Xanh ngát đồi chè

(Baohatinh.vn) - Những ngày tháng 7, mặc dù nắng gắt gao như chảo lửa nhưng những đồi chè ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) vẫn một màu xanh mát mắt. Hiện nay, cây chè đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân vùng phía Tây của huyện...

Được xác định là một trong những cây kinh tế chủ lực của vùng núi phía Tây Hương Sơn, những năm qua, chính quyền và bà con các xã Sơn Kim 2, Sơn Tây… đã tập trung phát triển cây chè, tạo thành một vùng nguyên liệu lớn. Điều hết sức đáng mừng, từ Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn, đến Sơn Kim 2, Sơn Tây, tất cả các hộ trồng chè đều có cuộc sống no đủ, khá giả.

xanh ngat doi che

Người dân Sơn Kim 2 thu hoạch chè.

Tổng đội TNXP xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn gần như chè bao quanh bốn phía. Tổng đội trưởng Hoàng Thế Lộc cho biết: “Những năm gần đây, diện tích chè năm nào cũng tăng đáng kể. Đến nay, toàn Tổng đội có 150 hộ trồng chè, tổng diện tích 147 ha, năng suất trung bình đạt 12 tấn/ha. Những vùng trồng từ 10 ha trở lên, năng suất ổn định 18-20 tấn/ha. Với giá chè búp tươi 7.000 đồng/kg như hiện nay, trung bình mỗi hộ thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Cây chè đang chiếm 50% thu nhập của các gia đình đội viên”.

Ghé thăm vườn chè 10 năm tuổi của anh Nguyễn Viết Lĩnh - đội viên Tổng đội (tại thôn Phố Tây - Sơn Tây), chúng tôi như bị mê hoặc trước đồi chè xanh ngút. Dưới nắng hè oi ả, nhưng đồi chè đều vươn búp non tua tủa. Vừa thoăn thoắt hái chè, anh Lĩnh vừa phấn khởi trò chuyện: “Nhờ chế độ chăm bón tốt, trong đó, chủ yếu là phân chuồng, nên vườn chè của gia đình phát triển tốt, cho năng suất rất cao. Với diện tích 0,8 ha nhưng trung bình mỗi tháng, chúng tôi thu nhập 18 triệu đồng. Đặc biệt, trong tháng 5, tháng 6 vừa qua, trung bình mỗi tháng, hái được 3,5 tấn, thu nhập 24,5 triệu đồng”.

Cách nhà anh Lĩnh không xa, đồi chè của gia đình đội viên Trần Văn Dũng cũng phát triển tốt, cho thu nhập cao. Anh Dũng cho biết, với diện tích 1 ha, trung bình mỗi tháng, gia đình thu nhập khoảng 19-20 triệu đồng. Các tháng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, thu nhập lên đến 25 triệu đồng. Anh Dũng, anh Lĩnh cũng như các đội viên đều rất phấn khởi vì chè sản xuất đến đâu đều được Tổng đội thu mua đến đó, với giá hợp lý. Đặc biệt là ngày nào cũng “hái ra tiền” đều đặn, ổn định từ vườn chè.

“Thủ phủ” chè phía Tây huyện Hương Sơn là xã Sơn Kim 2. Toàn xã hiện có 350 ha, trong đó có 60 ha thuộc quản lý của Tổng đội TNXP xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn. Chè ở Sơn Kim 2 tập trung nhiều ở các thôn Làng Chè, Thượng Kim, Tiền Phong, Thanh Dũng… Những vùng chè trên 10 năm tuổi, năng suất có thể đạt đến 20 tấn/ha/năm.

Theo ông Cao Kỷ Vỵ - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2, chè là cây kinh tế ổn định và hiệu quả hơn so với các loại cây khác nên được bà con chú trọng phát triển. Năm nay, xã sẽ trồng mới khoảng 30 ha, trong đó, chuyển một phần khá lớn từ đất màu sang trồng chè. Hiện nay, trung bình mỗi ha chè cho thu nhập lên đến 140 triệu đồng/năm. Đây là giá trị mà các loại cây màu như ngô, đậu, lạc… khó đạt được.

Trung bình mỗi hộ trồng chè ở Sơn Kim 2 có từ 0,7-1 ha, cho thu nhập ổn định. Một số gia đình chúng tôi ghé thăm, như anh Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thế Công (thôn Tiền Phong), Phan Đình Nhàn (thôn Làng Chè) đều cho biết, thu nhập từ chè trung bình đều đạt từ 13-15 triệu đồng/tháng.

Bà Phan Thị Nhụy - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết, cây chè cho thu nhập ổn định nên huyện đang có chủ trương tiếp tục phát triển ở các xã phía Tây cũng như một số xã vùng giữa như Sơn Lâm, Sơn Tiến... Theo kế hoạch, năm nay, Hương Sơn sẽ trồng mới 100 ha, nâng tổng diện tích lên trên 600 ha vào cuối năm. Trung bình, mỗi ha chè hiện cho thu hoach mỗi năm 18 tấn chè búp tươi, trị giá 125 triệu đồng; trừ chi phí, thu về trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast