Vùng thượng Kỳ Anh "đổi đời" nhờ nông thôn mới!

(Baohatinh.vn) - Một thời, khi nhắc đến vùng thượng Kỳ Anh là nhắc đến những khó khăn, đói nghèo. Nhưng, “gió đã xoay chiều” khi chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai, với các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hiệu quả đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và đời sống người dân nơi đây.

vung thuong ky anh doi doi nho nong thon moi

Nhân dân xã Kỳ Thượng thu hoạch chè công nghiệp

Đánh thức tiềm năng

Lâm, Sơn, Thượng, Lạc, Tây, Hợp là cụm từ thường gọi của các xã vùng thượng Kỳ Anh. Mặc dù tài nguyên rừng, đất rừng rộng lớn nhưng kể từ 2011 trở về trước, chưa một xã nào trong vùng khai thác được tiềm năng, lợi thế của “rừng vàng”. Những vườn tạp, rừng keo, đồi chè cằn cỗi, năng suất thấp, khiến bà con vùng thượng luẩn quẩn trong vòng nghèo đói.

Tuy vậy, khi bắt tay triển khai chương trình xây dựng NTM cũng là lúc những tiềm năng, lợi thế của đồi núi dần được đánh thức sau giấc ngủ dài. Với các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp như Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh, Quyết định 24, 26 của UBND tỉnh đã tạo động lực để bà con các xã vùng thượng xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Theo báo cáo từ Văn phòng Điều phối NTM huyện Kỳ Anh, tính từ năm 2011 đến nay, các xã vùng thượng đã thành lập được trên 185 mô hình kinh tế với quy mô từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng. Điều đáng mừng là các mô hình đều phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con trong vùng.

Là địa phương chiếm 80% diện tích rừng, đất rừng của toàn huyện, thời gian qua, chính quyền và nhân dân Kỳ Thượng không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, cho ra đời nhiều mô hình có hiệu quả.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Vũ Trung Tiến khẳng định: “Xác định chương trình xây dựng NTM cốt lõi nhất là nâng cao đời sống cho bà con nên thời gian qua, ngoài nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng thì việc khuyến khích, hỗ trợ bà con tiếp cận các chính sách ưu đãi để xây dựng các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm là nhiệm vụ quan trọng nhất của Kỳ Thượng”.

Đến nay, Kỳ Thượng đã xây dựng được trên 45 mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Hầu hết các mô hình đều khai thác được các tiềm năng, lợi thế của xã như: chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả. Đặc biệt, với cây chè - cây trồng chủ lực của xã, nhờ thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng các tiến bộ trong chọn giống, chăm sóc đến khâu bảo quản nên Kỳ Thượng đang trở thành vùng sản xuất chè nguyên liệu thuộc tốp đầu của tỉnh.

Hiện Kỳ Thượng có hơn 150 ha chè đang vào độ thu hoạch, với giá trị khoảng 150 triệu đồng/ha. Cùng với đó, địa phương tập trung chỉ đạo và hỗ trợ phát triển 26 ha cây ăn quả có múi như: quýt, bưởi, cam. Nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế nên đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Kỳ Thượng đạt 28 triệu đồng/năm, đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng được nâng lên.

Kỳ Lâm cũng là một trong những địa phương gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc phát triển KT-XH. Phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, điều kiện thủy lợi, từ năm 2011 đến nay, Kỳ Lâm đã thành lập được 27 mô hình và 10 tổ hợp tác, HTX có hiệu quả kinh tế; trong đó, chỉ tính riêng năm 2015, đã hỗ trợ cho 21 hộ chăn nuôi theo Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh với số tiền gần 470 triệu đồng. Ngoài ra, xã còn ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất.

Là chủ mô hình nuôi lợn liên kết và lò giết mổ tập trung có quy mô trên 1 tỷ đồng đầu tiên của xã, ông Lê Viết Hừng (xã Kỳ Lâm) khẳng định: “Để có được thành công như ngày hôm nay thì ngoài nỗ lực của bản thân, còn có sự hỗ trợ lớn từ chính quyền các cấp. Ngoài việc tạo mọi điều kiện về đất đai, KHKT thì quan trọng nhất là địa phương đã giúp tôi tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của tỉnh. Với số tiền 240 triệu đồng hỗ trợ mô hình nuôi lợn và gần 600 triệu đồng xây dựng lò giết mổ tập trung là “mồi câu” để gia đình vững tin đầu tư thêm vốn phát triển sản xuất”.

Được biết, hiện nay, trại lợn của ông Hừng với quy mô trên 1.000 con đã mang lại lợi nhuận gần 400 triệu đồng/năm.

vung thuong ky anh doi doi nho nong thon moi

Người dân vùng thượng Kỳ Anh phát triển chăn nuôi gia súc.

Tiếp sức cho người dân

Tiếp nối những thành công trong phong trào phát triển kinh tế, người dân các xã vùng thượng lại đón nhận niềm vui mới khi huyện Kỳ Anh vừa ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020.

Ông Bùi Quang Hoàn – Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Mặc dù thời gian qua, phong trào phát triển kinh tế tại vùng thượng có nhiều khởi sắc, song vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng, vẫn còn nhiều vườn tạp, chưa hình thành được sản phẩm chủ lực gắn với phát triển thị trường. Chính vì vậy, khi ban hành được chính sách này sẽ là cú hích để người dân vùng thượng tiếp tục mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Ngoài hỗ trợ trồng lúa, rau, củ, quả thì chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của huyện còn tập trung hỗ trợ các gia đình cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả và các cây, con có giá trị kinh tế; hỗ trợ phát triển cây ăn quả có múi, chè, cây thức ăn chăn nuôi, dược liệu. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, chính sách sẽ tập trung mạnh cho việc hỗ trợ tiền mua lợn giống, các loại thuốc phòng chữa bệnh, hóa chất tiêu độc khử trùng cho các cơ sở đạt tiêu chuẩn, phù hợp quy hoạch; hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng chuồng trại cho các hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với quy mô 15 con trở lên...

Với các nội dung hỗ trợ sát thực tế mà chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện Kỳ Anh vừa ban hành tạo động lực khích lệ người dân vùng thượng đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

(Còn nữa)

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast