Lộc, xã Xuân Trường) đang vất vả tháo nước cho ruộng mạ bị úng ngập, buồn bã cho biết: “Người này theo người khác, cả làng đều như thế cả, cứ sau 20/11 là bà con ra đồng gieo mạ xuân. Ruộng nhà tôi vì gặp mưa ngay khi vừa xuống giống nên bị ngâm nhão hết, chẳng biết có thể phục hồi được không”.

Vụ xuân 2016: Giống, thời vụ là “cứu cánh"! ảnh 1

Không tuân thủ lịch thời vụ, nhiều đồng mạ của bà con xã Xuân Trường (Nghi Xuân) bị chết do ảnh hưởng của mưa.

Không riêng ruộng của bà Xuân, đi dọc những khoảnh ruộng nối liền, chốc chốc lại bắt gặp đám mạ “chung số phận”. Ấy thế mà vẫn không ngăn nổi không khí “ra quân” làm đất, chuẩn bị lứa mạ mới của bà con!

Ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Đó là những vùng đất sâu trũng đặc thù, muốn cấy được thì tuổi mạ phải đạt từ 30-45 ngày. Trước dự báo là vụ xuân ấm, huyện đã khuyến cáo, vận động các địa phương bắc mạ theo đúng lịch thời vụ nhưng bà con chủ yếu vẫn làm theo tập quán, sớm hơn kế hoạch của huyện”. Chưa nói đến những trà mạ này có phải là xuân sớm hay không, chỉ tính riêng lịch thời vụ, địa phương này đã bỏ xa chỉ đạo của tỉnh. Việc điều chỉnh không thể chỉ dựa vào khuyến cáo mà phải bằng hành động rõ ràng!

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Dựa trên phân tích nền nhiệt, vụ xuân năm nay chạm ngưỡng “quá ấm”. Điều đó cho thấy, cây lúa sau gieo cấy sẽ sinh trưởng nhanh và không còn thời kỳ “xuân hóa”. Đây là nguyên nhân làm lúa trổ sớm, dễ lệch ngưỡng an toàn khi gặp rét cuối vụ. Do vậy, nhất định bà con phải bám lịch thời vụ, tốt nhất nên xuống giống ở thời điểm sau của khung lịch”. Theo đó, khung lịch năm nay, chỉ tính toán cho trà lúa xuân muộn, thời gian bắc mạ dao động từ 5 - 10/1 đến 5/2, duy nhất còn lại giống xuân trung cuối cùng là P6 nằm trong khung lịch của tỉnh sẽ gieo mạ vào cuối tháng tới!

Giống 100 ngày - lựa chọn số 1

So với những vùng lúa thâm canh, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh không phải là 2 địa phương có thế mạnh nổi trội. Đất nghèo, khí hậu khắc nghiệt, nhưng đây lại là các địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ thành công với trà xuân muộn chiếm chủ lực trong vụ xuân. Thậm chí, cơ cấu giống được rút gọn, có xã chỉ 3-4 loại giống, tập trung vào nhóm chất lượng, có giá trị hàng hóa cao.

Ông Hồ Xuân Trính - Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang cho biết: “Vụ xuân, xã sản xuất 500 ha lúa, năm ngoái vẫn còn 20% diện tích xuân trung nhưng năm nay, xã đã quyết liệt cơ cấu 100% xuân muộn. Lựa chọn nhóm chất lượng nhất, được thị trường ưa chuộng như: Thiên ưu 8, RVT, nếp các loại và XM 12. Điều quan trọng, tất cả đều nằm trong vòng sinh trưởng trên dưới 100 ngày, đảm bảo khung an toàn ứng phó với thời tiết bất lợi như năm nay”.

Đức Thọ, nơi có diện tích xuân trung khá lớn, hiện cũng đang tập trung thực hiện chủ trương thu hẹp dần. Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện nay, huyện đang thực hiện chủ trương cấm các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhóm giống X trên địa bàn, nhằm giảm dần diện tích, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn nhóm giống này. Theo đó, tăng cường giống chất lượng, trong đó, xây dựng thương hiệu gạo P6 theo hình thức liên kết có đầu ra”.

Không còn trà xuân trung trong cơ cấu nhóm giống chủ lực của tỉnh, năm nay, bộ giống tiếp tục được bổ sung dòng chất lượng mà nổi bật nhất là Thiên ưu 8. Từng tạo ra “sức hút” mãnh liệt vào vụ trước với hàng nghìn ha, năm nay, Thiên ưu 8 hứa hẹn tiếp tục “ghi danh” vào nhóm giống được ưa chuộng nhất, với năng suất có thể đạt 65-70 tạ/ha, dễ thích nghi và thời gian sinh trưởng chỉ trong vòng 115 ngày. Cùng với Thiên ưu 8, nhóm chủ lực của vụ xuân 2016 còn có: HT1, N98, N87, Bắc thơm 7, P6 và Nhị ưu 838, BTE1, TH3-3, TH3-5 dòng lúa lai. Bên cạnh đó là sự xuất hiện nhiều nhóm giống mới, khẳng định tiềm năng và thích ứng như N25, BT 09…

Chỉ 1 tháng cho sản xuất 54.000 ha lúa vụ xuân, có thể nói, tuân thủ cơ cấu giống và thời vụ theo chỉ đạo của ngành NN&PTNT là yếu tố hàng đầu làm nên thắng lợi mùa vụ, ứng phó an toàn với vụ xuân ấm 2016.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast