Bỏ con dấu, “cởi trói” cho doanh nghiệp

(Baohatinh.vn) - Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế của Luật Doanh nghiệp (DN) 2005, đáp ứng yêu cầu cần có các chế định phù hợp cho những vấn đề mới phát sinh, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Là một đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quyền tự do kinh doanh của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận, việc sửa đổi Luật DN (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) khuyến khích mọi công dân làm giàu cho mình và cho đất nước. Một trong những sửa đổi mang tính quyết dịnh là các DN được quyết định sử dụng hoặc không sử dụng con dấu.

Theo quy định tại Điều 40, Luật DN 2014, DN có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu. Sau khi tự quyết định con dấu, DN có nghĩa vụ thông báo với cơ quan quản lý để đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc này giúp DN có thể kiểm tra tính xác thực của con dấu đối tác trước khi thực hiện giao dịch.

Bỏ con dấu, “cởi trói” cho doanh nghiệp ảnh 1

Với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), con dấu doanh nghiệp không còn là điều bắt buộc, mang giá trị pháp lý như trước.

Theo quy định trước đó, con dấu của DN do Bộ Công an cấp, theo hình thức, nội dung được quy định sẵn, DN không được phép tự ý thay đổi. Điều này gây không ít phiền hà cho DN khi phải dành nhiều thời gian, chi phí cho việc bảo quản cũng như gặp rất nhiều khó khăn nếu làm mất con dấu; đó là chưa nói đến các hậu quả phát sinh từ việc lạm dụng, sử dụng con dấu sai mục đích hoặc giả mạo. Như vậy, với Luật DN (sửa đổi) được thông qua lần này, con dấu DN không còn là điều bắt buộc, mang giá trị pháp lý như trước mà chỉ mang tính chất nhận diện DN.

Chế định DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu (Khoản 1 Điều 44) là một trong những nội dung mới, tạo điều kiện cho các DN không lãng phí thời gian vào những thủ tục không cần thiết để tập trung hoạt động kinh doanh, mang lại hiệu quả. Trước đây, để hoàn thành thủ tục đăng ký mới, thay đổi con dấu, DN phải bỏ ra hàng tuần cộng với các khoản chi phí phát sinh không nhỏ.

Những thay đổi này không chỉ là cải cách bình thường mà có thể nói là thay đổi về tư duy trong quản lý nhà nước, trong giao dịch và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. Với quy định mới, DN chỉ cần dùng chữ ký là đủ. Tuy nhiên, cải cách này đòi hỏi DN và các bên liên quan phải thay đổi thói quen giám sát đối tác về nội dung chứ không phải xem đối tác có hay không có con dấu. Khi không có con dấu (bảo hộ về mặt hình thức), các DN giao dịch với nhau buộc phải tìm hiểu về năng lực của đối tác một cách cẩn trọng, giám sát nhau thực chất hơn, từ đó, giảm được chi phí sử dụng dấu và các quan hệ kinh doanh sẽ an toàn hơn. Mặt khác, con dấu sẽ không còn được coi là dấu hiệu quan trọng nhất để xác định giá trị pháp lý của các văn bản mà điều quan trọng hơn là phải nhìn vào thực chất nội dung của các văn bản, giấy tờ giao dịch.

Xung quanh những sửa đổi cấp tiến của Luật DN 2014, anh Vĩnh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Hà Loan nhìn nhận: “Việc đòi hỏi phải có con dấu mới đảm bảo tính pháp lý của các văn bản khiến chúng tôi không chủ động trong các giao dịch, mất cơ hội kinh doanh, đầu tư do không phải lúc nào cũng kè kè con dấu bên cạnh. Còn nói về tính bảo đảm của con dấu thì gần như bằng không vì DN khi giao dịch, ký kết đầu tư đều được thực hiện trên cơ sở “niềm tin”, đó là cả quá trình tìm hiểu đối tác. Vì thế, việc bãi bỏ con dấu là hoàn toàn phù hợp, tạo môi trường thông thoáng cho các DN hoạt động”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast