Làng nghề truyền thống mây tre đan Thạch Liên vào vụ sản xuất mới

(Baohatinh.vn) - Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng là lúc làng nghề mây tre đan ở thôn Phú Quý, xã Thạch Liên (Thạch Hà, Hà Tĩnh) tất bật thu gom nguyên liệu cho vụ sản xuất mới.

Làng nghề truyền thống mây tre đan Thạch Liên vào vụ sản xuất mới

Ông Nguyễn Văn Tý đang miệt mài, tỉ mẩn đo từng thanh tre để cho vào máy cắt...

Chúng tôi có mặt tại HTX Mây tre đan Hoàng Phương (thôn Phú Quý, Thạch Liên) khi ông Nguyễn Văn Tý - Giám đốc HTX đang miệt mài, tỉ mẩn đo từng thanh tre để chuẩn bị cho vào máy cắt.

Theo ông Tý, chẳng biết nghề đan lát của Thạch Liên có từ bao giờ, chỉ biết nghề này đã được truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó với người dân nơi đây. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là phên nứa. Từ trẻ con đến người già đều có thể tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để đan phên.

Làng nghề truyền thống mây tre đan Thạch Liên vào vụ sản xuất mới

... công đoạn này sẽ góp phần loại bỏ những phần mắt tre dư thừa.

Năm 2016, 7 hộ dân ở thôn Phú Quý góp vốn thành lập HTX Mây tre đan Hoàng Phương. HTX đã đầu tư gần 500 triệu đồng để mua máy chẻ nứa, chẻ luồng, máy vót nan, máy cắt… nhằm hỗ trợ các công đoạn, cung cấp nguyên liệu ổn định cho các hộ sản xuất. Từ khi thành lập đến nay, HTX hoạt động hiệu quả, là đầu mối cung ứng nguyên vật liệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Làng nghề truyền thống mây tre đan Thạch Liên vào vụ sản xuất mới

Từng thanh tre sẽ được cho vào máy chẻ nhỏ, vuốt trơn. Những nan tre thô sẽ được chuốt lại bằng tay của những người thợ lành nghề.

“Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 2 vụ, vụ cao điểm phục vụ tết kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12 và vụ còn lại kéo dài từ sau tết đến tháng 6.

Độ bền của mỗi sản phẩm mây tre đan phụ thuộc rất lớn từ khâu lựa chọn nguyên liệu. Đó phải là những cây tre thẳng, không quá già hoặc quá non (thường có độ tuổi từ 2-4 năm) và láng mịn, thưa đốt để khi đan không bị gãy, dễ dàng luồn vào các thanh nan. Tre thường được phơi khô, ngâm nước để tránh mối mọt. Tiếp đó cho vào máy cắt thành từng khúc, chẻ nhỏ vót chuốt trơn”, ông Tý chia sẻ.

Làng nghề truyền thống mây tre đan Thạch Liên vào vụ sản xuất mới

Người dân chẻ nứa để chuẩn bị làm dây đan.

Tay thoăn thoắt đan phên, chị Nguyễn Thị Hương (thành viên HTX Hoàng Phương) tỉ mỉ giới thiệu: “Các sản phẩm của làng nghề Thạch Liên chủ yếu được đan thủ công.

Để cho ra sản phẩm chắc chắn, các nan tre phải được đan thành hình chữ nhật thành một tấm lưới phẳng, có nhiều ô vuông nhỏ cách đều nhau theo chi tiết bàn cờ, có độ lớn từ 5 mm đến 1 cm và được cố định bằng hai thanh tre lớn. Sản phẩm phên tre nhẹ, dễ vận chuyển, sử dụng và tuyệt đối an toàn với sức khỏe người tiêu dùng”.

Sản phẩm phên nứa dùng để phơi bánh tráng, bánh ram, miến dong... Ngoài thị trường tiêu thụ tại Hà Tĩnh, sản phẩm của HTX còn được khách hàng tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam... ưa chuộng

Làng nghề truyền thống mây tre đan Thạch Liên vào vụ sản xuất mới

Tranh thủ lúc nông nhàn, người dân có thể kiếm thêm thu nhập xấp xỉ 5-6 triệu đồng mỗi tháng

Hơn 8 năm trong nghề, ông Nguyễn Chính Minh bộc bạch: “Nghề mây tre đan có ưu điểm là từ người già đến em nhỏ đều có thể thực hiện. Trước đây, mây tre đan là nghề cho thu nhập chính của các hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, hiện nay, ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, thu nhập của người dân khá lên, mây tre đan trở thành nghề phụ. Người lao động tranh thủ lúc nông nhàn duy trì đan lát, kiếm thêm thu nhập xấp xỉ 5-6 triệu đồng mỗi tháng”.

Theo ông Minh, mỗi ngày, HTX sản xuất từ 300-400 sản phẩm, đưa về nguồn thu từ 8-10 triệu đồng. Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, mỗi ngày ông Minh đan được 20 tấm, với mức giá đa dạng, gia đình có thêm thu nhập tối thiểu 140 nghìn đồng/ngày.

Làng nghề truyền thống mây tre đan Thạch Liên vào vụ sản xuất mới

Với kỹ thuật đơn giản, bất cứ người dân ở lứa tuổi nào đều cũng đều có thể thực hiện việc đan phên.

Hiện tại, ngoài 7 thành viên chính thức, HTX còn thu hút thêm 120 lao động nhàn rỗi. Mỗi năm, làng nghề sản xuất được 225.000 sản phẩm phên tre; doanh thu trên 4,7 tỷ đồng; lợi nhuận dao động trên dưới 800 triệu đồng.

Sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, mỗi ngày, HTX nhận được từ 3 - 5 đơn hàng, thậm chí vào ngày cao điểm, lên tới 8 đơn hàng. Mỗi đơn đặt với số lượng từ 500, 700, 1.000 phên tùy vào đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, hiện tại, HTX đang gấp rút liên hệ với nguồn cung nguyên liệu ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình để kịp thời bước vào vụ sản xuất mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Làng nghề truyền thống mây tre đan Thạch Liên vào vụ sản xuất mới

Sản phẩm phên tre sau khi được hoàn thiện.

Mong muốn lớn nhất của ông Nguyễn Văn Tý là mở rộng diện tích sản xuất của HTX, đầu tư thêm máy móc, thiết bị để đa dạng hóa sản phẩm. Theo đó, ngoài mặt hàng chủ lực là phên tre, HTX sẽ sản xuất thêm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như giỏ, túi xách, quạt... để tiến tới xuất khẩu.

Làng nghề truyền thống mây tre đan Thạch Liên vào vụ sản xuất mới

Mong muốn lớn nhất của ông Nguyễn Văn Tý là mở rộng diện tích sản xuất của HTX, đầu tư thêm máy móc, thiết bị để đa dạng hóa sản phẩm.

Ông Trần Văn Hương - Chủ tịch UBND xã Thạch Liên cho biết: “Tháng 11/2021, làng nghề mây tre đan thôn Phú Quý chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu đến với khách hàng; hướng đến xây dựng điểm du lịch cho nhiều du khách tham quan; giải quyết việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo động lực cho các hộ sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo tồn và phát triển làng nghề trong thời gian tới”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast